Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Bomman - từ game thủ top 8 châu Á đến caster CSGO số một Việt Nam

Từ người đội trưởng lập team ở quán net vào top 8 châu Á đến vị thế caster CSGO số một Việt Nam lúc này, Mai "Bomman" Nam Hải đã đi chặng đường dài.

Từ người đội trưởng lập team ở quán net vào top 8 châu Á đến vị thế caster CSGO số một Việt Nam lúc này, Mai "Bomman" Nam Hải đã đi chặng đường dài.

Bomman không phải cái tên lạ lẫm gì với tựa game Counter Strike: Global Offensive (CSGO) tại Việt Nam. Chàng trai sinh năm 1991 thậm chí là một trong những cái tên có ảnh hưởng nhất cộng đồng của tựa game có tiềm lực lớn này.

Trao đổi với Zing, Bomman nhìn lại chặng đường dài trong sự nghiệp của mình. Từ một game thủ vừa làm lập trình viên vừa thi đấu dẫn dắt anh em ở quán net lọt vào top 8 châu Á đến caster/streamer hay nhất CSGO Việt Nam hiện nay.

Bomman anh 1

Bomman là nhân vật có tiếng nói lớn bậc nhất trong cộng đồng CSGO Việt Nam. Ảnh: 500Bros.

Nợ môn, học lại và top 8 châu Á

- Chào Bomman, bạn có thể giới thiệu qua về bản thân mình cho độc giả của Zing?

- Xin chào mọi người, mình là Bomman, là caster/streamer của 500Bros Media. Hiện tại công việc chính của mình là bình luận các tựa game như Counter-Strike, PUBG. Ngoài ra, mình cũng stream các tựa game như CSGO, Liên Minh Huyền thoại, PUBG hay Valorant.

- Bạn được coi là tượng đài của bộ môn esport CSGO tại Việt Nam, chính Bomman có thể nói gì về điều này?

- Nói là tượng đài thì hơi quá, mình chỉ dám nhận là một fan trung thành và rất đam mê game CSGO. Mình đi với tựa game này ở Việt Nam từ thời đầu, tính đến nay cũng là 8 năm rồi. Còn từ kia hơi quá. Tượng đài thì phải có gì đó hoành tráng, mình cũng chỉ để lại chút dấu ấn nho nhỏ trong cộng đồng mà thôi.

- Vậy chặng đường theo đuổi đam mê CSGO của bạn diễn ra như thế nào?

- Hồi đầu, mình có chơi thân với 4 anh em và bắn CSGO với nhau cho vui thôi. Giai đoạn mình sắp ra trường, team có đi bắn một số giải bán chuyên và vô địch 2-3 giải liền. Giải đấu mình rất nhớ là trước khi bảo vệ luận án tốt nghiệp 2 tháng.

Tuy nhiên, trước ngày thi đấu, thì một thành viên phải về quê ngoại có việc gia đình. 3 thành viên này bắt xe từ Thanh Hóa lên đến Hà Nội và bắn vô địch luôn. May mắn là sau đấy, đồ án tốt nghiệp của mình được chấm điểm giỏi.

- Có phải bạn bỏ học đại học trong những năm đầu dù học rất giỏi. Chuyện đó diễn ra như thế nào? Bạn nợ môn ra sao khi ĐH Bách Khoa Hà Nội là trường có hệ thống tính điểm phức tạp và khó ra trường.

- Thời của mình là năm nhất chỉ để học đại cương. Học có điểm mới dùng để phân khoa. Để vào được những khoa ước mơ như Công nghệ thông tin hay Điện tử viễn thông, rõ ràng phải có kết quả tốt. Năm đầu ai cũng học hành căng thẳng.

Đến năm 2 thì xảy ra vấn đề, đó là mua máy tính. Được tự do không chịu gò bó của bố mẹ, nên cảm giác bản thân bị vọt ra ngoài khuôn khổ và trượt dốc trong việc học hành. Trượt thẳng đứng luôn. Có 2 kỳ thì học 5 môn trượt 4. Và bị nhà trường cảnh cáo lên mức 2.

Bomman anh 2

Trên vai trò game thủ, Bomman là đội trưởng dẫn dắt team thành lập từ quán net vào tới top 8 châu Á. Ảnh: NVCC.

- Sa sút như thế, vậy bố mẹ bạn ở quê có nói gì không?

- Đến khi mọi chuyện đến giới hạn rồi thì cũng phải nói với gia đình. Bố mẹ hiểu và sau đó mình chuyển ra ngoài ở. Giai đoạn ấy mình trầm cảm một chút. Bạn hình dung đang ở trên cao thì tụt hẳn xuống, kết quả tệ nên tự ty so với bạn bè.

Lúc này mới bắt đầu chơi game CS trở lại với đội mà mình nói kia. Anh em nói chuyện rất thân, thỉnh thoảng offline giao lưu. Sau cùng, cố gắng đi học đầy đủ và cũng ra trường sau 6 năm với tấm bằng khá, muộn một năm so với bình thường ở ĐH Bách Khoa.

- Vậy chặng đường trở thành game thủ chuyên nghiệp của bạn còn kéo dài tới đâu?

- Sau khi tốt nghiệp mình có về quê một thời gian vì chưa có việc. Lên lại làm việc thì thử việc ở một công ty công nghệ của cậu. Lúc này, các anh em cũ có team riêng rồi, nên mình quyết định lập team khác. Tất cả bắt đầu từ quán Dũng béo Gaming. Mình quen Shin Thỏ lúc này.

Đây là tay chơi rất to nhưng lại chưa có team, mình ngỏ ý và anh em về một đội. Sau đó, Shin Thỏ và mình rủ thêm người nên đủ một team. Team Dũng béo Gaming cũng chính là tiền đề cho 500Bros media như bây giờ.

- Thành tích tốt nhất của team Dũng béo Gaming là gì?

- Thành tích tốt nhất tại Việt Nam là vào đến top 4, còn quốc tế là từng lọt vào top 8 châu Á. Khi ấy thi đấu mất 2 ngày liền, qua 7-8 trận ở vòng loại mở rộng với các team châu Á. Đến trận quyết định gặp team mạnh là NXL thì thua. Team lúc đấy cũng được lên HLTV 1 lần, thậm chí được lên cả kèo nữa.

- Ở thời điểm đó bạn cũng đang làm việc ở công ty lập trình phải không, vậy sao có thể cân bằng giữa công việc và đam mê CSGO được?

- Nói đúng thì mình đã không hoàn thành trách nhiệm công việc. Ngày xưa nghĩ là mình có thể làm cả hai, ban ngày hoàn thành công việc, tối về dành thời gian cho đam mê, nhưng điều đó là sai. Đã làm gì thì phải tập trung làm điều đó tốt nhất có thể. Về nhà cũng phải làm.

Ngày xưa nghĩ là mình có thể làm cả hai, ban ngày hoàn thành công việc, tối về dành thời gian cho đam mê, nhưng điều đó là sai.

Ngày đấy mình chỉ làm giờ hành chính, về nhà là ngừng luôn. Hàng ngày là cứ đi làm từ Phạm Văn Đồng về là phi đến quán ở ngõ Tự Do gần Đại học Kinh tế quốc Dân. 1 tuần team sẽ tập 2-3 buổi, nhưng cứ rảnh là mình sẽ bật demo của các team thế giới lên xem. Mình cố gắng đến mức không biết mấy ai trong quán, nhưng tất cả đều biết mình. Nhiệm vụ duy nhất của mình khi tới quán là xem demo để tìm hiểu kiến thức và tập team, chứ không "chơi game".

Trong 6 tháng, các thành viên ở đẳng cấp dưới bán chuyên đã gần tiếp cận được với mức chuyên nghiệp. Mình cảm thấy có nhiều tài năng ở Việt Nam không được dạy đúng cách, chỉ cần được dạy đúng, họ sẽ phát triển rất nhanh.

"Có tập thể và chăm chỉ là làm điều gì cũng được"

- Vậy điều gì khiến Bomman từ bỏ nghiệp game thủ dù đã lọt vào tới top 8 châu Á và bén duyên với nghiệp Caster?

- Team Dũng Béo Gaming tan rã vì tất cả đều bận với cuộc sống riêng, không thể tập luyện như cũ nữa. Ngay từ đầu mình cũng khẳng định mục tiêu cho team chỉ là đạt top cao tại Việt Nam, nhưng chỉ đến mức đấy thôi. Vì nếu muốn hơn phải lên hẳn chuyên nghiệp mà anh em thì không có thời gian. Mình cũng nói với các anh em trẻ là nếu có bên nào mời để phát triển tài năng và thi đấu quốc tế thì cứ đi.

Bén duyên với nghiệp Caster thì do khi đấy mình 25 tuổi, không còn trẻ nữa và cũng dần phải lo cho cuộc sống. Mình cũng nhận ra là game CSGO rất hay, cuốn hút nhưng không có ai bình luận về nó cả. Mình có thể nhìn ra chiến thuật của toàn bộ team, đọc rõ tất cả profile của các player, ở Việt Nam cũng chơi hết với các game thủ, và có thể chia sẻ nhiều về tựa game này, vậy thì thử thôi.

Ngày ấy đợt căng thẳng nhất là vừa đi bình luận đêm, vừa đi làm lập trình viên bình thường trên công ty vào ban ngày.

- Như vậy bạn sẽ phải trải qua quãng thời gian phải quyết định xem là làm nghề caster hay lập trình viên đúng không?

- Đúng vậy. Bước ngoặt đến từ 1 giải đấu được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Đó là lần đầu tiên được bình luận trên sân khấu lớn, có khán giả. Vì bỡ ngỡ nên ban đầu bình luận không là chính mình. Nhưng sau đấy trận đấu hay quá và mình bắt đầu "bay", quên hết xung quanh. Người đầu sự kiện ấy, đến từ Hàn Quốc, không hiểu gì, nhưng đã theo dõi mình say mê với trận đấu ra bắt tay mình sau khi kết thúc.

Sau giải đấu đấy, mình quyết định phải lựa chọn chỉ được làm một thứ thôi. Mình nói chuyện với cậu và mợ, những người làm cùng công ty, để xin được thử làm những gì mình thích. Rất may là cậu và mợ nhiệt tình hỗ trợ. Cả hai đều bảo: “Nên làm theo những gì mình thích. Tiền có thể kiếm được, nhưng cứ mãi làm những gì bản thân không thích thì rất phí”. Và mình quyết định dừng công việc lập trình, chỉ để muốn xem có thể đi được với việc này đến đâu thôi.

Nên làm theo những gì mình thích. Tiền có thể kiếm được, nhưng cứ mãi làm những gì bản thân không thích thì rất phí.

Bạn bè cũng khuyên răn nhiều. Họ đều bảo “Mày làm công việc này thì lương được bao nhiêu đâu”, thậm chí có những người còn nói thẳng “Mày về đây, tao trả lương 7 triệu/tháng”. Mình vẫn bảo: "Cho tao cơ hội 6 tháng đi. Sau 6 tháng sẽ tính tiếp". Ngày ấy tương lai thực sự mù mịt.

- Lương của bạn khi ấy là bao nhiêu? Bố mẹ có ủng hộ không? Rõ ràng không phụ huynh nào muốn đứa con thi đại học được 26 điểm có khởi đầu như thế.

- Lương mình khi ấy là 5 triệu/tháng. Mình giấu bố mẹ rất kỹ, và phải bảo cậu, mợ là nếu gia đình hỏi thì cứ bảo vẫn đang làm lập trình. Phải đến một năm sau mới dám nói là đã nghỉ ở công việc ở kia. Lúc đấy mà nói ra là chết (cười).

Bomman anh 3

Bomman (đứng giữa hàng trên) cùng 500Bros Studio đã có những hành trình theo chân thành công của các đội game Việt Nam trên dấu trường quốc tế. Ảnh: NVCC.

- Với mức lương 5 triệu đấy, bạn xoay xở với cuộc sống như thế nào?

- Lương chỉ đủ để ăn và trả tiền trọ, rất khó khăn. Mình nhớ có năm sinh nhật, anh em rủ đi ăn xong đi hát, nhưng chẳng có tiền, anh em bao mới chịu đi. Kỷ niệm đẹp hồi đấy là được ủng hộ (donate). Anh em xem kênh donate đến hẳn căn chung cư cả studio sống, từ mỳ tôm, sữa, bia đến cả bim bim.

- Sau 8 năm gắn bó với CSGO, điều gì khiến Bomman vẫn duy trì được sự hứng khởi cho đến tận lúc này?

- Mình nghĩ có 2 yếu tố. Một là phải hứng thú và yêu tựa game này đã. Mình cũng là người thiên về chuyên môn nên nghiên cứu rất sâu. Mỗi lần xem là đều tìm ra điều mới nên hứng thú và càng cảm thấy mình chưa hiểu gì về game này nên lại càng muốn tìm hiểu sâu hơn.

Thứ hai là cần có tập thể. Có tập thể và chăm chỉ là làm điều gì cũng được.

- 500Bros Studio giờ là studio cast CSGO số một Việt Nam. Thành quả đó xuất hiện sau bao nhiêu lâu từ khi bạn theo đuổi nghiệp caster CSGO? Có khi nào bạn muốn từ bỏ giữa chừng vì hiệu quả không tốt hay không?

- Sau 4 năm, ban đầu 500Bros chỉ được bình luận trên Twitch, vì đây là đơn vị duy nhất nắm giữ bản quyền của các giải đấu CSGO trên thế giới. Phải đến năm 2018, 500Bros mới xin được một luồng phát sóng trên Youtube. Studio giờ phát triển đều, không nhanh quá, nhưng khá chắc chắn, bởi lượng người xem CSGO khá riêng biệt và cũng chất lượng.

Đã có những thời điểm khó khăn. Lúc đầu chẳng hạn, vài tháng đầu có việc thì mới làm. Sau có những tháng không có việc, mọi người chơi cả tháng. Thu nhập thấp nên nản. May là giai đoạn khó khăn nhất thì Viking nhảy vào giúp đỡ. Lúc đấy mình chỉ là phòng ban riêng của công ty Viking. Giờ đây khi sự phát triển đã chắc chắn, mình mới tách hẳn ra và ổn hơn.

- Sau thời gian dài thì Bomman cũng đã là cái tên có tiếng trong cộng đồng. Bạn từng xuất hiện trong cả những chương trình về Esport trên sóng truyền hình? Bố mẹ của bạn giờ đã có thể tự hào về con trai của mình hay chưa?

- Mình ít về nhà từ khi làm nhiều hơn. Bản thân mình cũng không phải người giao tiếp quá nhiều với gia đình. Thế nhưng, có sự chuyển biến rất rõ ràng đấy. Ngày xưa mỗi lần về quê bố mẹ đều khuyên thôi nghỉ việc đi, cầm cái bằng Bách Khoa xin vào công ty lập trình nào đó cho an toàn.

Giờ bố mẹ không khuyên nữa, chỉ khuyên ngủ đầy đủ, chăm sóc sức khỏe. Mình thấy đấy là chuyển biến tích cực. Bố mẹ dường như bắt đầu hiểu hơn công việc của mình. Nhìn chung sự phát triển quá nhanh của Esport trong những năm qua có lẽ đã tạo ra thay đổi này. Khoảng 3 năm trước, mấy ai biết streamer là gì đâu, trong khi bây giờ xã hội đã quen dần với nghề nghiệp này.

- Theo bạn, cộng đồng CSGO có tiềm năng phát triển hay không khi sự cạnh tranh ở các tựa game bắn súng ở Việt Nam khá gắt gao?

- Thật ra, CSGO từ trước giờ không sợ bên nào cạnh tranh cả. Nó có tính đặc thù và lượng người chơi đặc biệt. Tuy nhiên, việc phát triển lại là câu chuyện khác, vì nó không có lộ trình cụ thể, giải đấu chỉ mang tính tự phát. Một nhãn hàng hay quán net bỏ tiền đầu tư thì tổ chức giải, không thì thôi.

Ví dụ như LMHT, PUBG Mobile hay Liên Quân có giải đấu lên xuống hạng rất rõ ràng. CSGO cũng phải cần điều ấy, để các game thủ duy trì phong độ, nâng cao trình độ và luyện tập. Khi mọi thứ chuyên nghiệp hơn thì mới có thể thu hút các nhà tài trợ.

Mình nghĩ nếu có giải đấu chuyên nghiệp trong một năm thôi, CSGO Việt Nam thừa sức tiến ra Đông Nam Á.

Mình nghĩ nếu có giải đấu chuyên nghiệp trong một năm thôi, CSGO Việt Nam thừa sức tiến ra Đông Nam Á.


- Khả năng lên chuyên của những game thủ CSGO tại Việt Nam dường như không cao như các tựa game hot lúc này như PUBG Mobile và Liên quân. Theo bạn, có cách nào để những game thủ CSGO Việt Nam có thể kiếm tiền đều đặn và sống được bằng tựa game này không?

- Chúng ta cần người xem. Nếu người xem đông, các nhà tài trợ sẽ thu hút và có được cơ hội. Thành tích cũng là một yếu tố. Nếu một team Việt Nam có thành tích ở khu vực Đông Nam Á thôi, có lợi thế lớn để kéo giải đấu về Việt Nam. Tuy nhiên, thành tích của các team Việt Nam lại không tốt, thường là bị loại ngay từ vòng bảng. Cảm giác mọi người đi du lịch nhiều hơn là thi đấu.

Mình thấy các player trẻ thiếu bây giờ là nhận thức. Đa phần các player nổi lên nhanh quá và không thể xử lý được. Họ cần một lộ trình cụ thể. Cũng giống bóng đá vậy. Ngày xưa chúng ta có nhiều cầu thủ trẻ nổi lên nhưng nhanh chóng tàn lụi, và chỉ đến tận bây giờ thế hệ Quang Hải mới bật lên hẳn được.

Đó là nhận thức. Họ biết họ đang ở đâu, có gì và cần làm gì. Đạt được thành công bước đầu là dễ với các player trẻ có tố chất. Nhưng đa phần là khi đạt được thành tựu gì đó, họ sẽ xao nhãng, cảm giác hài lòng với chiến thắng. Họ không chơi game 6-7 tiếng/ngày nữa, mà muốn là những việc khác như chơi xả hơi.

Bomman anh 4

Những phiên livestream của Bomman trên nền tảng mạng xã hội luôn có lượng fan trung thành theo dõi rất đông đảo. Ảnh: NVCC.

- Mỗi phiên livestream của bạn giờ có hàng nghìn người xem, lượng tương tác trong group cá nhân “Làng mìn” cũng rất cao. Hướng đi của Bomman trong thời gian tới về việc xây dựng cộng đồng là gì?

- Mình muốn xây dựng cộng đồng không cần quá nhanh. Điều quan trọng là bền vững và duy trì được lượng fan trung thành. Trước giờ mình vẫn đi theo hướng chuyên môn nhiều hơn, không hài hước hay nói hay như các streamer khác được. Mình chỉ muốn phát triển tốt nhất sở trường của mình. Không cần vội vàng.

- Ngoài tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, Bomman còn từng khiến nhiều người ấm lòng khi kêu gọi và ủng hộ được hơn 50 triệu đồng qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cách đây hơn 2 tháng. Điều gì đã thôi thúc bạn làm việc này khi ấy? Chắc chắn không thể là để "lấy fame" rồi, vì bạn đã từ chối trả lời phỏng vấn nhiều bên về việc này?

- Đấy là giai đoạn khó khăn chung của cả đất nước. Mình chỉ nghĩ là có thể góp được phần sức lực nho nhỏ mà thôi. Cũng không đáng bao nhiêu, nhưng đấy là những gì mình có thể làm được nên mình tổ chức ra buổi quyên góp đấy.

Thực ra làm là để thoải mái hơn với lương tâm, còn nếu sự việc đấy làm để lấy fame, lên báo hay cho người ta Bomman là ai thì mình không thích. Chỉ cần thoải mái với bản thân là mình có năng lượng để làm những chuyện khác, vậy là thấy vui rồi. Không nhất thiết cứ phải ồn ào. Ồn ào quá thì sẽ đi lệch mục tiêu mình muốn.

- Ngoài lề thôi, chuyện tình cảm của bạn thời gian gần đây thu hút sự chú ý của nhiều người. Và có thể khẳng định 100% tất cả ủng hộ. Bạn có đang hạnh phúc, vì theo như cộng đồng biết, đây mới là lần đầu tiên Bomman yêu?

- Mình hạnh phúc.

Cảm ơn bạn vì cuộc trao đổi.

Việt Nhật

Bạn có thể quan tâm