Hôm 13/1, CLB Tây Ninh trở thành đội bóng thứ hai xin không thi đấu ở giải hạng Nhất mùa 2021, sau CLB Gia Định. Đội bóng này không đủ kinh phí tối thiểu đối với giải hạng Nhất là 15 tỷ.
Vì vậy, CLB Tây Ninh quyết định xin dừng chân ở giải đấu mà họ đã góp mặt trong 15 năm qua. Ở thời điểm mùa giải sắp khởi tranh, việc xin rút khỏi giải gây ra tranh cãi và cũng khiến nhiều người tiếc nuối.
Toàn bộ cầu thủ của CLB Tây Ninh đã kết thúc hợp đồng với đội bóng. Ảnh: CLB Tây Ninh. |
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh không muốn làm bóng đá
Theo tìm hiểu của Zing, khi kết thúc mùa giải 2020, CLB Tây Ninh vẫn duy trì hoạt động bình thường. Từ đầu tháng 12/2020 đến nay, ban huấn luyện và cầu thủ đội bóng mới biết lãnh đạo sẽ không đầu tư vào bóng đá nữa.
"Lãnh đạo tỉnh muốn công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh tự chủ tài chính để chơi. Nếu không tự chủ được thì đội giải thể. Thực ra, số tiền còn thiếu thiếu ít thôi, chỉ 5 tỷ, con số này không nhiều đối với tỉnh. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh đã không còn muốn đầu tư vào bóng đá, không muốn duy trì CLB Tây Ninh", ông Hoàng Hải Dương, HLV đội Tây Ninh, chia sẻ với Zing.
Chiến lược gia này cũng tin rằng nếu lãnh đạo tỉnh muốn, việc huy động hay giải ngân số tiền 5 tỷ là không khó. Điều quan trọng là lãnh đạo mới của tỉnh Tây Ninh không thiết tha với bóng đá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh, chia sẻ rằng các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nên khó xin tài trợ.
Ông Sơn và HLV Hải Dương cùng nói rằng họ không muốn CLB Tây Ninh tan rã. Trong khoảng thời gian 2 tháng qua, họ thường xuyên gặp nhau bàn bạc để tìm cách giải quyết.
Trước khi chính thức nộp công văn xin rút khỏi giải cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), 2 người này đã liên lạc, nhờ VFF và VPF cử đại diện đến gặp lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.
"Phía UBND tỉnh như bỏ con giữa chợ, không đưa ra bất cứ chỉ đạo nào. VFF muốn gặp UBND để bàn về vấn đề nhưng họ không muốn gặp. UBND cũng không gặp cầu thủ hay ban huấn luyện để giải quyết vấn đề. Tôi chỉ nói chuyện được với chú Sơn để giải quyết, bàn bạc. Họ khiến người khác khó chịu với cách làm đó", HLV Hải Dương bức xúc.
HLV này cũng khẳng định rằng CLB Tây Ninh không được đầu tư không phải vì 15 năm qua chỉ biết đá trụ hạng. Lãnh đạo tỉnh hiểu rõ với số kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, việc thăng hạng là điều gần như không thể.
Các cầu thủ đội Tây Ninh đều tiếc nuối khi phải ra đi một cách bất khả kháng. Ảnh: CLB Tây Ninh. |
CLB Tây Ninh sẽ đi về đâu?
Ở thời điểm này, có thể nói CLB Tây Ninh như "xác không hồn". Toàn bộ cầu thủ đã kết thúc hợp đồng và tìm đội bóng mới. Tuy nhiên, điều này cũng không hề dễ dàng.
"Tôi đã gửi hầu hết cầu thủ đi các đội khác. Tôi đang lo cho những người còn lại. Giờ đây, chỉ còn tôi và chú Sơn lo cho tương lai của các cầu thủ. Chúng tôi đang rất đơn độc. Việc tìm đội bóng cho cầu thủ rất khó khăn do lúc này mùa giải đã sắp bắt đầu. Tôi đã nhận lời mời gia nhập CLB Đồng Nai. Một số cầu thủ cũng theo tôi đến đây", HLV Hải Dương nói.
Việc sắp xếp bến đỗ mới cho các cầu thủ đã dần ổn thỏa. Tuy nhiên, cá nhân HLV Hải Dương, thành viên ban huấn luyện và toàn bộ cầu thủ đội Tây Ninh đều rất tiếc nuối. Nhà tài trợ cũng chung tâm trạng khi họ đã gắn bó với đội bóng trong thòi gian dài.
Chiến lược gia sinh năm 1981 khẳng định rằng CLB Tây Ninh có cơ sở vật chất, sân bãi tốt. Quá trình chuẩn bị cho mùa giải 2021 cũng rất trơn tru.
"Ai cũng tiếc nuối, kể cả người hâm mộ Tây Ninh. Các cầu thủ của tôi trẻ, năng động và có chất lượng tốt. Giờ phải nghỉ ngang. Ngay cả Đình Luật, cựu tuyển thủ quốc gia cũng thử nói chuyện, tác động với lãnh đạo nhưng không có hiệu quả vì họ đã muốn bỏ bóng đá. Giờ đây, Đình Luật cũng chưa có đội bóng mới và đang ở nhà", HLV Hải Dương chia sẻ thêm.
Với quyết định xin rút khỏi giải hạng Nhất, CLB Tây Ninh sẽ nhận án phạt xuống chơi ở giải hạng Nhì. Khi đó, họ phải cho các cầu thủ trẻ thi đấu.
Hiện tại, tỉnh Tây Ninh còn duy trì tuyến đào tạo trẻ gồm các lứa U13, U15, U17, U19. Tuy nhiên, trong thời gian HLV Hải Dương nắm quyền ở CLB Tây Ninh, ông không nhận được tài năng trẻ nào từ tuyến này.
"Các cầu thủ trẻ của Tây Ninh sẽ gặp khó khi đá hạng Nhì. Cách làm bóng đá trẻ ở đây rất khác bình thường, họ hoạt động độc lập. Họ đào tạo nhiều nhưng không gửi cho tôi để tạo điều kiện thi đấu ở đội một. Tôi không biết mục đích đào tạo là gì. Nếu duy trì như vậy, 10 năm nữa CLB Tây Ninh cũng không lên hạng Nhất được", HLV Hải Dương nói.
Như vậy, nếu tiếp tục với bóng đá, tương lai của CLB Tây Ninh cũng rất mịt mờ. Giám đốc Sơn cũng từng chia sẻ rằng thời điểm này, công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh tồn tại cũng không còn nhiều ý nghĩa. Ông hy vọng CLB Tây Ninh được tài trợ và được thi đấu bằng nguồn lực cầu thủ trẻ và đi mượn.
Khi lên chuyên nghiệp, đội bóng Tây Ninh không được nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Ảnh: CLB Tây Ninh. |
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh nói gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, tỉnh cũng rất muốn giữ lại đội bóng. Trước đây, ngân sách Nhà nước chỉ nuôi đội Tây Ninh với tính chất phong trào. Hiện tại, bóng đá đã đi lên chuyên nghiệp nên chuyển giao cho công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh. Tỉnh không được quyền lấy ngân sách để nuôi đội.
Ông Ngọc cho biết công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh hoạt động độc lập, cần tự đi tìm đối tác, nhà đầu tư... để duy trì đội bóng. Điều này phía công ty chưa làm được. Ở mùa giải trước, công ty còn lỗ khoảng 7 tỷ đồng. Do đó, con số thực tế cần để duy trì đội bóng lên đến 20 tỷ chứ không phải chỉ 15 tỷ.
Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh cũng vận động các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi đơn vị tài trợ chỉ khoảng 100, 200 triệu đồng. Vận động nhiều mới được khoảng 2 tỷ đồng.
"Việc này cũng như chạy ăn từng bữa, không bền vững và hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi đã mở cuộc họp và cùng thống nhất rằng không duy trì đội bóng Tây Ninh", ông Ngọc chia sẻ với Zing.
Trước thông tin đại diện VFF và VPF đến Tây Ninh để bàn bạc, giải quyết vấn đề, cả ông Ngọc lẫn ông Nguyễn Thanh Tiễn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, đều phủ nhận.
"Tôi vẫn chưa thấy người từ VFF hay VPF đến đây để nói chuyện. Nếu có, tôi sẵn sàng ngồi vào để bàn bạc, tìm ra phương án tốt nhất cho CLB Tây Ninh. Việc không duy trì được đội bóng cũng là điều đáng tiếc", ông Ngọc nói.