Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Bóng rổ Việt Nam giành tấm huy chương lịch sử như thế nào?

Từ thất bại đau đớn trước Campuchia ở SEA Games 28, ông Nguyễn Bảo Hoàng tạo bước ngoặt quan trọng cho bóng rổ nước nhà khi mở đường để cầu thủ gốc Việt được trở về cống hiến.

Từ thất bại đau đớn trước Campuchia ở SEA Games 28, ông Nguyễn Bảo Hoàng tạo bước ngoặt quan trọng cho bóng rổ nước nhà khi mở đường để cầu thủ gốc Việt được trở về cống hiến.

“4 năm trước, nếu ai đó nói bóng rổ Việt Nam sẽ giành được huy chương tại SEA Games 30, sẽ là điều khó tin”, Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF), ông Nguyễn Bảo Hoàng, nhắc lại trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn.

Song, điều khó tin ấy đã xảy ra tại SEA Games 30, khi Việt Nam đánh bại Singapore và Indonesia, thậm chí có thể lật đổ Thái Lan nếu may mắn hơn.

Nhờ nỗ lực tuyệt vời của các chàng trai, tuyển bóng rổ Việt Nam giành được hai tấm huy chương đồng ở nội dung 3x3 và 5x5 SEA Games 30. Chỉ trong thời gian ngắn, bóng rổ Việt Nam có bước tiến thần tốc và đây chưa phải giới hạn cuối cùng.

Theo ông Bảo Hoàng, tiềm lực của bóng rổ Việt Nam đang được khai phá, và nếu nhận thêm sự đầu tư cùng hướng đi đúng đắn trong tương lai, trái ngọt sẽ còn đến nhiều.

Bài học từ trận thua Campuchia

- Sau kỳ tích của đội tuyển tại SEA Games 30, với tư cách là chủ tịch VBF, ông muốn chia sẻ điều gì?

- Tôi rất mừng, trước hết cho các cầu thủ của tuyển bóng rổ Việt Nam vì đây là thành quả từ sự nỗ lực của cả tập thể. Thành công của hôm nay là kế hoạch được chuẩn bị trong 4 năm. Tôi nhớ khi mình bắt đầu giữ ghế chủ tịch năm 2015, đội tuyển bóng rổ Việt Nam còn hình thức tuyển chọn đội hình sau mỗi giải vô địch quốc gia.

Vì điều đó, thành phần dự SEA Games 28 không phải là đội tuyển bóng rổ thực thụ, bởi phạm vi chỉ các liên đoàn địa phương đối đầu nhau, rồi chọn cầu thủ tốt nhất. Tôi cho rằng mô hình này không lý tưởng để bóng rổ Việt Nam vươn lên. Đúng thời điểm đó, tôi ấp ủ kế hoạch thành lập Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam.

Tôi biết rằng khi chỉ hội quân và chuẩn bị trong vài tuần trước thềm SEA Games, Việt Nam không có cơ hội thắng Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore. Như vậy, chúng ta mãi mãi giậm chân ở vị trí thứ 6. Thực tế ở SEA Games 28, tuyển bóng rổ Việt Nam thất bại toàn diện, và một trong số đó là trận thua đau trước Campuchia.

tuyen bong ro anh 1

- Chúng ta nhận lại bài học gì khi thua Campuchia với tỷ số 60-78?

- Khi nhìn lại thất bại này, tôi nhận ra đối thủ sử dụng một loạt cầu thủ Campuchia kiều để đánh bại Việt Nam. Tôi tiếp tục suy nghĩ, chúng ta cũng có rất nhiều nhân tố gốc Việt xuất sắc, nhưng không thể đưa họ về nước vì luật của Giải Bóng rổ Nhà nghề Đông Nam Á (ABL) chưa cho phép. Sau đó, tôi đứng ra thuyết phục các ông bầu còn lại ở giải ABL trao thêm cơ hội cho cầu thủ gốc Á trở về. Đây là sự thay đổi lớn, tạo bước đệm để các nhân tố Việt kiều được cống hiến cho bóng rổ Việt Nam.

Ở SEA Games 29 tại Malaysia, chủ nhà áp dụng luật FIBA (Luật của Liên đoàn Bóng rổ Thế giới), nên cơ hội cho cầu thủ Việt kiều vô cùng khó khăn. Đội tuyển có 2 cầu thủ Việt kiều đủ điều kiện ra sân là Stefan Nguyễn và Tâm Đinh.

