Trên Facebook xuất hiện hàng loạt nhóm có tên “Trọng tài Ryuji Sato”, “Anti trọng tài Ryuji Sato”. Trong những nhóm này, thành viên đăng tải hình ảnh ông Sato, kèm các dòng chữ như “bắt cẩn thận nhé anh tài”, “bắt đúng thành hot face (nổi tiếng trên Facebook - PV), bắt sai thì bay acc (bị tấn công Facebook - PV)”.
Một thành viên trong nhóm anti còn chia sẻ trang Facebook của ông Sato với thông điệp “Bắt sai là cộng đồng mạng Việt Nam xử đẹp ông luôn nhé”.
Những nhóm anti trọng tài Sato xuất hiện dù trận đấu chưa diễn ra. |
Những nhóm anti này xuất hiện sau khi thông tin chính thức cho biết tổ trọng tài người Nhật do ông Sato Ryuji dẫn đầu sẽ làm nhiệm vụ trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Malaysia diễn ra vào 23h45 tối 11/6.
Trên các fanpage lớn về bóng đá, nhiều bình luận xuất hiện như “Cho xin địa chỉ Facebook để tối khỏi phải tìm” hay “Thổi cho đàng hoàng nếu ngày mai không muốn sập Facebook”. Một số người còn chia sẻ đường dẫn được cho là Facebook của ông Sato, nhưng chưa rõ đó có phải tài khoản của vị “vua áo đen” này hay không.
Hàng loạt bình luận "tấn công" trang Facebook được cho là của trọng tài Sato. |
Trọng tài Sato sinh năm 1977, đang làm nhiệm vụ ở giải VĐQG Nhật Bản (J.League). Lần gần nhất trọng tài Sato thổi một trận đấu của ông Park Hang-seo là trận U23 Việt Nam hòa U23 Jordan ở VCK U23 châu Á diễn ra tại Buriram, Thái Lan vào tháng 1/2020.
Trong lần cầm còi trận Việt Nam - Malaysia sắp tới, dù bóng chưa lăn nhưng ông Sato đã được người dùng Internet tại Việt Nam “chăm sóc” kỹ càng với những nhóm anti, tin nhắn “cảnh cáo”. Những hành động này nhanh chóng bị phản đối do đi quá giới hạn.
Trước đó vào sáng 11/6, nhiều nhóm Facebook “Trọng tài Fernanda Uliana” được tạo ra sau khi tin đồn cho biết nữ trọng tài người Brazil bắt trận Việt Nam - Malaysia. Tuy nhiên, đây là thông tin không đúng sự thật.
Đây không phải lần đầu các trọng tài bị “tấn công” Facebook do cầm còi trận bóng có đội tuyển Việt Nam. Trong trận Việt Nam - Indonesia diễn ra ngày 7/6, trọng tài Ahmad Alali người Kuwait cũng bị nhiều người tràn vào trang cá nhân chửi bới, lập nhóm anti vì cho rằng "vua áo đen" này quá nương tay với cầu thủ Indonesia.
Trước khi trận đấu diễn ra, trang cá nhân của ông Alali cũng được chia sẻ rộng rãi trong các nhóm, hoặc fanpage thể thao thu hút nhiều lượt theo dõi. Sau khi tuyển Việt Nam ghi 4 bàn trong hiệp 2, một số người viết "Cảm ơn trọng tài". Vụ việc tạo ra cảnh tượng hỗn loạn trên Facebook cá nhân của trọng tài Alali người Kuwait sau trận bóng.
Theo khảo sát của Microsoft vào tháng 2/2020, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Một trong những yếu tố của kết quả này đến từ những lần chửi bới, chế ảnh trọng tài sau các trận cầu căng thẳng của đội tuyển Việt Nam, đặc biệt khi “vua áo đen” đưa ra quyết định gây tranh cãi, hoặc gây bất lợi cho đội nhà.
“Đừng tìm kiếm rồi tấn công Facebook của trọng tài theo cách ngớ ngẩn như thế. Một bộ phận văn hóa kém nhưng ảnh hưởng cả tập thể”, người dùng Facebook Tuệ Nghi cho biết.