Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bông hồng thép' lơ lửng giữa những tòa nhà Hà Nội

Nghề lính cứu hoả đã biến một cô gái nhỏ nhắn, sợ độ cao trở thành một "bông hồng thép", lên xuống thoăn thoắt giữa những tòa nhà hàng chục tầng để cứu hộ cứu nạn.

Nu chien si dung ca tuoi thanh xuan de cuu nguoi anh 1

"Ngày trước đến trò chơi mạo hiểm mình cũng chẳng bao giờ dám động vào, nhưng bây giờ thì khác", đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan, người được mệnh danh là "bông hồng thép" của lực lượng cứu nạn, cứu hộ Hà Nội nói với chúng tôi bằng chất giọng dứt khoát của một người lính.

Nữ chiến sĩ cho biết, bên cạnh hai chữ "đam mê", thì chính trách nhiệm với nhân dân, với đồng đội đã khiến cô dám làm những điều mà tưởng chừng như không ai nghĩ một người phụ nữ có thể làm được.

Như là một cơ duyên

Ở Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), Công an Hà Nội, mọi hoạt động ở đây dường như đều gấp gáp, khẩn trương. Phía ngoài, từng tốp xe cứu hỏa, xe chở nước, dây, vòi phun… được sắp xếp gọn gàng như chỉ chờ có hiệu lệnh.

“Chỉ cần có lệnh, sau 1 phút, tất cả phải ra khỏi cổng”, đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan mở đầu câu chuyện kèm một nụ cười tươi tắn.

Bên cạnh việc trực tiếp chữa cháy, nhiệm vụ chính của nữ chiến sĩ này còn là tìm và sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân trong các sự cố, tai nạn. Từng là một sinh viên trường y, cảnh sát cơ động và hiện là nữ chiến sĩ tham gia trực tiếp chiến đấu của phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, cô nói rằng không có quá nhiều suy nghĩ khi lựa chọn công việc đầy “chông gai” này.

“Ban đầu chỉ định làm công việc văn phòng thôi, sau dần thấy anh em tập luyện thì mình cũng làm theo, dần dần thấy quen rồi cũng yêu thích nó như một cơ duyên”, đại úy Lan chia sẻ.

Những ngày đầu thành lập, đội cứu nạn, cứu hộ Hà Nội có tất cả 5 chiến sĩ nữ, nhưng hiện nay 4 người đã chuyển sang làm công tác văn phòng, duy nhất đại úy Lan vẫn đang tiếp tục vị trí chiến đấu.

17 năm công tác trong ngành, trải qua đủ vị trí công tác từ cứu nạn dưới nước, rồi trên không, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết với công việc trong cô chưa bao giờ nguội lạnh.

Nu chien si dung ca tuoi thanh xuan de cuu nguoi anh 2
Năm 'bông hồng thép' thuộc lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Đến nay, chỉ còn duy nhất đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan (giữa) vẫn đang tiếp tục công tác chiến đấu.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an Hà Nội, trong số các chiến sĩ nữ, xét cả về chuyên môn và năng lực thực tế, đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan luôn xứng đáng là số 1 trong mảng chiến đấu.

“Không chỉ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, Lan còn có bằng lặn quốc tế cùng nhiều chứng chỉ khác. Có những công việc ngay cả nam giới cũng khó có thể hoàn thành nhưng Lan làm rất tốt. Chúng tôi cho rằng đó không chỉ là sự cố gắng, mà còn là tình yêu đối với nghề, với người dân của đồng chí”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an Hà Nội cho biết.

Công việc không dành cho người thiếu can đảm

Để trở thành một người lính PCCC là cả một quá trình rèn luyện khắt khe không ngừng nghỉ.

“Sợ nhất là độ cao”, đây là câu trả lời của Ngọc Lan khi được hỏi về điều làm cô sợ hãi nhất những ngày đầu. Nữ chiến sĩ PCCC & CNCH nhớ như in cảm giác khi phải tập luyện tiếp đất. Đầu tiên còn được đi bằng chân, sau phải đi bằng đầu, tức là phải cắm đầu xuống trước.

Có lần phải đi xuống bằng dây từ tòa nhà cao 11 tầng, đi đến giữa thì dây bị rối, không xuống được nữa. Lúc tiếp đất chân run hết cả người, không đi nổi. Cô cho biết cảm giác bị treo ở giữa khoảng không ấy thực sự đáng sợ.

Nu chien si dung ca tuoi thanh xuan de cuu nguoi anh 3
Những pha treo mình tạo nên thương hiệu của đại úy Lan.

Làm việc trên cạn đã khó, nhưng ở dưới nước còn gian nan hơn nhiều lần. Nhớ lại khi còn làm công tác tại đội đội cứu nạn, cứu hộ dưới nước, đại úy Lan cho biết mỗi khi có người bị mất tích, tai nạn hay tự tử là cô phải trực tiếp lặn xuống mò, tìm.

Không chỉ là tìm người, thậm chí mục tiêu còn là tang vật bị các nghi phạm ném xuống nước nhằm thủ tiêu chứng cứ của các vụ án.

Đặc thù các sông, hồ Hà Nội là chỉ cần xuống một chút đã rất khó để quan sát, một phần do đặc điểm nguồn nước, phần khác là do ô nhiễm. Ngọc Lan kể lại mỗi khi phải lặn sông Hồng, con sông sâu, chảy xiết, nước cứ cuốn người trôi mãi không thể xuống đến đáy. Có lần cô phải lặn liên tục 25 phút trong cái rét tê tái của mùa đông mới được thay người.

“Những lúc như vậy tôi chẳng nghĩ gì, kể cả cho chính bản thân mình, suy nghĩ duy nhất lúc ấy chỉ là làm mọi cách có thể, đưa người bị nạn ra khỏi nơi ấy”.

Ở tuổi 39, Ngọc Lan nhanh nhẹn, khỏe khoắn và trẻ hơn tuổi. Nhưng dấu vết nghề nghiệp hiện rõ những vết sẹo ở đôi bàn tay. Hỏi Ngọc Lan về điều này, chị chỉ cười nhẹ nhàng "đó là đặc trưng của lính cứu hoả".

Ngọc Lan lý giải, chiến sĩ cứu hỏa mỗi lần tụt dây tiếp đất từ trên cao rất hay bị bỏng tay do ma sát mạnh. “Nhất là khi diễn tập hoặc chiến đấu tại những tòa nhà cao tầng, mỗi khi tiếp đất là cái đai của chúng tôi bỏng cháy luôn, còn găng tay rách tơi tả, vùng da tay cứ thế trượt ra”, nữ đại úy giải thích.

Nu chien si dung ca tuoi thanh xuan de cuu nguoi anh 4
Đại úy Lan không kém cạnh các đồng đội nam trong những buổi luyện tập. 

Sau những giờ thao trường vất vả, cởi ra bộ áo lính, Ngọc Lan lại trở về là một người vợ và người mẹ của một gia đình nhỏ. Có chồng cũng là lính cứu hỏa nên nhiều người gọi vui là "gia đình 114".

Kết hôn được 15 năm, có với nhau 2 người con, Lan cho biết cô rất thương mỗi khi nói về thiệt thòi của các cháu khi vắng bóng bố mẹ.

“Tôi và chồng đi sớm về khuya, đang đêm có sự vụ cả 2 phải đi cùng lúc, các con cứ thế mà thiếu vắng bố mẹ. Nhưng đổi lại tôi thấy mình may mắn khi được cả 2 bên gia đình hết sức ủng hộ và thông cảm. Bố mẹ chồng tôi luôn hết mình chăm nom các cháu giúp 2 vợ chồng”, cô nói.

Nu chien si dung ca tuoi thanh xuan de cuu nguoi anh 5
"Bông hồng thép" của lực lượng PCCC & CNCH Hà Nội.

Trước băn khoăn về một công việc vất vả và áp lực là thế, có khi nào và tại cô không chọn cho mình một công việc nhẹ nhàng hơn, đại úy Lan chỉ cười và cho rằng: “Nếu phải chọn lại, tôi không bao giờ chọn khác”.

Nữ chiến sĩ chia sẻ rằng mỗi ngành nghề đều cho người ta những trải nghiệm nhất định, nghề nào cũng có điểm thú vị riêng.

"Với tôi thì mỗi buổi sáng, tôi đều leo lên tháp luyện tập, nhìn về thành phố đang thức giấc và nhớ lại những người mình từng cứu, những vụ cháy mình khống chế thành công, đó là niềm vui nho nhỏ và khoảng trời bình yên nhất mà tôi tìm được trong mình”.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tính từ năm 2012 tới hết tháng 9/2019, cả nước đã xảy ra trên 24.000 vụ cháy, nổ; khiến 893 người chết, gần 2.000 người bị thương; thiệt hại vật chất ước tính trên 10.000 tỷ đồng. Theo các năm, số lượng và quy mô các vụ cháy không ngừng gia tăng.




Hồng Quang

Ảnh: Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH

Bạn có thể quan tâm