Từ khoảng 9h sáng 8/1, nhiều xe tải, ôtô mang biển số TP Cần Thơ của các cá nhân, doanh nghiệp liên tục cho phương tiện chạy vào làn thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp rồi dừng lại và không đồng ý mua vé qua trạm.
Xe ôtô biển số Cần Thơ treo băng rôn phản ứng trạm thu phí và đảo nhiều vòng qua các làn thu phí vào sáng 8/1. Ảnh: Minh Anh. |
Các tài xế giải thích việc cho dừng phương tiện tại làn thu phí để yêu cầu BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp giảm giá vé và “thu đúng, thu đủ” so với chặng đường họ sử dụng trên tuyến quốc lộ 1.
"Phương tiện làn kế bên không phải mua vé mà vẫn được qua trạm, tôi cũng không mua", tài xế Thảo điều khiển ôtô bán tải biển số Cần Thơ nói với nhân viên của trạm tại làn thu phí và chuẩn bị sẵn từng lốc tiền lẻ trên xe.
Nam tài xế mang sẵn tiền lẻ nhưng không đồng ý việc mua vé qua trạm thu phí. Ảnh: Minh Anh. |
Do tài xế này không mua vé, nhân viên trạm phải bật thanh chắn barie cho phương tiện rời khỏi làn thu phí để tránh xảy ra ùn ứ giao thông.
Trước đó, trong nhiều ngày đầu tháng 1/2018, BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp bị tài xế phản ứng và buộc phải xả trạm tránh ùn tắc giao thông.
Tài xế chuẩn bị sẵn tiền lẻ trên xe nhưng không mua vé qua trạm mà để nhân viện tự bật thanh chắn barie để rời khỏi làn thu phí. Ảnh: Minh Anh. |
Sáng nay (8/1), lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đang họp với lãnh đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư để giải quyết, xử lý những vướng mắc đang xảy ra tại BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp.
Theo quyết định phê duyệt dự án ngày 27/12/2014 của Bộ Giao thông Vận tải, BOT Sóc Trăng có tổng vốn đầu tư 1.419,2 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm 9 tháng. Còn theo lãnh đạo nhà đầu tư, vốn đầu tư thực tế của BOT Sóc Trăng chỉ gần 1.200 tỷ đồng và doanh nghiệp đang lỗ mỗi ngày khoảng 100 triệu đồng vì tiền bán vé không đủ đóng lãi và chi phí quản lý.
Trạm BOT Sóc Trăng đặt tại Km 2123 + 250 trên quốc lộ 1, hoạt động lúc 0h ngày 1/6/2017. Tùy theo loại xe mà giá vé tại trạm này lần lượt là 25.000, 35.000, 40.000, 70.000 và 140.000 đồng.