Hãy nói về tuyên bố đang gây xôn xao mới đây của bầu Đức (mỗi lần bầu Đức phát biểu đều tạo nên sức hút khác nhau). “Nếu không giành HCV SEA Games 29 thì tôi sẽ nghỉ. Mà HLV Hữu Thắng và các quan chức khác của VFF cũng nên từ chức là đẹp”.
Nhìn vào lịch sử gắn liền với đội bóng phố núi, tuyên bố trên của bầu Đức sẽ trở nên…rất bình thường. Ông Đức máu bóng đá. Ngoài những mục tiêu gắn liền với hoạt động đầu tư vào bóng đá (như bao ông bầu, doanh nghiệp khác), bầu Đức đến với bóng đá theo cách khiến người khác không thể không yêu. Đấy là cái máu thắng thua ở mỗi trận đấu, khiến cho mỗi lần HAGL gặp những đối thủ lớn đều là những trận giàu tính cống hiến. Đại chiến Gạch - Gỗ một thời rộn ràng ở V.League.
Bóng đá Việt thiếu bầu Đức liệu còn vui? |
Ông Đức máu thắng, nên mùa nào cũng ngóng chức vô địch, bất kể lực lượng HAGL mùa đó có thực sự mạnh hay không. Quần bò, áo phông, đi giày thể thao và khi sướng, có thể đập bàn “bụp” một phát “Hay quá ta!”. Bầu Đức khi đó đích thực là một CĐV chứ không phải ông bầu bóng đá.
Thế nên khi ông Đức tuyên bố “không thèm vô địch”, người hiểu chuyện biết ông nén lại để chờ cho lứa 1 Học viện HAGL-JMG trưởng thành hơn. “Bóng đá, ai nói không muốn thắng, chứ bầu Đức thì nhất quyết không tin. Ông ấy hiếu thắng hơn bằng tất cả ông bầu Việt Nam cộng lại”, nhận xét của một những người theo rất sát HAGL ngay từ ngày đầu bước chân vào bóng đá.
Nhiều người nói bầu Đức “nổ”, nhất là khi nhắc đến lứa con “cưng” Công Phượng. Suy cho cùng, đấy hoá ra lại là cái chất đáng yêu của ông Đức. Bóng đá nếu cứ rụt rè, hoặc chỉn chu như cách quan chức xiêm áo xênh xang, hoặc dăm ông bầu đĩnh đạc ngồi trên khán đài, mặt không chút cảm xúc sau mỗi bàn thắng đẹp thì còn gì sức hấp dẫn. Từ đông sang tây, ở đâu có bóng đá là ở đó có tranh cãi, có sự cuồng nhiệt, phấn khích đôi khi vượt cả tầm kiểm soát lý trí.
Ở góc độ bóng đá đơn thuần, nếu vin vào chuyện đúng sai, hoặc thành tích thì bầu Đức “nổ” nhiều lắm. “Nổ” khi HAGL sỡ hữu Kiatisuk. “Nổ” lúc lần đầu xem Lee Nguyễn đá thử rồi “nổ” với lứa 1 Học viện HAGL-JMG.
Chỉ nhưng người thực sự gần ông Đức, gắn bó lâu năm mới hiểu được điều này. Đây là nét cá tính khiến không mấy người có thể ghét bầu Đức, cho dù thích hoặc không thích hay không.
“Gặp hôm đầu sau khi viết xấu HAGL, ông ấy mắng tùm lum kêu viết sai. Bữa sau đã lại không thấy nhắc gì nữa, cười vui hớn hớ. Hoá ra ông ấy chửi rồi quên luôn”, một phóng viên kể chuyện của mình với ông Đức.
Ngoài đời, ông Đức dễ gần, rất thường xuyên “diện” quần bò, áo phông; nói chuyện tự nhiên và đặc biệt khi câu chuyện trở về với bóng đá thì không giữ mình nữa mà chuyển luôn sang “vai” của một người hâm mộ. Chẳng ai còn nhận ra ông bầu nghìn tỷ, quyền uy trùm cả đội bóng phố núi.
Bầu Đức có can thiệp vào chuyên môn, lỗi này thì gần như ông bầu nào ở Việt Nam cũng mắc phải. Điển hình phải kể tới bầu Kiên trước đây ở ACB. Bóng đá khiến cho những doanh nhân thành đạt cũng hoá trẻ con. Mà một ông làm kinh tế, giỏi mấy giỏi nữa, cứ đụng vào cái không phải chuyên môn của mình, ắt có lúc sai.
Cũng phải nói thêm, giới hâm mộ bóng đá đâu chẳng giống nhau. Mỗi người đều có thể là một HLV xuất sắc, sẵn sàng chửi cả….Sir Alex Ferguson nếu lỡ Mancheste United thua trận. Bầu Đức, hay các ông bầu khác ở Việt Nam, chỉ hơn CĐV bởi mỗi việc họ… có quyền.
Nếu coi cuộc sống nói chung và bóng đá nói riêng là chuỗi hành trình được kết nối bởi những mảng ghép khác nhau, thì bầu Đức và HAGL chiếm gần trọng những mảnh nhiều màu sắc, giàu cảm xúc và hạnh phúc nhất trong chúng ta. Đó là cơn bùng nổ trên sân Mỹ Đình chưa lâu khi dưới sân các cầu thủ HAGL khuấy đảo với thứ bóng đá tuyệt mỹ. Là những trận cầu đỉnh cao trong quá khứ giữa HAGL thời cực thịnh, với các đối thủ sừng sỏ ở V.League. Và cũng có thể là những lần “nổ” của ông bầu phố núi, có sức hút cực lớn với cả người hâm mộ lẫn cánh phóng viên theo bóng đá hàng ngày.
Bóng đá Việt từng sản sinh ra nhiều trung vệ lừng lẫy, HLV Hữu Thắng là một trong số đó. Ông Thắng có thể là một phần lịch sử của SLNA và ĐTQG, nhưng bầu Đức là một phần của lịch sử cả nền bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam có thể thêm nhiều trung vệ, những sẽ mất rất lâu để có được một ông bầu đúng nghĩa.
Trong hơn chục năm trở lại đây, đội tuyển Việt Nam cũng chứng kiến các HLV kế tiếp nhau, đến rồi đi. Từ A.Riedl đến Calisto, Phan Thanh Hùng hay Hoàng Văn Phúc, ông Toshiya Miura đến rồi đi, để Hữu Thắng lại lên ghế.
Thêm một chức danh ở VFF không làm bầu Đức thêm danh giá. Bớt đi một chức danh, bầu Đức vẫn là bầu Đức. SEA Games 29 này, nếu lỡ U22 Việt Nam có lỡ không đoạt vàng, đừng nên nói chuyện bầu Đức chia tay.