Jose Mourinho có thể không tham dự Euro, nhưng cái bóng của ông đang bao trùm lên giải đấu trên đất Pháp. Trong hầu hết các trận đấu, rất dễ nhận thấy triết lý phòng ngự lên ngôi.
Ngay cả Tây Ban Nha với truyền thống tiki-taka quen thuộc cũng phải thay đổi. Mọi thứ để cung phụng cho hiệu quả trên sân cỏ. Cái đẹp đã biến mất, bây giờ là thời của sự thực dụng.
Cơ bắp là xu hướng
Trong bài viết trên Independent, cây bút Jack Pitt-Brooke phân tích lối chơi cơ bắp trở thành xu hướng được sử dụng nhiều nhất tại Euro 2016, thay thế cho chiến thuật ưu tiên khả năng kiểm soát bóng.
Ngay cả một đội bóng trung thành với tiki-taka tới mức cực đoan như Tây Ban Nha cũng thực hiện cuộc thay đổi đáng kể về cách thức vận hành.
David Silva (phải) đang là một trong những mắt xích vận hành lối chơi của Tây Ban Nha. |
Màn trình diễn của họ là sự kết hợp giữa khả năng kiểm soát bóng và sự chắc chắn nơi phòng ngự, từ đó có được sự cân bằng nhiều hơn so với thời kỳ World Cup 2014 thảm họa.
Theo chuyên gia Jack Pitt-Brooke, Tây Ban Nha mang đến Euro 2016 một sự tươi mới và cách tấn công trực diện với nguồn cảm hứng đến từ David Silva và Andres Iniesta, hai công thần từ Euro 2008.
Top 5 những đội kiểm soát bóng nhiều nhất giải đang lần lượt là Đức (66% thời lượng trung bình mỗi trận), Bồ Đào Nha (61%), Tây Ban Nha (61%), Anh (58%), Thụy Sĩ (58%).
Nhìn Tây Ban Nha, dễ dàng nhận thấy họ kết hợp giữa cái cũ và cái mới. “La Roja” tái hiện xu thế sử dụng các tiền đạo cơ bắp để tiếp cận khung thành đối thủ.
Alvaro Morata là mẫu trung phong mạnh mẽ, còn Nolito dù không phải một vũ công bậc nhất, tuy nhiên lại mang đến một sự sắc sảo và tốc độ trong những đường lên bóng.
Ngay cả khi những bậc thầy hoa mỹ như Iniesta, Silva, Cesc Fabregas hay Sergio Busquets vẫn còn hiện diện trên sân thì Tây Ban Nha vẫn không phải một đội tuyển nghiện kiểm soát bóng như xưa.
Thời của những pha ban bật hoa mỹ đã tuyệt chủng. Mọi thứ được thay bằng những miếng đánh trực diện, phản công chặt chẽ và sự thực dụng từ hệ thống phòng ngự. Đó cũng là xu thế chung về lối chơi tại Euro 2016.
Cái đẹp trong phòng ngự
Thể thức của Euro 2016 buộc các đội bóng phải thay đổi. Họ chơi phòng ngự nhiều hơn. |
Hãy nhìn cách Ireland, Iceland hay Bắc Ireland thi đấu, họ tôn thờ sự hiệu quả là bàn thắng và bất chấp cách thực hiện điều đó. Không cần phải quá nghệ sĩ, chỉ tiêu quan trọng nhất là các bàn thắng.
Đến cả tuyển Bỉ với nhiều ngôi sao có thể chơi thứ bóng đá đẹp mắt vẫn phải nhờ đến sự thực dụng phòng ngự phản công mới tìm được đường vào khung thành đối thủ.
Việc số đội tham dự Euro 2016 tăng từ 16 lên thành 24 không làm sự kịch tính của giải đấu bị suy giảm. Hãng tin Reuters đã đúc kết điều đó trong bài phân tích hôm 23/6.
"Đây có lẽ là giải đấu hay nhất chúng ta từng có. Đang xuất hiện một sự hoài nghi về thể thức thi đấu, tuy nhiên, chúng ta đang có một giải đấu mở và rất cạnh tranh," giám đốc UEFA Giorgio Marchetti nói.
Mặc cho những sự chỉ trích về lối đá phòng ngự được rất nhiều đội sử dụng tại Euro 2016, kịch tính và hiệu quả không hề bị giết chết. "Có rất ít bàn thắng được ghi," ông Marchetti cho biết thêm. "Nhưng nhiều bàn thắng trong một trận đấu kết thúc với tỷ số 3-0 hay 4-0 chưa hẳn đã thú vị".
Ít bàn thắng, nhưng có thừa sự kịch tính ở các trận đấu tại Euro 2016. |
Thật vậy, trong số 69 bàn thắng được ghi tính đến thời điểm hiện tại, có tới 27.5% bàn thắng đến sau phút 80. Tỷ số hòa 0-0 hay 1-0 nói lên các đội thi đấu quyết liệt tới hơi thở cuối cùng.
"Ít bàn thắng làm tăng thêm gia vị của sự kịch tính và hào hứng," Danny Murphy, cựu tiền vệ tuyển Anh và giờ là nhà phân tích truyền hình cho biết. "Điều này sẽ còn tiếp tục".
Euro 2016 đã thay đổi rất nhiều. Thể thức buộc các đội phải chú trọng tính hiệu quả nhiều hơn. Điều này giải thích tại sao có rất ít bàn thắng được ghi. Bàn thắng rất quan trọng. Song, giữ sạch lưới còn quan trọng hơn.
Vậy nên, đừng ngạc nhiên khi thứ bóng đá được thể hiện trên đất Pháp những ngày tới đây tiếp tục là xu thế thận trọng. Một kiểu phòng ngự thêm phần tiêu cực, nhưng đầy kịch tính.