Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bốn đề nghị của Ukraine chưa được phương Tây thực hiện

Phương Tây đã đáp ứng nhiều yêu cầu của Kyiv về viện trợ vũ khí và trừng phạt Nga. Nhưng vẫn còn một số đề nghị của Ukraine mà Mỹ hay EU không chấp nhận.

Vung cam bay tai Ukraine anh 1

Khi phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội Mỹ ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh phương Tây nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ Ukraine và áp đặt thêm trừng phạt lên Nga.

Ông lặp lại đề nghị NATO thiết lập vùng cấm bay, cũng như hỗ trợ chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine.

Mỹ và đồng minh dù viện trợ vũ khí cho Kyiv và trừng phạt Nga trên nhiều lĩnh vực, vẫn từ chối nhiều lời đề nghị từ Ukraine, do lo ngại căng thẳng có thể leo thang và kéo NATO vào cuộc xung đột.

Viện trợ hệ thống phòng không S-300

CNN ngày 15/3 dẫn nguồn tin thân cận cho hay phía Mỹ đang tìm những quốc gia có sẵn hệ thống tên lửa phòng không S-300 do Liên Xô sản xuất và tìm cách chuyển chúng đến Ukraine.

Slovakia đã đạt đồng thuận sơ bộ trong việc chuyển giao S-300 cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và NATO vẫn chưa tìm được giải pháp để bù đắp lại hệ thống phòng thủ cho Slovakia, và quá trình chuyển giao chưa được đảm bảo.

Nếu có thể đến Ukraine, S-300 sẽ là hệ thống phòng không mạnh nhất mà Ukraine được phương Tây viện trợ. Tổ hợp S-300 có tầm bắn xa và cao hơn so với tên lửa phòng không Stinger mà Ukraine được viện trợ.

RT dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18/3 cho biết Moscow sẽ “không cho phép” hoạt động chuyển giao hệ thống S-300.

Ông Lavrov tuyên bố thêm Nga “nói rất rõ rằng bất cứ đoàn xe nào tiến vào lãnh thổ Ukraine mà bị chúng tôi cho là mang theo vũ khí sẽ trở thành mục tiêu tấn công chính đáng”.

Vung cam bay tai Ukraine anh 2

Ba nước NATO vẫn còn sử dụng hệ thống phòng không S-300 là Slovakia, Hy Lạp, Bulgaria. Ảnh: Anadolu Agency.

Thiết lập "vùng cấm bay"

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 16/3, Tổng thống Zelensky nhắc lại hai ký ức buồn của người Mỹ là cuộc tấn công Trân Châu cảng và sự kiện 11/9/2001, đồng thời trình chiếu đoạn ghi hình các thành phố Ukraine bị bắn phá trong những ngày qua. Ông Zelensky muốn qua đó kêu gọi Washington ủng hộ thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine.

Tuy nhiên, cho đến nay, vùng cấm bay là yêu cầu mà Mỹ hay các đồng minh NATO không thể chấp nhận, dù ông Zelensky nhiều lần đề cập trong những bài phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ, Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU).

Thiết lập vùng cấm bay đồng nghĩa với việc NATO phải dùng vũ lực để ngăn chặn máy bay Nga vi phạm không phận. Điều đó có thể dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO, mà phương Tây cho rằng có thể khơi mào chiến tranh toàn diện ở châu Âu.

Lập vùng cấm bay cũng đồng nghĩa với việc phương Tây phải đảm bảo máy bay đánh chặn được an toàn, bằng các biện pháp bảo vệ như nhận diện, gây nhiễu đối thủ, hay vô hiệu hóa hệ thống phòng không (của Nga).

“Thực tế, thiết lập vùng cấm bay cũng giống như một hành động chiến tranh", Philip Mark Breedlove, cựu tướng Không quân Mỹ, trả lời NPR.

Chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29

Mỹ ban đầu đã có những cuộc thảo luận chủ động với Ba Lan về việc chuyển giao các chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine, nhưng sau đó từ chối khi Warsaw nói rằng muốn triển khai máy bay từ căn cứ Mỹ đặt tại Đức.

Lầu Năm Góc cho rằng đây là một cuộc chuyển giao có "rủi ro cao" và không thể mang lại thay đổi đáng kể. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng cho biết các tên lửa phòng không Mỹ viện trợ hiệu quả hơn so với cung cấp chiến đấu cơ, theo Reuters.

Sau bài phát biểu của Tổng thống Zelensky ngày 16/3, nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ kêu gọi chính quyền Biden hỗ trợ chuyển giao các chiến đấu cơ MiG-29 từ Ba Lan cho Ukraine, nhưng Nhà Trắng tiếp tục bác bỏ kế hoạch này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 15/3 cho biết vì những máy bay phải xuất phát từ căn cứ NATO, các căn cứ này có thể trở thành mục tiêu đáp trả của Nga.

Bà Psaki nói thêm các chiến đấu cơ là những vũ khí tấn công, do đó đi ngược với lập trường các nước phương Tây là chỉ cung cấp vũ khí để Ukraine phòng thủ.

Tuy vậy, những nỗ lực của chính quyền Biden trong việc tìm cách chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine cũng khiến nhiều quan chức chính phủ hoài nghi.

Giới chức Washington không chắc liệu Nga có xem S-300 là vũ khí phòng thủ hay không, khi tên lửa phòng không hay MiG-29 về lý thuyết đều có khả năng đe dọa máy bay Nga từ xa, theo New York Times.

Vung cam bay tai Ukraine anh 3

Cho đến nay, Mỹ vẫn kiên định với lập trường không điều MiG-29 của Ba Lan từ căn cứ Mỹ đến Ukraine. Ảnh: Military Watch Magazine.

Gia nhập Liên minh châu Âu (EU)

Tổng thống Zelensky đã ký đơn gia nhập EU ngày 28/2 và thúc giục các lãnh đạo EU cho phép Ukraine gia nhập liên minh thông qua một thủ tục đặc biệt. Các nước EU ở Đông Âu kêu gọi sớm trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine.

Phía Nga cũng cho biết họ sẵn sàng thỏa hiệp nếu Ukraine cam kết theo đuổi cơ chế trung lập, có thể tham gia EU nhưng không trở thành thành viên NATO.

Dù vậy, thủ tục đặc biệt mà ông Zelensky đưa ra về mặt pháp lý không tồn tại.

Một quốc gia chỉ được trao tư cách ứng viên sau khi trải qua nhiều cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu và được toàn bộ 27 thành viên đồng thuận. Từ ứng viên đến thành viên chính thức có thể kéo dài hàng chục năm, khi quốc gia phải cải cách để đáp ứng các yêu cầu về chính trị, kinh tế, luật pháp.

Các nước EU không ngừng cam kết sẽ tăng cường viện trợ vũ khí và nhu yếu phẩm cho Ukraine, nhưng những nền kinh tế hàng đầu khối như Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha sẽ thận trọng khi bàn đến tư cách thành viên của Ukraine.

Ukraine có thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.700 USD năm 2020, trong khi quốc gia có thu nhập thấp nhất EU là Romania có khoảng 12.000 USD, theo World Bank.

Những nền kinh tế lớn đều đóng góp nhiều hơn những gì họ nhận được từ EU. Do đó, việc Ukraine gia nhập có thể tạo thêm sức ép kinh tế, đặc biệt sau khi Anh rời khỏi liên minh (Brexit).

Thành phố ở Ukraine mở lại hầm tránh bom từ thời Thế chiến 2 Hầm tránh bom ở thành phố Lviv, miền Tây Ukraine, đã có từ thời Thế chiến 2. Nó được mở lại gần đây để người dân có nơi trú ẩn trong bối cảnh chiến sự.

Đức tìm đường thoát phụ thuộc năng lượng Nga

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck sẽ đến Qatar và UAE vào cuối tuần này để tìm nguồn cung năng lượng thay thế khí đốt của Nga khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Ông Biden trước sức ép cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine

Ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi Tổng thống Joe Biden chuyển giao tiêm kích cho quân đội Ukraine, dù Lầu Năm Góc trước đó khẳng định máy bay chiến đấu sẽ không hiệu quả.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm