Chiến dịch U18 Đông Nam Á 2019 trên sân nhà khởi đầu bằng chiến thắng ấn tượng trước đương kim vô địch Malaysia, tưởng như sẽ mang tới rất nhiều niềm vui, nhưng đã kết thúc theo cách tồi tệ nhất. Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV từng dự U20 World Cup Hoàng Anh Tuấn, chơi dưới sự cổ vũ của hàng nghìn CĐV nhà đã bất ngờ thua trận trước Campuchia, đối thủ bị đánh giá thấp nhất trước ngày giải khởi tranh.
HLV Hoàng Anh Tuấn tài năng hay lứa Quang Hải mới là yếu tố làm nên thành công? |
Trận thua Campuchia của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là một thảm họa. Nhưng nó rõ ràng không phải bất ngờ quá lớn dựa trên những gì mà U18/U19 Việt Nam đã thể hiện ở giải đấu này và xuyên suốt 3 năm qua. Trước 90 phút tồi tệ ở Thống Nhất, U18 Việt Nam mới thắng 2 trận, sở hữu hiệu số +1 và đã không còn quyền tự quyết số phận. Đó không thể là thống kê của một đội tuyển muốn giành vé đi tiếp.
Thất bại trước U18 Campuchia gây sốc nhưng việc U18 Việt Nam bị loại thì không khiến ai bất ngờ. Đây đã là lần thứ ba liên tiếp các đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn dừng bước ngay tại vòng bảng giải Đông Nam Á.
Những người phản đối ông Tuấn hoàn toàn có lý do để đặt câu hỏi về tài năng của chiến lược gia này bởi lần gần nhất ông qua được vòng bảng giải Đông Nam Á và những chiến tích vĩ đại sau này đều chỉ gắn liền với một lứa cầu thủ. Đó là lứa 1997 của Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh, Đoàn Văn Hậu...
Nhưng U18 Việt Nam không phải đội tuyển gây thất vọng duy nhất. Vài ngày trước đó, một đội bóng Việt Nam khác là U15 của HLV Đinh Thế Nam cũng bị loại bởi Malaysia ở bán kết giải Đông Nam Á. Một năm trước, cũng đội U15 này không thể qua nổi vòng bảng giải đấu trên đất Indonesia.
5 giải đấu gần nhất của cấp độ U15 và U18 ở khu vực, bóng đá Việt Nam chỉ một lần vượt qua vòng bảng. Nếu tính cả kỳ SEA Games 2017 thảm họa, đó là thất bại thứ 6 liên tiếp.
Những thất bại ấy là điều mà thế hệ Quang Hải và vô số chiến tích ở cấp độ U23 cũng như tuyển quốc gia không thể xóa nhòa. Những người tinh ý sẽ nhận ra trong gần hai năm qua, triều đại Park Hang-seo gần như không nhận được sự bổ sung mới nào từ hệ thống bóng đá trẻ. Những cái tên mới xuất hiện ở vòng loại U23 châu Á 2020 thực chất là lứa U20 từng dự World Cup 2017. Gương mặt mới sáng giá nhất của đội U22 là Martin Lo vốn trưởng thành từ môi trường bóng đá Australia.
Những tuyển thủ U18 có lẽ cũng đang bàng hoàng với thất bại vừa qua. |
Trần Bảo Toàn, ngôi sao của lứa U18 năm 2018, và Phạm Xuân Tạo, lá cờ đầu của lứa U18 2019, đều đã bộc lộ những hạn chế rõ ràng về trình độ. Bảo Toàn không thể cạnh tranh vị trí trong một tập thể Gia Lai không quá xuất sắc, còn Xuân Tạo tỏ ra không xứng đáng với danh xưng “Công Phượng mới”.
Khi các cấp độ U15, U18 chưa thể sản sinh thêm tài năng mới, lớp kế cận trẻ hơn cũng đang gặp vấn đề. Giải U11 quốc gia 2019 vừa qua là năm thứ ba liên tiếp Thái Bình cùng Hải Dương vắng mặt ở tốp 4 đội mạnh nhất. Hải Dương, lò đào tạo trẻ số một ở cấp độ nhi đồng, thậm chí còn không giành nổi quyền dự vòng chung kết.
Những diễn biến trên có vẻ rất vô lý đặt trong bối cảnh chiến thắng của U23 Việt Nam và tuyển quốc gia. Tuy nhiên, nó đang phản ánh rất chính xác quy luật của hoạt động đào tạo trẻ. Đó là không có gì đảm bảo sau một lứa tài năng trẻ sẽ là một lứa tài năng khác. Chúng ta có thể làm tốt tất cả mọi thứ, có thể đầu tư, có thể ươm mầm nhưng thành công trong đào tạo trẻ vẫn luôn là “lộc trời”. Nó xuất hiện đôi khi không phụ thuộc vào nỗ lực của người làm bóng đá.
Nếu mùa gặt của bóng đá Việt Nam đã cho trái ngọt là lứa Quang Hải thì thất bại tối nay có lẽ là dấu hiệu báo trước những ngày giáp hạt đang tới rất gần.