Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bốn cách Trung Quốc có thể 'đánh vào kinh tế' Triều Tiên

CNN chỉ ra 4 cách để Trung Quốc hành động nhằm răn đe Triều Tiên chứ không chỉ "nói mồm" như chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Tôi nghĩ Trung Quốc có thể làm được nhiều hơn thế", Tổng thống Trump trả lời báo chí ngày 10/8. "Và tôi nghĩ Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn thế", ông nói thêm.

Trung Quốc hiện vẫn đóng vai trò là đầu mối kinh tế nuôi sống Triều Tiên qua hàng thập kỷ nước này bị cấm vận, khi nước này cho phép nhập khẩu nhiên liệu, than đá đổi lại bằng các gói cứu trợ lương thực khổng lồ cũng như chấp thuận cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.

Trung quoc danh vao kinh te trieu tien anh 1
Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể làm nhiều hơn để trừng phạt kinh tế Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Theo các quan chức Mỹ, ngày 12/8, Bắc Kinh đã cùng 14 thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc biểu quyết nhất trí áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên do nước này thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Các biện pháp trừng phạt sẽ khiến doanh thu xuất khẩu hàng năm trị giá 3 tỷ USD của Triều Tiên giảm hơn một phần ba.

Tuy nhiên, Trung Quốc, vốn chiếm hơn 90% thương mại quốc tế của Triều Tiên, có thể sẽ chống lại bất kỳ biện pháp trừng phạt nào có thể khiến nền kinh tế của nước láng giềng sụp đổ.

Dù vậy, năm nay Trung Quốc vẫn thể hiện quan điểm sẽ có những hành động cụ thể hơn nhằm gia tăng áp lực với kinh tế của Triều Tiên.

Trong các phương án, có một vài cách mà Trung Quốc có thể thực hiện:

1. Năng lượng

Chính quyền của ông Kim Jong Un phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngành khai thác và xuất khẩu than, loại khoáng sản mà phần lớn sản lượng khai thác đã được bán cho Trung Quốc.

Đây là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên, chiếm khoảng một phần ba xuất khẩu chính ngạch của nước này năm 2015.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc tuyên bố ngưng toàn bộ nhập khẩu than từ Triều Tiên hồi tháng 2/2017, không thể nắm rõ số phận khoản thu từ xuất khẩu này.

Nhập khẩu than từ Triều Tiên đã giảm 75% trong nửa đầu năm 2017, theo số liệu từ chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh hoàn toàn có thể gia tăng áp lực với Triều Tiên bằng cách hạn chế nguồn cung xăng dầu cho nước láng giềng này.

2. Tài chính

Mỹ và các đồng minh đã nỗ lực để thu hẹp dòng tiền chu cấp cho chính phủ Triều Tiên và chặn nguồn cung này từ hệ thống ngân hàng toàn cầu. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, Mỹ đã chỉ trích các ngân hàng Trung Quốc vì vẫn cung cấp các dịch vụ tài chính cho Triều Tiên.

Điều này đã thay đổi kể từ tháng 6/2017, khi Bộ Tài chính Mỹ đã chặn một ngân hàng Trung Quốc truy cập vào hệ thống ngân hàng Mỹ với cáo buộc có mối liên hệ tài chính với Bình Nhưỡng.

Trung quoc danh vao kinh te trieu tien anh 2
Sông Áp Lục ngăn cách Triều Tiên và Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Quan chức Bộ tài chính Mỹ không loại trừ khả năng các ngân hàng khác cũng có thể chịu áp lực tương tự từ Mỹ và những đối tác quốc tế khác.

Mục tiêu của hành động này là nhằm cắt đường truy cập của Triều Tiên vào hệ thống ngân hàng toàn cầu và ngăn nước này đưa tiền về để phục vụ chương trình hạt nhân.

Bắc Kinh hoàn toàn có thể yêu cầu các nhà lập pháp xử phạt hoặc phong tỏa các ngân hàng vẫn đang làm ăn với Bình Nhưỡng.

3. Tiền mặt

Triều Tiên được cho là đã để ra được một khoản không nhỏ từ việc bán than cho Trung Quốc và lập một quỹ dự phòng.

Ông John Park, giám đốc trung tâm Korea Working Group tại Đại học Harvard Kennedy School chia sẻ hồi đầu năm rằng ông tin Bình Nhưỡng đang giữ "một lượng lớn tiền" ở Trung Quốc mà nhà cầm quyền Triều Tiên có thể dùng để mua bất kỳ thứ gì họ cần cho chương trình hạt nhân.

Triều Tiên thường phải lách luật để duy trì tiếp cận với hệ thống ngân hàng quốc tế và tiếp tục làm ăn tại nước ngoài, thường là dưới dạng đồng USD hoặc nhân dân tệ.

Việc ngăn Bình Nhưỡng tiếp cận nguồn tiền trên "tóm lại chính là ý chí chính trị của nhà cầm quyền Trung Quốc để sử dụng luật pháp nhằm truy ra các quỹ trên", ông Park cho hay.

4. Lao động

Triều Tiên có giới tinh hoa giàu có ở thủ đô nhưng đại đa số công dân nước này đang chật vật trong cảnh nghèo khổ và từng bị nạn đói hoành hành.

Dù là nền kinh tế bị cấm vận nghiêm ngặt nhất trên thế giới, chính quyền Triều Tiên vẫn tìm ra cách để kiếm được tiền từ công dân.

Một trong số đó là gửi hàng nghìn người Triều Tiên đi lao động ở nước ngoài dưới dạng lao động bắt buộc tại các nước như Trung Quốc, Nga hay Trung Đông, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2015. Những công dân này được cho là phải làm việc trong các ngành như khai mỏ, khai thác gỗ, dệt may và xây dựng. Một phần đáng kể trong thù lao của những lao động này bị chính quyền Triều Tiên thu lại.

Trung quoc danh vao kinh te trieu tien anh 3

Cách kiếm tiền này thể hiện rõ nhất ở thành phố Đan Đông ở biên giới Trung Quốc, đầu mối thương mại giữa hai nước. 

Chính quyền địa phương đăng tải trên website rằng có khoảng 20% trong số 50.000 lao động nước ngoài làm việc trong ngành dệt may của thành phố này là từ Triều Tiên. Theo thông tin trên, những người công nhân này phải làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày và thu nhập hàng tháng vào khoảng 260 USD.

"Các công nhân Bắc Triều Tiên đều được kiểm tra về mặt chính trị trước khi họ rời khỏi đất nước, họ có kỷ luật và dễ quản lý", website nói.

Trả những công nhân này về Triều Tiên sẽ hủy đi một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Triều Tiên.

Ưu tiên của Bắc Kinh

Nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc nhằm vào các ngành xuất khẩu chính của Triều Tiên, bao gồm than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào các nguồn thu khác như ngân hàng và liên doanh với các công ty nước ngoài. Không rõ Trung Quốc đang sẵn sàng hành động tới đâu.

Ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi đã chia sẻ với báo chí rằng "Ai đang thực hiện các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến Triều Tiên? Trên thực tế chính Trung Quốc là nước đang thực hiện chúng. Ai là người gánh chịu những thiệt hại có liên quan? Chính Trung Quốc đang phải gánh".

Bối cảnh mà Bắc Kinh muốn tránh là sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Bình Nhưỡng, một việc có thể gây mất ổn định trong khu vực và nhiều khả năng sẽ khiến hàng triệu người tị nạn Triều Tiên tràn qua sông Áp Lục để vào Trung Quốc.

"Các lãnh đạo Trung Quốc không cảm tình gì với chính quyền Kim Jong Un và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, tuy nhiên họ còn ghét hơn cảnh Triều Tiên sụp đổ và sự thống nhất bán đảo Triều Tiên với thủ đô là Seoul", Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế của Mỹ viết hồi tháng 3/2017.

Trung Quốc và chiêu 'đánh vào kinh tế' của láng giềng

Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là thị trường 1,3 tỷ dân, chiêu bài "đánh vào kinh tế" thường xuyên được Trung Quốc sử dụng trong ứng xử với các quốc gia láng giềng.



Ngô Minh

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm