Trận đấu vòng loại World Cup 2022 giữa Việt Nam và Malaysia tới 23h45 ngày 11/6 mới diễn ra. Dù vậy, từ chiều cùng ngày nhiều kênh YouTube đã đăng tải trận đấu theo dạng "trực tiếp".
Khi bấm vào video này, trận đấu thực tế được phát là lượt đi giữa hai đội, diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình từ tháng 10/2019. Vào thời điểm 17h ngày 11/6, vẫn có tới hơn 2.000 người xem "trực tiếp" trận đấu diễn ra gần 2 năm trước này. Hiện, số người đang xem livestream giả đã đạt hơn 10.000.
Một kênh YouTube vi phạm bản quyền, phát trận đấu cũ của đội tuyển Việt Nam thu hút hơn 2.000 người xem trực tiếp. Ảnh: TA. |
Bằng từ khoá "Việt Nam - Malaysia", có thể tìm thấy hàng chục kênh đang phát trực tiếp như vậy. Để đánh lừa người xem, nhiều kênh còn sử dụng emoji vòng tròn màu đỏ tương tự logo trực tiếp của YouTube. Không chỉ lừa người dùng vào xem trực tiếp một trận đấu cũ, các kênh này cũng vi phạm chính sách của YouTube về bản quyền các trận đấu.
Thực tế trận lượt về diễn ra đêm 11/6 cũng được phát trực tiếp trên YouTube, song song với truyền hình. Do vậy, người dùng có thể nhầm lẫn và phải vào xem một trận đấu cũ trên mạng.
Trong một video mở tính năng bình luận, rất nhiều người dùng Malaysia đã mở và theo dõi "trực tiếp" trận đấu cũ này. Tuy nhiên, họ cũng nhận ra đây là video giả livestream, hoặc video truyền trực tiếp nhiều giờ liền là không hợp lý. "Trận này diễn ra mấy năm rồi mà", một người dùng Malaysia bình luận. "Vì sao trận bóng lại kéo dài đến 3 giờ thế, quá dài rồi", một người dùng khác nhận xét.
Trên nhiều video trực tiếp khác, chủ kênh đã tắt tính năng bình luận để tránh việc người xem trước cảnh báo những người khác.
Bên cạnh các trận đấu bóng đá, các kênh YouTube bẩn còn giả livestream nhiều sự kiện được quan tâm trong nước. Trong đó, đám tang của các nghệ sĩ, sự kiện truy bắt tội phạm... cũng trở thành chủ đề của các video giả trực tiếp. Trước đó, đám tang của nghệ sĩ Mai Phương cũng bị phát giả mạo.
Với tiêu đề, “Trực tiếp đám tang diễn viên Mai Phương”, kênh YouTube “Tin nóng nhanh ****” thu hút được hơn 22.000 lượt xem chỉ trong một ngày. Tuy vậy, video được phát thực chất là một đám tang được quay ở Trung Quốc. Di ảnh trên quan tài cũng là hình một người đàn ông chứ không phải diễn viên Mai Phương.