Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bốn hiệp hội cùng gửi kiến nghị tới Thủ tướng xin hỗ trợ vaccine

Trước nguy cơ đứt gãy sản xuất, 4 hiệp hội đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng xin hỗ trợ để công nhân sớm được tiêm vaccine. Ngoài ra, các Hiệp hội cũng mong được hỗ trợ mua vaccine.

Ngày 27/7, 4 Hiệp hội: Dệt may Việt Nam, Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Mỹ Nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM cùng gửi một kiến nghị tới Thủ tướng mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine để tiêm miễn phí cho người lao động.

Theo đó, các hiệp hội kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất (trong cuối tháng 7, đầu tháng 8) lượng vaccine để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.

Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động.

Bốn hiệp hội cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vaccine từ Tập đoàn Royal Stratergic Partner - UAE và ngày 13/7 Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã tới làm việc với tập đoàn để xác minh về khả năng cung ứng vaccine của tập đoàn này.

de xuat ho tro mua vaccine anh 1

Các hiệp hội mong được hỗ trợ mua được vaccine từ nguồn tự tìm kiếm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, theo 4 hiệp hội, mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn nhập khẩu vaccine, nhưng đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ nhập khẩu.

"Do vậy chúng tôi kính đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với Tập đoàn Royal Stratergic Partners UAE của UAE hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy", đại diện 4 hiệp hội đề xuất.

Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.

Đồng thời, các Hiệp hội mong muốn được tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến với Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Các hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp có quy mô lớn sử dụng hàng nghìn đến vài chục nghìn lao động không đủ khả năng triển khai phương án "3 tại chỗ".

"Do vậy trên 90% các doanh nghiệp đều phải chấp nhận dừng sản xuất làm ảnh hưởng đứt gãy phần cung toàn cầu cho các nhãn hàng đã tin tưởng đặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của các nhãn hàng, các nhà nhập khẩu về thị trường Việt Nam", đại diện 4 hiệp hội cho biết.

Tiền Giang yêu cầu doanh nghiệp dừng '3 tại chỗ'

Trước khi dừng hoạt động, doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ" phải tổ chức xét nghiệm PCR cho tất cả người lao động trước khi trở về địa phương.

Doanh nghiệp dệt may lo nộp thuế theo nghị định mới

Các doanh nghiệp dệt may nhập nguyên liệu để sản xuất trong nước phải nộp thuế, mang hàng sản xuất được xuất khẩu lại phải đóng thuế. Việc hoàn thuế kéo dài gây khó khăn.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm