Mới đây, một số nước thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cho biết sẽ cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng sau tới cuối năm nay. Động thái này nhằm vực dậy thị trường dầu, nhưng có thể tạo thêm sức ép cho các ngân hàng trung ương trong việc kìm hãm lạm phát trên toàn cầu.
Theo nhà báo John Stepek của Bloomberg, không có gì đảm bảo rằng động thái của OPEC+ sẽ đẩy giá dầu tăng vọt. Còn cây bút David Fickling của Bloomberg cho rằng về lâu dài, đây là một tin tích cực.
Ông lập luận rằng việc cắt giảm sản lượng cho thấy các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới cuối cùng cũng phải chấp nhận rằng thời đại của dầu mỏ sắp sửa kết thúc. Và họ đang ở thế bị động.
Kiên quyết giữ giá dầu ở mức cao
"Đó là lý do họ muốn thu tiền về (thông qua việc đẩy giá lên cao) vào thời điểm này. Nhóm này sợ rằng những con gà đẻ trứng vàng sẽ không thể kiếm bộn tiền trong vài năm tới", vị chuyên gia bình luận.
Tuy nhiên, theo ông Stepek, dù vậy, việc OPEC+ thắt chặt nguồn cung cũng sẽ khiến các nước tiêu thụ dầu mỏ loay hoay.
Giá dầu tăng cao sẽ tạo sức ép lớn lên người tiêu dùng và doanh nghiệp, đẩy chi phí leo thang trên diện rộng. Một khi các khách hàng phải chi nhiều hơn cho xăng xe, họ có thể phải cắt giảm những khoản chi tiêu khác.
Như vậy, giá xăng dầu đi lên giống như một đợt tăng thuế trên toàn cầu. Chúng bào mòn sức mua và gây ra tình trạng giảm phát.
Mặt khác, không giống như lãi vay thế chấp, giá dầu tăng và các hiệu ứng dây chuyền của chúng sẽ kéo con số lạm phát chính thức lên cao. Điều này khiến mục tiêu hạ nhiệt lạm phát của ngân hàng trung ương trở nên xa vời hơn.
Biến động của giá dầu Brent (chuẩn toàn cầu) trong vòng 7 ngày giao dịch qua. Giá tăng vọt sau động thái mới nhất của phía OPEC+. Ảnh: Trading Economics. |
Bóng ma đình lạm
"Giá dầu sẽ gia tăng trong phần còn lại của năm nay bởi các đợt cắt giảm tự nguyện này. Chúng có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải giữ lập trường cứng rắn trong việc tăng lãi suất", ông Victor Ponsford tại hãng nghiên cứu Rystad Energy bình luận.
Tuy nhiên, theo ông, điều này có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế và cản trở đà phục hồi của nhu cầu dầu.
Theo ông Stepek, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu u ám hơn. Và kịch bản của thập niên 70 có thể lặp lại trong thập kỷ này.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu u ám hơn. Và kịch bản của thập niên 70 có thể lặp lại trong thập kỷ này
Nhà báo John Stepek của Bloomberg
Thời điểm đó, giá dầu tăng cao đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên cao. Tất cả dẫn tới một tình trạng tồi tệ của nền kinh tế. Đó là đình lạm (stagflation) - trạng thái kinh tế hiếm gặp với sự kết hợp giữa lạm phát cao, thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp.
Hơn nữa, trong những tuần qua, nhiều dấu hiệu cho thấy kho dự trữ đang giảm. Tại Mỹ, các kho dự trữ dầu sụt giảm hơn 20 triệu thùng trong vòng 20 tuần qua.
Dữ liệu của Vortexa cho thấy dự trữ dầu toàn cầu đã ghi nhận 7 tuần sụt giảm trong vòng 9 tuần qua.
Trên thực tế, theo Kayrros, dự trữ dầu thô trên đất liền vẫn cao hơn khoảng 140 triệu thùng so với một năm trước đó. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn đang tăng đều đặn, và mỗi ngày, nguồn cung sẽ giảm hơn 1 triệu thùng. Bloomberg nhận định mức chênh lệch trong kho dự trữ này sẽ sớm bị bào mòn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.