Một trong những đội bóng giàu thành tích nhất ở Uzbekistan có tuổi đời chưa được 20 năm. Đó là CLB Bunyodkor tọa lạc ở Tashkent, thủ đô Uzbek. Là "tân binh", song Bunyodkor hợp tác với Barca, được đại diện xứ Catalan hỗ trợ chuyên môn. Các siêu sao Lionel Messi và Cristiano Ronaldo từng xuất hiện tại đây.
Bunyodkor có sân vận động được xây với kinh phí lên tới 150 triệu USD. Cựu Chủ tịch Joan Laporta của Barcelona được mời dự lễ khánh thành và một trận giao hữu có Lionel Messi, Andres Iniesta và Carles Puyol đã diễn ra. Sau chuyến đi, Messi, Iniesta và Puyol mỗi người bỏ túi 1 triệu euro.
Cựu danh thủ Brazil Rivaldo từng đá ở Uzbek trong 2 năm. |
Bunyodkor từng gây sốc thế giới với ý định nghiêm túc chiêu mộ trung phong Samuel Eto'o chơi cho Barca.
"Tôi bắt đầu có những lăn tăn trong suy nghĩ khi họ (Bunyodkor) đề nghị trả 25 triệu USD chỉ để tôi chơi vài ba tháng ở đây", trung phong người Cameroon nói với kênh Telefoot của Pháp sau khi bay đến Tashkent, nơi anh hướng dẫn những kỹ năng đá bóng cơ bản.
Bị Eto'o cự tuyệt, đội bóng ở Uzbek chuyển sự chú ý sang Rivaldo, chìa khóa giúp Brazil giành chức vô địch World Cup 2002. Ở tuổi 36, tiền đạo Selecao được mời gọi với mức lương 10 triệu euro cho 2 năm thi đấu tại đây. Cựu trung phong Barca đã không từ chối.
Bóng đá Uzbek thậm chí từng chứng kiến huyền thoại Zico xuất hiện với 4 tháng làm việc trước khi chuyển tới cầm quân cho CSKA Moscow.
Eto'o từng nằm trong tầm ngắm của CLB giàu có Bunyodkor. |
Ở thời điểm Rivaldo có mặt tại Uzbek, CLB Bunyodkor đã lên kế hoạch trở thành "siêu đội bóng". Họ ký hợp tác 3 năm với Barca, trong đó cựu danh thủ Emmanuel Petit người Pháp đóng vai trò trung gian. Bunyodkor thậm chí sao chép công thức làm bóng đá của đại diện xứ Catalan.
Bunyodkor đối đãi với những ngôi sao quốc tế rất hậu. Rivaldo được trao cho căn biệt thự lớn hơn lúc khoác áo đội bóng AEK ở Hy Lạp. Anh mang cả đầu bếp riêng người Brazil sang đây. Huyền thoại Zico đến Uzbek dẫn dắt Bunyodkor 4 tháng sau đó thông qua cú điện thoại do chính Rivaldo gọi.
Uzbek không phải quốc gia giàu có. Năm 2009, thu nhập bình quân mỗi tuần của người dân dưới 25 bảng, tỷ lệ thất nghiệp theo Ngân hàng Thế giới (WB) là 40%, và gần 1/3 dân số sống ở mức nghèo khổ.
Tìm đến quốc gia này, cây bút Kevin O'Flynn của báo Anh Guardian nhìn thấy rất nhiều điều lạ lùng. Với đội bóng Bunyodkor, cổ động viên chỉ hiểu rõ từng số cầu thủ trên sân. Còn danh tính ông chủ đằng sau CLB hoàn toàn mập mờ. CĐV đội bóng cũng lẩn tránh câu chuyện hậu trường.
Đội U23 Uzbekistan đang chơi tốt ở giải U23 châu Á. Họ đã vào chung kết và sẽ chạm trán U23 Việt Nam. |
Trong thời gian tác nghiệp, Kevin O'Flynn được cảnh báo nên cân nhắc về giới chủ đầu tư của bóng đá Uzbekistan. Đó là câu chuyện nhạy cảm. "Ở đây, hầu hết người dân lo ngại tầng lớp có quyền lực. Im lặng ở đây là an toàn", Danil Kislov, biên tập của một website tại Uzbek nói.
Theo Guardian, chủ sở hữu Bunyodkor là Miradil Djalalov, đứng đầu công ty Zeromax tại Thụy Sĩ, kinh doanh lĩnh vực xăng, dầu và vải sợi. Nhưng hậu thuẫn cho Djalalov là Gulnara Karimova, con gái cố Tổng thống Karimov. Sự thành công Bunyodkor mang dấu ấn không nhỏ người phụ nữ này.
Nhờ sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD, Gulnara được tin rằng đã đầu tư rất mạnh cho CLB. Sau đó nữa là những vấn đề chính trị phức tạp về mối quan hệ giữa đội bóng và chính phủ.
Tại Uzbekistan, bóng đá có vai trò rất quan trọng với chính phủ. Cố Tổng thống Islam Karimov từng ký sắc lệnh giảm thuế cho cầu thủ trong 2 năm. Ngoài ra, liên đoàn bóng đá nước này được "bật đèn xanh" tìm kiếm những CLB mạnh như Barca, Real để hợp tác chiến lược.
Người dân ở đây cũng rất đam mê bóng đá. Huyền thoại Zico xác nhận điều này dù chỉ gắn bó vài tháng. Nhiều năm qua, đội tuyển Uzbekistan thi đấu rất tiến bộ. Họ từng vươn lên hạng 48 thế giới trên bảng xếp hạng FIFA. ở Asian Cup, các cầu thủ nam từng giành hạng 4 vào năm 2011.
Tất cả nhờ sự trợ giúp của những CLB lớn. Barca hàng năm vẫn gửi những HLV và các kỹ thuật gia tới Uzbekistan để huấn luyện bóng đá cho quốc gia này. Để đổi lấy cái bắt tay từ đội chủ sân Nou Camp, phía đại diện châu Á được tin rằng phải trả 5 triệu euro theo hợp đồng hai bên ký kết.
Sự phát triển của riêng đội bóng Bunyodkor và bóng đá Uzbekistan rất đáng ghi nhận. Dù vậy, cách tiêu tiền của những nhà làm bóng đá đang vấp phải sự chỉ trích từ phe phản đối. Họ cho rằng Bunyodkor chỉ là bức bình phong sang trọng che lấp cho thực tế nghèo đói của xã hội nước này.
"Nếu họ sẵn sàng chi rất nhiều để trả cho ngoại binh, vậy sao không tìm cách hỗ trợ cho người có thu nhập thấp. Đó là sự xa hoa bất chấp tình trạng nghèo đói của người dân", Biên tập viên Danil Kislov nói.