Tháng 10/2017, tuyển Trung Quốc đứng thứ 57 trên bảng xếp hạng FIFA, trong khi Việt Nam ở vị trí thứ 121. Năm năm sau, khoảng cách giữa hai đội tuyển bị thu hẹp. Trung Quốc rớt xuống đứng thứ 78, trong khi Việt Nam có mặt trong top 100, với vị trí thứ 97. Điều này phản ánh rõ trình độ của hai nền bóng đá được rút ngắn đáng kể.
Bóng đá Trung Quốc thụt lùi so với chính họ cách đây 5 năm. Ảnh: Reuters. |
Khoảng cách bị thu hẹp
Trước khi HLV Park Hang-seo đến, các đội tuyển Việt Nam bị lép vế mỗi khi phải so sánh với Trung Quốc. Đội tuyển xứ tỷ dân toàn thắng sáu trận khi đối đầu trực tiếp, tính từ năm 1997 đến trước năm 2018.
Trình độ của hai đội tuyển được thể hiện rõ trên bảng xếp hạng FIFA. Việt Nam chưa phải quốc gia số một ở Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc chỉ chịu đứng sau Iran (hạng 34), Australia (43) và Nhật Bản (44) ở khu vực châu Á.
Sự chuyển mình của bóng đá Việt Nam thực sự bắt đầu từ giải U23 châu Á 2018, nơi đặt nền móng cho thế hệ cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam thời điểm này. Việc U23 Việt Nam vào đến chung kết và trở thành á quân là kỳ tích, gây chấn động nền bóng đá châu Á. Đó là lần đầu tiên, một đội tuyển Việt Nam có thành tích ấn tượng hơn Trung Quốc, ở một giải đấu chính thức.
Tháng 9/2019, U22 Việt Nam do HLV Park Hang-seo dẫn dắt có lần đầu tiên chạm trán một đội tuyển Trung Quốc. Kết quả, U22 Việt Nam thắng 2-0. Trên ghế HLV đội tuyển xứ tỷ dân là ông Guus Hiddink, thầy cũ của ông Park Hang-seo tại tuyển Hàn Quốc.
"Tôi không thích thua, không đội nào thích thua. Nhưng cần phải đấu với những đội mạnh như thế này, trên con đường đến thành công", HLV người Hà Lan chia sẻ sau trận. Thực lực của một đội tuyển Việt Nam, được một chuyên gia giàu kinh nghiệm ở Trung Quốc công nhận.
Sau đó, Trung Quốc và Việt Nam gặp lại nhau ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Màn đối đầu trực tiếp đáng chờ đợi, khi thực lực của hai đội tuyển đã thay đổi nhiều sau lần cuối cùng gặp mặt vào năm 2012. Khi đó, Việt Nam thua Trung Quốc 0-3 ở một trận giao hữu.
Ở vòng loại World Cup 2022, tuyển Trung Quốc thắng Việt Nam 3-2 ở lượt đi, và thua 1-3 ở trận lượt về. Trong cả hai trận đấu, đội tuyển xứ tỷ dân gặp nhiều khó khăn trước một tập thể chơi ăn ý và thi đấu bài bản trong nhiều năm của Việt Nam. Họ ghi được những bàn thắng nhờ nỗ lực cá nhân.
Trung Quốc và Việt Nam đều bị loại khi lần lượt xếp thứ năm và thứ sáu ở bảng B. Trong khi Việt Nam được tung hô vì những điểm số lịch sử ở vòng loại World Cup, bóng đá Trung Quốc hứng trọn chỉ trích của dư luận, khi chỉ hơn Việt Nam hai điểm, và có số bàn thua bằng nhau (19). Về cơ bản, tuyển Trung Quốc thể hiện dưới mức kỳ vọng.
5 năm trước, không ai nghĩ bóng đá Trung Quốc bị thụt lùi so với chính họ trong quá khứ. Màn trình diễn của ĐTQG không tương xứng với hàng tỷ USD được đổ vào giải Chinese Super League (CSL). Hiện thực đáng buồn đang bao trùm lấy nền bóng đá xứ tỷ dân.
Trung Quốc gây thất vọng khi để thua Việt Nam ở vòng loại World Cup. Ảnh: Minh Chiến. |
Những hệ quả xấu
Các tờ báo Trung Quốc liên tiếp có những bài viết chỉ trích ĐTQG. Nhiều từ ngữ ca thán được sử dụng để nói về trận thua 1-3 trước Việt Nam như "bi kịch", "hổ thẹn", "sự xấu hổ" hoặc "cơn ác mộng". Trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc, hai cụm từ khóa "tại sao ĐTQG cứ thua mãi" và "hãy trả lại tiền vé cho CĐV" nhận được hàng triệu lượt truy cập.
"Giấc mơ World Cup của Trung Quốc tan thành mây khói sau trận thua Việt Nam", trang News giật tít. Nhiều tuyển thủ bị chỉ trích thi đấu hời hợt, thiếu khao khát chiến thắng, trong bối cảnh Trung Quốc đã nắm chắc vé bị loại. CĐV Trung Quốc giận dữ khi chứng kiến nhiều tuyển thủ tươi cười trở về nước sau trận thua Việt Nam tại sân Mỹ Đình. Với họ, đó là sự thật khó chấp nhận.
Trên ghế huấn luyện, Li Tie, huyền thoại bóng đá Trung Quốc, tỏ ra bất lực. Ông là một trong những tuyển thủ tham dự World Cup 2002. Độ am hiểu bóng đá nước nhà giúp Li Tie được đánh giá cao khi nhậm chức. Dù vậy, HLV này rút lui khi vòng loại World Cup 2022 chưa kết thúc, nhường lại tập thể bộc lộ nhiều hạn chế cho Li Xiaopeng. Tuyển Trung Quốc sau đó vẫn chơi tệ, với thất bại trước tuyển Việt Nam là nỗi thất vọng lớn nhất.
The Paper buồn bã thừa nhận “sự kế thừa của nền bóng đá Trung Quốc chậm hơn ít nhất 4 năm so với cấp độ cao nhất châu Á". Hàn Quốc, Saudi Arabia, UAE, ba đội tuyển bị Trung Quốc bỏ xa trên BXH FIFA năm 2017, giờ đã vượt mặt đội tuyển xứ tỷ dân. Riêng Hàn Quốc và Saudi Arabia còn giành vé trực tiếp dự World Cup 2022.
Trung Quốc lộ điểm yếu thiếu đi nguồn cầu thủ bản địa tài năng, đủ sức tạo ra tầm ảnh hưởng như chính ông Li Tie trong quá khứ. Việc nhập tịch ngoại binh, vốn được xem là quyết định quan trọng, cũng không đem đến tác dụng. Sohu thống kê 5 cầu thủ nhập tịch của tuyển Trung Quốc chỉ ghi được một bàn ở vòng loại thứ ba, thua cả một mình Tiến Linh (3 bàn).
Wu Lei, Zhang Yuning, Wei Shihao,... từng được xem là tinh hoa của bóng đá Trung Quốc. Trong số này, Wu Lei và Zhang Yuning được tạo điều kiện ăn tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, tất cả không thể đem về kết quả tốt nhất cho ĐTQG, và bộc lộ hạn chế ở sân chơi quốc tế.
Xiaoting Feng, cựu đội trưởng tuyển quốc gia Trung Quốc, thừa nhận sự thật đau lòng: "Thế hệ cầu thủ trẻ của chúng ta không đủ tốt". Xiaoting Feng lo ngại kể cả ở World Cup 2026 hay 2030, Trung Quốc cũng khó có được tấm vé dự vòng chung kết.
Niềm tin của CĐV đặt vào ĐTQG ngày càng thấp dần. Áp lực đặt lên vai các tuyển thủ càng nặng nề. Nỗi thất vọng được thể hiện khi CĐV Trung Quốc tỏ ra ghen tỵ với tuyển Việt Nam. Bộ phận CĐV này đánh giá tuyển Việt Nam có định hướng rõ ràng, chiến thuật phù hợp và những cầu thủ giàu khao khát.
"Chúng ta cần xem đây là bước ngoặt để đội tuyển Trung Quốc hổ thẹn và dũng cảm vươn lên”, China Daily viết. Bóng đá Trung Quốc cần thức tỉnh sau những năm tháng trượt dài. Dự World Cup vẫn là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc. Người dân nơi đây chờ đợi lần tham dự World Cup thứ hai trong lịch sử, sau lần đầu tiên cách đây 20 năm. Nhưng nhìn nhận lại sự thật, ai cũng thấy được đây là giấc mộng khó thành.