Bốn tàu chiến Trung Quốc ‘mất tích’ trên Biển Đông?
Tờ Straits Times hôm 2/4 đưa tin, Chính phủ Malaysia thông báo không hề thấy tàu chiến Trung Quốc gần bờ biển nước này vào tuần trước. Như vậy, có khả năng kênh truyền hình TQ đã tung tin vịt.
Khi đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin, một đội gồm 4 tàu do tàu chiến đổ bộ Jinggangshan dẫn đầu đã tới bãi đá James Shoal mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền. Bãi ngầm James chỉ cách thành phố biển Bintulu của Malaysia có 80km, cách Brunei 200km, nhưng cách đất liền Trung Quốc tới 1.800km.
Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết họ có lưu ý đến những thông tin trên truyền thông Trung Quốc nhưng từ chối bình luận thêm.
Báo chí Trung Quốc công bố bức cảnh cho thấy tàu đổ bộ Jianggangshan đã kéo xuống James Shoal vào tuần trước nhưng Malaysia bảo không có? |
"Malaysia thường xuyên tiến hành tuần tra ở Biển Đông, nhưng Hải quân Hoàng gia Malaysia và Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia không hề có bất cứ báo cáo nào về sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc như nước này đưa tin trong vùng lân cận Malaysia", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Malaysia nói với The Straits Times ngày 1/4.
Trong một động thái chưa từng thấy, Bắc Kinh tuyên bố tiến hành tập trận hải quân rầm rộ với sự hỗ tống của máy bay, với sự phô trương chưa từng có tại bãi đá sát Malaysia. Truyền thông Trung Quốc cho biết, các thủy thủ và sỹ quan trên tàu thậm chí còn thề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
Các quan sát viên cho biết đây là lần đầu tiên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố về cuộc tập trận hải quân ở James Shoal và điều này có thể được coi là một tín hiệu đối với các quốc gia Đông Nam Á rằng Trung Quốc có thể dùng tới vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Bãi đá James Shoal nơi Hải quân Trung Quốc tập trận chỉ cách bãi biển Bintulu của Malaysia 80 km. |
Tuy nhiên, việc Malaysia tuyên bố không thấy báo cáo về sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở bãi đá James đang khiến dư luận hoài nghi. Chỉ cách đây 1 tuần, đài truyền hình chính thống của Trung Quốc thậm chí còn tung tin vịt về việc nước này đã đạt thỏa thuận mua hàng loạt chiến đấu cơ tối tân của Nga.
Các nhà phân tích hằng hải nói rằng các cuộc tập trận hải quân có thể diễn ra thường niên khi Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trong củng cố tuyên bố chủ quyền ngang ngược của mình. Việc nước này tuyên bố chủ quyền trên “đường lưỡi bò” chiếm hầu hết Biển Đông đang khiến các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam, Phillippines, Malaysia, Brunei và Indonesia vô cùng bất bình.
"Có rất ít các quốc gia Đông Nam Á có thể làm điều gì đó để thay đổi tình hình khi không có nước ASEAN nào có diện tích hoặc nguồn lực đủ lớn để có thể kiềm chế Trung Quốc", tờ Straits Times trích lời tiến sĩ Hamzah Ahmad, một học giả chuyên về luật và an ninh hàng hải tại Trường Đại học Malaysia.
Theo Tiền Phong