Đến SEA Games 30, Philippines thay đổi luật, cho phép bất kỳ cầu thủ nào cũng có thể ra sân nếu cầm cuốn hộ chiếu trên tay. Đây là cơ hội cho Đặng Quý Kiệt (Chris Dierker) và Dương Vĩnh Luân (Justin Young) khoác áo tuyển Việt Nam, giúp chúng ta tập hợp đội hình mạnh tại SEA Games 30.

- Trước thềm SEA Games 30, ông có tin bóng rổ Việt Nam sẽ đoạt huy chương?

- Trước SEA Games 30, tôi có hy vọng nhưng không mong đợi giành huy chương. SEA Games 30 có thêm nội dung đấu 3x3. Đây là nội dung không đòi hỏi sự vượt trội về chiều cao, và tôi nghĩ lực lượng Việt Nam đủ sức cạnh tranh huy chương. Có thể đội 3x3 Việt Nam chưa đủ khả năng chạm trán các đối thủ châu Âu, nhưng chúng ta không ngại bất kỳ ai ở châu Á.

Với nội dung 5x5, tôi chỉ suy nghĩ là có cơ hội cạnh tranh huy chương, bởi Thái Lan và Indonesia đều rất mạnh. Mục tiêu thiết thực nhất với chúng ta có lẽ là vào bán kết. Xem lại trận bán kết với Thái Lan, tôi tiếc nuối. Chúng ta chỉ thiếu may mắn và phần nào đó là sai lầm từ trọng tài để đánh bại họ. Trước SEA Games 30, nếu ai đó nói rằng bóng rổ Việt Nam giành 2 HCĐ, tôi không dám lạc quan. Thành tích tại kỳ đại hội năm nay tốt hơn so với kỳ vọng.

Bóng rổ Việt Nam và điểm tựa dàn cầu thủ Việt kiều

- Bên cạnh màn trình diễn của 7 cầu thủ Việt kiều, đóng góp từ các nhân tố nội ở SEA Games 30 ở mức nào?

- Trong các cầu thủ nội dự SEA Games 30, Võ Kim Bản và Nguyễn Huỳnh Phú Vinh chưa bước sang tuổi 20, họ còn thiếu kinh nghiệm thi đấu. Cá nhân Dư Minh An trải qua kỳ SEA Games ấn tượng, cậu ấy là thủ lĩnh trên sân, luôn có tên trong đội hình 5 cầu thủ đánh chính. Dàn cầu thủ nội dự SEA Games 30 đã có đóng góp quan trọng và mỗi cá nhân chắc chắn trưởng thành hơn khi có thêm kinh nghiệm. Khi nhìn vào thế hệ cầu thủ trẻ bóng rổ Việt Nam đang có, tôi nghĩ tương lai rất xán lạn.

Đội tuyển đang có lực lượng trẻ trung và tài năng, đặc biệt là những nhân tố sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Sự phát triển của cầu thủ nội tốt hơn nhiều so với trước. Trong 2 năm tới, những gương mặt Việt kiều nổi bật như Quý Kiệt, Vĩnh Luân và Trần Đăng Khoa vẫn còn trẻ, có lẽ Việt Nam sẽ là đội tuyển trẻ nhất ở SEA Games 31.

tuyen bong ro anh 2

Đặng Quý Kiệt (Chris Dierker) là điểm tựa cho tuyển bóng rổ Việt Nam ở SEA Games 30. Ảnh: Thuận Thắng.

Trong làng thể thao thế giới, tôi thích All Blacks, đội bóng bầu dục tại New Zealand. Họ là tập thể có văn hóa thể thao tuyệt vời, khi chia sẻ mọi thứ trong phòng thay đồ, các cầu thủ sẵn sàng ngủ cùng nhau trên mặt sàn. Thứ tinh thần đó đang được thể hiện ở tuyển bóng rổ Việt Nam. Tôi biết các cầu thủ trẻ phải nỗ lực gấp đôi để vượt lên khó khăn trong thời gian qua.

- Sau màn trình diễn chói sáng của Quý Kiệt, Vĩnh Luân hay Tâm Đinh, VBF sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm nhân tố Việt kiều xuất sắc khác cho đội tuyển?

- Liên đoàn chắc chắn có kế hoạch về chuyện này. Vài năm trước, chúng tôi phải chủ động tìm kiếm Việt kiều để đưa về nước. Nhưng bây giờ, chính họ tìm đến chúng tôi. Sau SEA Games 30, điều tôi tự hào về đội tuyển là dàn cầu thủ Việt kiều cảm nhận được vinh dự khi khoác lên mình màu áo Việt Nam.

Dù họ đến từ đâu, Thụy Điển, Mỹ hay Australia, đều có điểm chung là vì màu cờ sắc áo Việt Nam. Từng cầu thủ Việt kiều đều xem mình là một phần quan trọng của dân tộc và tất cả đều hạnh phúc khi giành huy chương. Chiến thắng này có nhiều ý nghĩa, bởi họ nhận thức rất rõ mình đang đại diện cho niềm tự hào Việt Nam.

Khát vọng của bóng rổ Việt Nam

- VBF từng lên tiếng sẽ đầu tư vì mục tiêu HCV SEA Games. Tại Đông Nam Á, Philippines có nền bóng rổ vượt trội khu vực, chúng ta cần bao lâu để đánh bại họ?

- Đặt mục tiêu giành HCV tại SEA Games 31 có lẽ quá tham vọng. Thế nhưng quay trở lại câu chuyện 4 năm trước, nếu tôi nói bóng rổ Việt Nam đủ sức giành huy chương, không ai dám tin vào chuyện đó. Vượt mặt Philippines trong 2 năm là giấc mơ điên rồ, nhưng nếu trong vòng 7 hay 10 năm tới, chúng ta có cơ hội.

tuyen bong ro anh 3

Tất cả sẽ cùng nỗ lực, phải có tham vọng để đủ nguồn lực cho mục tiêu đó. Khi giữ ghế chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ, mục tiêu lớn nhất của tôi là đưa bóng rổ Việt Nam trở thành số một ở Đông Nam Á.

Khi hoàn thành mục tiêu này, chúng ta có ước mơ lớn hơn nữa, về việc đưa bóng rổ Việt Nam tiến tới đẳng cấp châu Á cùng các đội Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Trung Quốc.

- VBF sẽ làm gì để nâng tầm chất lượng cầu thủ nội, tạo nền tảng cho sự vươn lên có căn cơ của bóng rổ Việt Nam?

- Với tôi, yếu tố quan trọng nhất là đẩy mạnh phát triển bóng rổ học đường. Điều này giúp giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam phát triển, vì nhận thêm sự quan tâm từ giới trẻ. Từ đó, có thêm nhiều người theo đuổi trái bóng cam, và thêm cơ hội sàng lọc ra tài năng lớn.

Chúng tôi muốn tìm kiếm những cầu thủ cao to, mạnh khỏe hơn. Đối với các tài năng bóng rổ còn nhỏ tuổi, phải có chế độ dinh dưỡng tốt nhất. Các HLV đã nói họ không thể giúp cầu thủ cao hơn, dù biết rằng thể chất là phần quan trọng của môn thể thao này.

Trong giai đoạn cải thiện chiều cao của cầu thủ Việt Nam, VBF sẽ chú trọng phát triển nội dung 3x3 của bóng rổ. Với bóng rổ 3x3, các cầu thủ cần có sự nhanh nhẹn, phối hợp tốt và nền tảng kỹ thuật bài bản, chiều cao không phải là yếu tố quan trọng nhất.

Bóng rổ Việt Nam đang có những sân chơi giá trị và VBF cần duy trì điều này. Chúng tôi có 2 nhiệm vụ quan trọng là tìm thêm Việt kiều từ Mỹ, châu Âu và Australia, đồng thời đẩy mạnh phát triển bóng rổ trong nước. VBF sẽ hợp tác cùng NBA (Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ) và FIBA để xây dựng chương trình bóng rổ trên mọi cấp độ. Từ nền tảng đó, chúng tôi kỳ vọng phát hiện thêm nhiều tài năng bóng rổ.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Viết Tuệ - Đức Trường

Ảnh: Quỳnh Trang, Đồ họa: Minh Phúc

Bạn có thể quan tâm