Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bốn nhiệm kỳ, hai điểm nghẽn và một giấc mơ dang dở của TP.HCM

Qua bốn nhiệm kỳ lãnh đạo, TP.HCM vẫn dang dở giấc mơ trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Đằng sau đó là những nút thắt thể chế và hạ tầng kéo dài suốt 2 thập kỷ.

co che dac thu cho TP.HCM anh 1

Dù có nhiều tham vọng phát triển, 20 năm qua, TP.HCM vẫn luôn theo đuổi mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của khu vực và quốc tế.

Năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và hướng tới khu vực. 10 năm sau, Bộ Chính trị một lần nữa nhắc lại mục tiêu này trong Nghị quyết 16 năm 2012.

Qua 4 nhiệm kỳ lãnh đạo, trung tâm tài chính TP.HCM vẫn là một cái đích để đi đến. Cuối tháng 3 vừa qua, UBND TP.HCM lại trình Thủ tướng về chủ trương xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.

Suốt hai thập kỷ, các chuyên gia tranh luận nhiều giải pháp khác nhau về quy hoạch, kinh tế, chính sách… nhằm đưa TP.HCM bứt phá. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn và quản lý đều thống nhất hai điểm nghẽn lớn của TP.HCM hàng chục năm qua là hạ tầng và thể chế.

Hạ tầng - vấn đề 3 thập kỷ

Hạ tầng giao thông luôn là điểm nghẽn đầu tiên được gọi tên trong các bất cập của TP.HCM trên nhiều lĩnh vực.

Gần 3 thập kỷ, thành phố vẫn là đô thị hướng tâm, phát triển theo kiểu vết dầu loang.

TS Trần Du Lịch

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận hạ tầng là vấn đề đã được TP.HCM nhìn ra trong gần 30 năm nhưng vẫn cứ là bài toán nan giải. Từ giữa thập niên 1990, TP.HCM đã có định hướng về quy hoạch đô thị đa trung tâm với hệ thống giao thông kết nối là đường vành đai 2, 3, 4, trong đó có tính đến kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Gần 3 thập kỷ, thành phố vẫn là đô thị hướng tâm, phát triển theo kiểu vết dầu loang. Hệ thống giao thông của “siêu đô thị” 13 triệu dân này có thể nói là thiếu đủ thứ.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị chỉ hơn 8%, trong khi tiêu chuẩn phải đạt 22,3%. Các đường vành đai đều chưa được khép kín. Trong 8 tuyến metro, chưa tuyến nào được đưa vào sử dụng. Xe buýt chỉ chiếm khoảng 9,3% nhu cầu giao thông, trong khi quy hoạch đến năm 2020 là 20-25%. Đặc biệt, diện tích bến bãi hiện hữu chỉ đáp ứng 1% nhu cầu người dân.

co che dac thu cho TP.HCM anh 2

Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong nhiều dự án liên tục chậm tiến độ tại TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Lý giải cho tiến độ giao thông ì ạch, thiếu vốn luôn là rào cản được Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM nhấn mạnh bên cạnh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư. Phó giám đốc Sở GTVT Lê Công Bằng dẫn chứng giai đoạn 2016-2020, vốn ngân sách chỉ đáp ứng 27%, vốn ngoài ngân sách (đối tác công tư PPP) cũng chỉ đáp ứng 13% nhu cầu.

Vì thế, giai đoạn 2016-2020, trong 172 dự án giao thông đã lên kế hoạch, thành phố chỉ hoàn thành 37 dự án, chưa thực hiện 70 dự án và 65 dự án dừng thi công.

Nhiều dự án “đóng băng” vì thiếu vốn, tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương cho TP.HCM cứ giảm dần. Trong khi tỷ lệ đóng góp của TP.HCM vào ngân sách cả nước tăng từ 26,5% (2001-2010) lên 27,5% (2011-2019) thì tỷ lệ ngân sách để lại giảm từ 33% (2000) xuống còn 18% (2017-2020).

Nguồn lực Nhà nước chỉ làm đòn bẩy, thị trường sẽ hoàn thành phần còn lại.

