Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Bóng đá Việt và đại gia

Cái thú vị nhất của các đại gia là họ xem bóng đá như một sản phẩm của mình trên thương trường và sản phẩm đó tung ra là phải chiếm lĩnh, phải thành công chứ không phải “đá để trụ hạng”.

Bóng đá Việt và đại gia

Cái thú vị nhất của các đại gia là họ xem bóng đá như một sản phẩm của mình trên thương trường và sản phẩm đó tung ra là phải chiếm lĩnh, phải thành công chứ không phải “đá để trụ hạng”.

Thoáng một cái, bóng đá VN đã bước vào mùa thứ 11 kể từ ngày quyết định đặt chân vào con đường chuyên nghiệp từ năm 2000. Ai cũng phải thừa nhận V-League ngày càng hấp dẫn hơn. Đó cũng là điều tất yếu, khi ngày càng có nhiều đại gia tham gia làm bóng đá.

Mà đại gia thì đến cái xe họ cũng không chịu kém nhau, nói gì đến chuyện làm bóng đá - lĩnh vực thu hút hàng chục triệu người VN chăm chú theo dõi!

Bóng đá Việt và đại gia
Bầu Đức (trái) và bầu Thắng mang đến làn gió mới cho bóng đá VN

Nhớ ba năm đầu tiên của giải vô địch bóng đá quốc gia có tên V-League, ngôi vô địch đã về tay Sông Lam Nghệ An (hai lần) và Thể Công, hai đội bóng được xem là làm tốt nhất khâu đào tạo trẻ thời bấy giờ. Nhưng chất “chuyên nghiệp” ở hai đội vô địch đó là gì thì người ta không thấy, khi những nhà điều hành vẫn là các gương mặt quen thuộc của làng bóng VN. Có khác chăng chỉ là sự xuất hiện của những cầu thủ ngoại, cộng thêm vào đó là cầu thủ nhận lương cao hơn so với hồi chưa “chuyên”.

Nhưng từ năm 2003 trở đi, V-League bắt đầu mang một hơi hướm khác, lạ hơn, thú vị hơn. Hai nhân vật rồi đây sẽ được lịch sử bóng đá VN vinh danh là ông Đoàn Nguyên Đức - ông chủ Hoàng Anh Gia Lai và Võ Quốc Thắng - ông chủ Gạch Đồng Tâm. Họ là những doanh nhân thuần túy, chưa hề có một ngày đá bóng, chưa hề học trường lớp thể thao, chưa một ngày làm thể thao. Nhưng họ đã đem cung cách táo bạo, luôn đi tìm cái mới trong thương trường để áp dụng vào bóng đá. Cụ thể, bầu Đức làm được điều không ai ngờ là phi vụ Kiatisak, còn bầu Thắng là việc rước “thầy phù thủy” Calisto. Những nước cờ táo bạo của hai doanh nhân này đã khiến V-League thật sự sôi động, và họ đã chia nhau vô địch bốn năm liền từ năm 2003-2006.

Sau khi chia nhau mỗi người vô địch hai năm liền, cả bầu Đức lẫn bầu Thắng bắt đầu chuyển hướng nghĩ đến chuyện tương lai xa hơn. Đó là việc đầu tư cho bóng đá trẻ mà cả hai khẳng định vài năm nữa thôi bóng đá VN sẽ có một lớp cầu thủ thật ngon lành.

Khi bầu Đức và bầu Thắng bắt đầu có biểu hiện “giảm ga” trong việc đổ tiền đầu tư cho đội bóng để kiếm thành tích trước mắt, thì hàng loạt đại gia khác đồng loạt nhảy vào. Chúng ta thật sự choáng với thông tin bầu Hiển mùa rồi đã bỏ ra 100 tỉ đồng đầu tư cho hai đội T&T Hà Nội và Đà Nẵng. Năm nay, ông bầu được xem là chơi bạo nhất hiện nay tiếp tục khẳng định sẽ đổ tiền nhiều hơn nữa! Mà nào chỉ có bầu Hiển, bầu Trường ở Ninh Bình cũng đâu chịu kém. Hay năm nay xuất hiện thêm ông chủ Ngân hàng Navibank, rồi ông chủ Lam Sơn Thanh Hóa, Ximăng Hải Phòng... Toàn những gương mặt chịu chơi!

Cái thú vị nhất của các đại gia là họ xem bóng đá như một sản phẩm của mình trên thương trường và sản phẩm đó tung ra là phải chiếm lĩnh, phải thành công chứ không phải “đá để trụ hạng”, “đá để học tập”...

Tư tưởng tiến công của các doanh nhân đã thổi vào V-League một làn gió mát. Chỉ riêng mùa bóng năm nay, nội ứng viên cho chức vô địch cũng dài hơn với các cái tên Đà Nẵng, T&T Hà Nội của bầu Hiển, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, Đồng Tâm Long An của bầu Thắng, Bình Dương của Becamex, Ximăng Hải Phòng của bầu Thành, Ninh Bình của bầu Trường...

Các đại gia đầu tư vào bóng đá có thể vì yêu môn thể thao vua, có thể vì thích nổi tiếng, có thể vì xem bóng đá là một món hàng và cũng có thể vì... địa ốc (bóng đá là cớ để xin địa phương cấp cho những khu đất đẹp). Nhưng có vì cái gì đi nữa cũng đều có lợi cho bóng đá VN. Bởi càng cạnh tranh quyết liệt thì cơ hội phát triển càng mạnh mẽ...

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm