Công Vinh ghi 2 bàn tại AFF Cup nhưng ở bán kết anh đã tịt ngòi. |
Đây không phải lần đầu các đội tuyển từ U23 cho đến ĐTQG “ôm hận” vì hàng công bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Trận bán kết tối 7/12 cho thấy thế trận áp đảo của Việt Nam trong phần lớn thời gian của trận đấu. Đội kiểm soát bóng đến trên 70%, đẩy Indonesia lùi sâu về phần sân nhà.
Thống kê của trang chủ AFF Cup cho thấy, Việt Nam có 27 cú dứt điểm, trong đó có 9 lần đi vào khung thành tạo ra 2 bàn thắng. Indonesia chỉ có 7 lần uy hiếp thủ môn Nguyên Mạnh nhưng cũng có 2 pha lập công quan trọng của Stefano Lilipaly và Manahati Lestusen.
Lê Công Vinh, Nguyễn Văn Quyết có những cơ hội thuận lợi, chỉ có điều không chuyển hóa thành bàn thắng. Tình trạng tương tự diễn ra ở lượt đi. Văn Quyết ghi bàn trên chấm 11 m, tuy nhiên ở 2 pha bóng trống trải khác, chân sút của Hà Nội T&T đưa bóng ra ngoài.
Số phận của tuyển Việt Nam có thể đã khác nếu toàn đội hiệu quả hơn trong tấn công. Tại AFF Cup, HLV Hữu Thắng sở hữu 5 tiền đạo. Họ ra sân thi đấu tổng cộng 1253 phút, ghi được 4 bàn thắng, trung bình 250,6 phút/bàn.
Hàng công của tuyển Việt Nam chơi không quá ấn tượng. Một số cầu thủ trẻ như Công Phượng, Văn Toàn ít được sử dụng. Đồ họa: Trí Mai. |
Con số này không thể so với những đội khác. Một mình Boaz Salossa của Indonesia đã có 3 bàn thắng. Với Thái Lan, chân sút Teerasil Dangda của họ đã có 5 bàn tại giải.
Điểm yếu của các tiền đạo Việt Nam nói riêng và toàn đội nói chung là kém bản lĩnh ở những thời điểm quyết định. Họ có thể chơi rất tốt ở những trận vòng loại hay giao hữu nhưng khi bị lâm vào thế khó, rượt đuổi lập tức cho thấy những pha xử lý lóng ngóng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở bán kết SEA Games 2015. Khi đó, U23 Việt Nam áp đảo Myanmar, tạo ra hàng loạt pha hãm thành. Nhưng các tiền đạo của đội, đặc biệt là Mạc Hồng Quân đã vô duyên khi dứt điểm. Kết quả, thầy trò HLV Miura thua chung cuộc 1-2, ngậm ngùi nhìn đối thủ vào chung kết.
Xung quanh hiệu suất kém của đội nhà tại AFF Cup, cựu cầu thủ Phan Thanh Bình nhận xét: “Thật sự không thể trách cứ các tiền đạo được, bởi họ đã chơi khả năng của mình. Tuyển Việt Nam đã thiếu may mắn trong một số thời điểm và việc sử dụng con người cũng chưa hợp lý lắm. Những cầu thủ trẻ như Công Phượng xứng đáng được dùng nhiều hơn”.
Lê Văn Thắng không được sử dụng nhiều bất chấp ghi bàn liên tục ở V.League. |
Ở giải đấu vừa qua, Công Phượng chỉ thi đấu 96 phút (1 trận đá chính, 3 dự bị). Việc xuất hiện trên sân ít ỏi khiến anh không để lại ấn tượng nào. Chân sút nội tốt nhất của bóng đá Việt Nam hai mùa qua Lê Văn Thắng góp mặt 183 phút, chỉ có điều anh không đá trên hàng công mà chơi ở hàng tiền vệ.
Ngược lại, Công Vinh đá trọn vẹn cả 5 trận bất kể phong độ ra sao. HLV Hữu Thắng đã không mạnh dạn trao cơ hội cho những nhân tố trẻ như Công Phượng hay Văn Toàn.
Sâu xa hơn, bóng đá Việt Nam đang thiếu những tiền đạo giỏi. Điều này chịu tác động trực tiếp từ V.League. Ban tổ chức đã hạn chế số lượng ngoại binh được đăng ký, nhưng tại giải đấu số 1 Việt Nam, các tiền đạo ngoại hoàn toàn lấn át nội binh ở khâu ghi bàn.
Mùa vừa qua, Gaston Merlo lên ngôi vua phá lưới với 24 pha lập công. Các vị trí tiếp theo trong danh sách ghi bàn đều là ngoại binh do họ mới là người được xếp đá gần khung thành nhất, còn chân sút nội chỉ được chơi ở phía sau.
HLV Hữu Thắng bỏ phí hai máy dội bom: Vũ Minh Tuấn và Lê Văn Thắng là hai cầu thủ nội ghi nhiều bàn nhất ở V.League 2016 với 11 pha lập công. Hiệu suất của họ tốt hơn của Vinh và Quyết (cùng 5 bàn). Nhưng ở AFF Cup, Thắng và Tuấn chỉ thi đấu tổng cộng 245 phút (phần lớn là dự bị). Con số này quá ít so với Công Vinh (480 phút) hay Văn Quyết (311 phút).