Nghiên cứu kinh tế vĩ mô tháng 11 của Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định những yếu kém gần đây của hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là về giá trị đã làm thâm hụt thương mại hàng hóa của Việt Nam xấu đi nhiều. Nhập siêu cả năm có thể vượt 6 tỷ USD, tăng từ mức 0,6 tỷ USD trong năm ngoái.
Thâm hụt nới rộng
Bộ Công Thương cho biết, trong 11 tháng của năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 148,7 tỷ USD, chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu đạt hơn 152,5 tỷ USD, tăng tới 13,7%. Nhập khẩu tăng mạnh khiến cán cân thương mại thâm hụt 3,78 tỷ USD.
Phân tích của Ngân hàng HSBC cho thấy con số tăng trưởng nhập khẩu 13,7% có liên quan đến nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị cố định, khi tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng này ở mức 25% phản ánh hoạt động đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp (DN) nên không quá lo ngại.
Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu chủ yếu đến từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Thâm hụt thương mại nới rộng không chỉ do nhu cầu nhập khẩu đầu vào cho các dự án FDI nhiều hơn mà còn cho thấy khoảng cách khá lớn giữa cán cân thương mại của khối DN FDI với DN nội địa”, đại diện HSBC phân tích.
Nhập khẩu hàng hóa qua cảng VICT TP HCM. |
Khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng xuất khẩu với các mặt hàng có kim ngạch lớn như điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim… Từ đầu năm đến nay, khối các DN trong nước tiếp tục nhập siêu 18,78 tỷ USD, trong khi khối DN FDI xuất siêu gần 15 tỷ USD (kể cả dầu thô).
Nguyên nhân, theo Tổng cục Hải quan, một phần do cơ cấu xuất khẩu của khối DN trong nước tập trung vào hàng nông sản, nhiên liệu và khoáng sản là những nhóm hàng gặp nhiều khó khăn về giá và thị trường thời gian qua. Trong khi đó, khối FDI không ngừng tăng trưởng về quy mô, đẩy mạnh gia công, sản xuất hàng công nghiệp nhẹ, chế biến, lắp ráp.
Doanh nghiệp nội đứng ngoài cuộc chơi
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh cho rằng các DN trong nước chủ yếu làm gia công nên phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào, máy móc, thiết bị cho sản xuất, đẩy nhập siêu tăng mạnh là điều dễ hiểu. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Chúng ta phải lựa chọn ngay từ lúc này, nếu tiếp tục chấp nhận nền kinh tế gia công thì việc nhập siêu tăng mạnh là khó tránh. Nhưng nếu hướng đến một nền kinh tế “không chỉ làm thuê” thì cần có chính sách thúc đẩy công nghiệp phụ trợ quyết liệt, rõ ràng hơn, nhất là khi có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA khác”, TS Bùi Trinh nói.
Trong báo cáo cập nhật nền kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới tháng 12/2015 cũng cho rằng kết quả xuất khẩu thể hiện mức độ hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, DN FDI vẫn là động lực chính trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi chiếm tới 68,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Khu vực FDI đã phải gia tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đầu tư và nguyên liệu hàng hóa trung gian phục vụ chế tạo, chế biến để xuất khẩu. Tỉ trọng nhập khẩu đầu vào cao phản ánh hạn chế của chuỗi giá trị trong nước và tác động lan tỏa công nghệ từ các DN FDI sang DN nội địa chưa cao. Đồng thời, bản thân các DN trong nước chưa có khả năng tham gia chuỗi cung ứng hoặc tạo giá trị cao hơn.
Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (Amcham), cũng nhìn nhận dù Việt Nam đang thu hút vốn FDI với tăng trưởng xuất khẩu khá lớn nhưng rất ít công ty nội địa nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện 2/3 xuất khẩu của Việt Nam đến từ các nhà máy có vốn ngoại, nguyên vật liệu phụ tùng, linh kiện nhập khẩu chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu.
Việt Nam hưởng lợi do tăng trưởng xuất khẩu từ DN FDI nhưng số lượng DN nội địa hưởng lợi từ thành công này còn hạn chế và sự đóng góp của nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu là lao động tay nghề thấp. “Các DN trong Amcham đang hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát triển nhà cung ứng, nhất là các ngành dệt may, giày dép, đồ gia dụng nhằm hỗ trợ những DN Việt Nam có đủ điều kiện và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Sherry Boger nói.
Khôn khéo thu hút vốn ngoại
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng của năm, tổng vốn FDI đầu tư cấp mới và tăng thêm đổ vào Việt Nam đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có một lượng vốn không nhỏ chảy vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế từ TPP và các FTA.
TS Bùi Trinh cho rằng đang có dòng vốn ngoại từ các thị trường lân cận như Trung Quốc chọn Việt Nam làm điểm đến để hưởng lợi từ TPP, nhất là trong các ngành dệt may, da giày… Lúc này, nếu không có chính sách khôn khéo trong thu hút vốn ngoại, Việt Nam có thể trở thành thị trường “xuất khẩu giùm” các nước, còn DN nội địa lại không tận dụng được lợi thế này.