TS Vũ Thành Tự Anh

Chính quyền TP.HCM nhiều lần than thở về nghịch lý này và cho rằng đây là một phần nguyên nhân khiến hạ tầng phát triển chậm chạp, “trói chân” đô thị này bứt phá.

Thừa nhận thực tế này; tuy nhiên, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), nhận định TP.HCM không nên chờ Trung ương "cứu", mà phải tự cứu mình. Ông cho rằng nguồn lực cho cơ sở hạ tầng có thể được giải quyết bằng cách tạo ra cơ chế để thu hút nhà đầu tư bỏ tiền vào.

“Nguồn lực tài chính rất đa dạng. Có rất nhiều nguồn lực, chúng ta không cần bỏ tiền Nhà nước vào mà chỉ cần sử dụng ngân sách và cơ chế tài chính làm đòn bẩy, còn thị trường sẽ hoàn thành nốt phần còn lại”, chuyên gia chỉ ra giải pháp.

Cơ chế “chật” trói chân TP.HCM

Có thể giải quyết sự thiếu nguồn lực bằng cơ chế; thế nhưng, TS Trần Du Lịch chỉ ra rằng cơ chế cũng là một vấn đề 20 năm của TP.HCM. Bất cập trong mô hình quản lý một đô thị loại đặc biệt là khúc mắc đã được các nhà chuyên môn nhìn thấy từ những năm 2000 với hình tượng “thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”.

Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh.

TS Trần Du Lịch

TP.HCM cũng nhận ra điều này và liên tục đề xuất Trung ương các cơ chế riêng. Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là một minh chứng. Tuy nhiên, ông Lịch thẳng thắn nhận định sau 3 năm áp dụng, Nghị quyết 54 “chưa giải quyết được gì”.

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng hồi tháng 8/2020, TP.HCM tiếp tục đề xuất thêm 4 đề án đột phá và đều được người đứng đầu Chính phủ ủng hộ. Đó là đề án điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách Nhà nước cho TP.HCM; đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM; đề án thành lập TP Thủ Đức; và đề án phát triển trung tâm tài chính TP.HCM.

Đến nay, 2 trong 4 đề án đã được đưa thành nghị quyết (Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức). Hai đề án còn lại vẫn đang chờ chủ trương.

co che dac thu cho TP.HCM anh 3

Chuyên gia cho rằng cần tận dụng nguồn lực ngoài Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một lần nữa, những chính sách riêng cho TP.HCM, đặc biệt là mô hình thành phố trong thành phố, mang lại sinh khí mới cho “đầu tàu kinh tế” của cả nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn băn khoăn vào tính hiệu quả của những đề án riêng lẻ và tư duy chính sách chưa tương xứng với một siêu đô thị.

Vừa là chuyên gia đô thị, vừa là chủ doanh nghiệp, quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc Công ty EnCity (Singapore), cho rằng TP.HCM đang muốn phát triển một đô thị sáng tạo trong một khung pháp lý lạc hậu.

Với kinh nghiệm của một doanh nghiệp từng làm nhiều dự án với Nhà nước, ông Dũng chỉ ra một vấn đề trong tư duy quản lý của cơ quan chức năng là “kiểm soát cách làm thay vì kết quả”. Ông nêu ví dụ Nhà nước quy định nhà đầu tư nhà ở xã hội Việt Nam chỉ được lời 10% và cho rằng đây là một chính sách vô lý.

Muốn một thành phố bứt phá phải thay đổi khung pháp lý theo hướng kiểm soát kết quả thay vì cách làm.

Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng

“Thực chất, Nhà nước không bao giờ kiểm soát được nhà đầu tư tư nhân lời bao nhiêu %, mà việc họ lời bao nhiêu cũng không quan trọng. Cái cần kiểm soát là chất lượng, giá bán, và phải bán được nhà ở tốt cho người nghèo… Còn nếu doanh nghiệp giỏi thì thậm chí lời 20% cũng không sao cả”, ông Dũng chỉ ra vấn đề.

Nhà ở xã hội chỉ là một trong rất nhiều dẫn chứng cho kiểu quản lý “hạn chế sự sáng tạo” ở Việt Nam. So sánh với Singapore, chuyên gia phân tích cách làm của quốc gia này là đưa ra ngân sách và chỉ tiêu, người nhận nhiệm vụ có thể linh hoạt cách làm, miễn là đạt được kết quả và không phạm pháp.

“Ví dụ, tôi cho anh một tỷ USD, anh trả cho một người một tỷ USD cũng được, miễn là ra được kết quả tôi yêu cầu. Muốn một thành phố bứt phá phải thay đổi khung pháp lý theo hướng đó”, ông Dũng nêu quan điểm.

Đừng kéo dài lời hứa

Theo TS Trần Du Lịch, TP.HCM đang “đuối tầm”. Từ năm 1991 đến 2010, tốc độ tăng GDP bình quân của thành phố là 10,5%/năm, gấp 1,5 lần GDP cả nước. Từ năm 2011 đến 2020, tốc độ tăng GDP giảm còn 7,2%/năm, gấp 1,2 lần cả nước. Đến năm 2020, lần đầu tiên, con số này chỉ bằng 0,45 lần cả nước.

Không chỉ thế, về mặt quản trị Nhà nước, TP.HCM cũng liên tục tụt hạng nhiều năm qua. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) từ vị trí 31/63 (năm 2019) xuống 46/63 (năm 2020). Chỉ sau một năm, TP.HCM giảm 15 bậc, nằm trong nhóm 15 địa phương có chỉ số PAPI trung bình thấp. Còn theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI), TP.HCM đứng thứ 14 với 65,7 điểm, giảm 4 hạng so với năm 2018 (hạng 10).

Sự đi xuống này làm lộ ra những hạn chế trong công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư, thực hiện hóa các chính sách của "đầu tàu" cả nước. Đồng thời là lời nhắc nhở về tính cấp bách trong giải quyết những vấn đề hàng chục năm của TP.HCM.

co che dac thu cho TP.HCM anh 4

Trung tâm tài chính Thủ Thiêm là một trong nhiều ước mơ dang dở hàng chục năm của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thực tế cho thấy tất cả nút thắt về hạ tầng, thể chế của TP.HCM đã được các nhà khoa học, quản lý nhìn thấy từ 20 năm trước. Các giải pháp cũng đã được chỉ ra. Nhưng công tác thực thi chính sách đang trở thành rào cản khiến TP chậm tiến bước.

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng thậm chí, nếu tổng hợp tất cả góp ý của nhà khoa học, nhà quản lý cho TP.HCM có thể thành một chương trình nghị sự. Trước thực tế đó, ông nhấn mạnh vấn đề không nằm ở tầm nhìn, mà nằm ở hiệu quả thực thi.

Ông kiến nghị công tác điều hành phải là ưu tiên trọng yếu của lãnh đạo nhiệm kỳ này, “làm sao để quyết cái gì phải làm bằng được”, để những đề án, kế hoạch của thành phố không trở thành lời hứa chục năm.

“Trông ra thì chẳng bằng ai, trông vào trong nước chẳng ai bằng mình”, TS Vũ Thành Tự An thẳng thắn nhận định về vị thế hiện tại của TP.HCM.

GRDP, tỷ lệ thu ngân sách, lực lượng lao động TP.HCM đều dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, trong xếp hạng và triển vọng của 120 thành phố trên toàn cầu năm 2020, TP.HCM đứng thứ 97, thua kém nhiều đô thị trong khu vực như Singapore hạng 9, Bangkok (Thái Lan) hạng 36, Kuala Lumpur (Malaysia) hạng 58.

Trở thành trung tâm tài chính khu vực vẫn là tham vọng mà TP.HCM hướng tới trong tầm nhìn chục năm. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng mục tiêu trước mắt là làm sao giữ vững vị thế đầu tàu trong nước và thu hẹp khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực.

Những dự án hạ tầng ở TP.HCM đang bị tắc

Vành đai 2, 3... nằm trong số dự án giao thông trọng điểm được TP.HCM ưu tiên thực hiện. Song những vướng mắc về vốn, thủ tục, mặt bằng đang làm chậm tiến độ những công trình này.

Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm