Việc rơi vào bảng đấu gồm Malaysia, Myanmar được coi là tín hiệu vui với Việt Nam nếu nhìn vào bảng đấu còn lại gồm Thái Lan, Indonesia hay Singapore. Tuy vậy, những trận đấu với Myanmar hay với người Mã từng để lại không ít kỷ niệm buồn với bóng đá Việt Nam.
Gặp Malaysia: Buồn nhiều hơn vui
Những trận đấu với Malaysia thường đem đến cho bóng đá Việt Nam những kỷ niệm buồn. Lần gần nhất tại bán kết AFF Cup 2014, các học trò của HLV Miura khi ấy đã để thua một cách khó hiểu trên sân nhà.
Tưởng như thắng lợi 2-1 trên sân khách sẽ đem lại lợi thế tâm lý cho các cầu thủ Việt Nam thì ngay trong hiệp 1, họ đã bị dội những gáo nước lạnh bởi 4 bàn thắng của Malaysia. Nổi bật trong số đó là pha đá phản lưới nhà của trung vệ Đinh Tiến Thành - về sau bị nghi ngờ có dính đến tiêu cực. Chung cuộc, tuyển Việt Nam nhận thất bại 2-4, và nó để lại nỗi thất vọng khó quên với người hâm mộ Việt Nam.
Đinh Tiến Thành đốt lưới nhà trong trận đấu với Malaysia. Ảnh Lê Hồ. |
Những kỷ niệm buồn dính đến bóng đá Malaysia đã có từ trước đó. Năm 2010, Việt Nam khi ấy cũng chơi trận bán kết AFF Cup và còn là đương kim vô địch. Thầy trò HLV Calisto khi ấy làm khách ở Malaysia và tạo ra thế trận tốt với nhiều cơ hội, trước khi hàng phòng ngự chơi thiếu tập trung và để đối phương chọc thủng lưới. Thủ thành Tấn Trường mắc sai lầm khi bắt bóng không dính ở bàn thua đầu, mở ra thất bại 0-2 của Việt Nam.
90 phút lượt về là không đủ để tuyển Việt Nam làm nên điều gì đó. Nỗi thất vọng còn lớn hơn khi tiền vệ Phạm Thành Lương nhận thẻ đỏ. Anh nhận thẻ vàng thứ 2 sau lỗi ăn vạ trong vòng cấm. Thành Lương sau đó rời sân với những giọt nước mắt, vừa thể hiện nỗi thất vọng và cũng là sự bất lực trong việc ghi bàn.
Các cầu thủ rơi nước mắt, trong khi thủ môn Tấn Trường chấn thương tay sau trận chung kết SEA Games 2009. Ảnh: Getty Images. |
Tuy vậy, kỷ niệm đáng quên nhất khi đối đầu với người Mã phải là trận chung kết SEA Games 2009. Việt Nam đánh bại Malaysia 3-1 ở vòng bảng giải năm đó, nhưng thất bại đáng tiếc 0-1trước chính Malaysia trong trận tranh huy chương vàng. Pha đá phản của trung vệ Mai Xuân Hợp ở cuối trận đã xoá nhoà thế trận áp đảo của thầy trò HLV Calisto. Tấm huy chương vàng tuột khỏi tầm tay của U23 Việt Nam đầy tiếc nuối.
Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam cũng từng có những lần khiến người Mã phải ôm hận. Gần đây nhất là năm 2016 khi ĐT Việt Nam hạ Malaysia ở vòng bảng AFF Cup, gián tiếp loại sớm đối thủ. Ở SEA Games 2015, U23 Việt Nam đánh bại U23 Malaysia 5-1 ở vòng bảng SEA Games, mà nổi bật là cú sút phạt quỹ đạo quả chuối của Công Phượng. Lùi thêm 6 năm trước tại AFF Cup 2008, tuyển Việt Nam cũng từng có thắng lợi 3-2 đầy kịch tính ở vòng bảng - là bước đệm cực kì quan trọng để hướng tới chức vô địch AFF Cup năm đó.
Năm 2005, U23 Việt Nam tham dự SEA Games cũng đánh bại Malaysia với tỷ số 2-1. Nhưng cảm xúc nhất vẫn là trận bán kết SEA Games giữa 2 đội năm 2003. U23 Việt Nam dẫn đến phút 80 sau 2 bàn thắng của Văn Quyến và 1 bàn của Quốc Vượng, nhưng để đối phương gỡ hòa ở các phút 85 và 87. Đến phút 90, Phan Thanh Bình có cú đánh đầu ngược ấn định tỷ số 4-3 đầy cảm xúc, đưa Việt Nam vào chung kết gặp Thái Lan.
Những kỷ niệm buồn với Myanmar
Bóng đá Myanmar trước đây vốn không được đánh giá cao bằng Việt Nam, tuy nhiên những trận đấu cảm xúc giữa 2 đội không phải ít. Năm 1995, Việt Nam gặp Myanmar ở bán kết SEA Games. Để đối phương vươn lên dẫn trước nhưng những pha lập công của Lê Huỳnh Đức và Trần Minh Chiến giúp Việt Nam thắng ngược 2-1 để tiến vào chung kết.
Cũng chính việc thường giành thắng lợi trước Myanmar khiến những thất bại của Việt Nam trở nên khó quên với người hâm mộ. Trận đấu với Myanmar tại bán kết SEA Games 2015 đã để lại vô vàn tiếc nuối. Chơi ấn tượng ở vòng bảng, sở hữu trong đội hình nhiều cái tên có thể gây đột biến như Công Phượng, Huy Toàn hay Mạc Hồng Quân nhưng U23 Việt Nam khi ấy lại tỏ ra vô duyên đến khó hiểu trước khung thành đối phương. Hàng loạt cú sút được tạo ra, nhưng bóng chỉ một lần được Huy Toàn đưa vào lưới.
Ở chiều ngược lại, Myanmar gần như chịu trận và tạo ra rất ít cơ hội về phía khung thành U23 Việt Nam. Nhưng chỉ cần 2 trong số đó, các cầu thủ Myanmar có ngay 2 pha bàn thắng. Trận bán kết khép lại với tỷ số 1-2 nghiêng về Myanmar, cùng với giọt nước mắt của đội trưởng Quế Ngọc Hải khi anh chơi kỳ SEA Games cuối của cuộc đời.
Mạc Hồng Quân vô duyên trước khung thành Myanmar trong trận bán kết năm 2015. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đó, Việt Nam từng nhiều lần gặp Myanmar tại các kỳ SEA Games, và hầu hết trong số đó để lại nỗi buồn. Năm 2011, U23 Việt Nam gặp U23 Myanmar ở trận tranh giải 3 SEA Games năm ấy. Thầy trò HLV Falko Goetz khi ấy đã mang nỗi thất vọng để thua trận bán kết vào trận tranh giải ba, để rồi dễ dàng thất bại bạc nhược với tỷ số 1-4.
Trước đó, U23 Việt Nam từng để thua U23 Myanmar trên loạt luân lưu tại SEA Games 2007. Hai đội cầm hòa nhau 0-0 ở thời gian thi đấu chính thức nhưng U23 Myanmar đã bản lĩnh hơn để thắng với tỷ số 3-1 trên loạt luân lưu.
Tuy nhiên, kỷ niệm buồn nhất khi U23 Việt Nam chạm trán U23 Myanmar là ở SEA Games 2005. Đó là một chiến thắng cho U23 Việt Nam, nhưng lại là điểm kết cho một thế hệ cầu thủ rất tài năng của bóng đá Việt. Hàng loạt cái tên như Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Bật Hiếu... bị phát hiện tham gia bán độ, để U23 Việt Nam chỉ thắng U23 Myanmar với cách biệt 1 bàn.
Sự việc sau đó được phanh phui, cơ quan điều tra vào cuộc và nhiều cầu thủ phải hầu tòa. Vướng vào vòng lao lý, những cái tên ấy gần như đánh mất sự nghiệp và không thể trở lại là chính mình được nữa.
Lịch thi đấu của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2018. Đồ họa: Minh Phúc. |