Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong khu dân cư” do HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP tổ chức ngày 5/7, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư.
Cháy, nổ bất cứ lúc nào
Gửi ý kiến lên chương trình, cử tri Nguyễn Thị Yên, nhà gần giao lộ Âu Cơ - Trịnh Đình Trọng (quận 11), phản ánh cây xăng Lan Anh hoạt động không bảo đảm an toàn. Theo quy định, việc bố trí cây xăng phải cách khu dân cư ít nhất 100 m nhưng cây xăng này nằm sát trường học.
“Mỗi lần tôi lên sân thượng là mùi xăng, dầu nồng nặc hắc vào mũi. Hơi xăng bốc ra, chẳng may ai đó sơ sẩy thì nguy cơ cháy rất lớn, hậu quả khó lường” - bà Yên lo ngại.
Một số cử tri phường 7 (quận 11) trình bày về việc tại địa phương có đến 3 chung cư được xây dựng trước năm 1970, hiện xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống PCCC không phát huy tác dụng trong khi đường dây điện, cáp chằng chịt, bãi đậu xe án ngữ giữa cầu thang, lối lên xuống.
Chợ Kim Biên được xem là một trong những địa điểm có nguy cơ cháy nổ cao ở TP HCM. |
Riêng người dân sống tại phường 13, quận 5 bức xúc về dự án di dời chợ Kim Biên đến nay vẫn “án binh bất động”. Theo họ, bất an nhất là xung quanh chợ có đến 53 hộ kinh doanh hóa chất nằm xen kẽ nhà dân. Ông Tạ Văn Dũng, ngụ khu vực chợ Kim Biên, lo lắng: “Từ khi xảy ra vụ nổ hóa chất tại một công ty chế biến phân bón ở quận 12 (cuối năm 2014), chúng tôi rất lo sợ. Chẳng may vụ việc tương tự xảy ra tại chợ Kim Biên thì nhà tôi và những người khác sẽ đi “tong””.
Bà Nguyễn Thị Mỹ - đại diện cử tri phường 8, quận 4 - đề đạt ý kiến về việc có rất nhiều con hẻm ở đường Tôn Đản dài ngoằn ngoèo nhưng rộng chưa đến 1 m, xe máy chạy ngược chiều không lọt. Bà nói: “Chúng tôi rất lo bởi nếu có cháy nhà thì xe cứu hỏa không thể vào được, thoát thân đã khó nói gì cứu tài sản”.
Chia sẻ lo lắng của người dân, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TP, nêu thực trạng trên địa bàn TP hiện có đến hơn 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ phát sinh cháy nổ. Trong đó, khoảng 5.300 điểm có nguy cơ cháy nổ cao, chủ yếu ở các lĩnh vực: dệt, hóa chất, xăng dầu, giày dép, may mặc...
Điều đáng lo là chúng nằm xen cài trong khu dân cư nên cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đại diện Cảnh sát PCCC TP HCM cũng đưa ra số liệu toàn TP có hơn 6.800 điểm thuê trọ khó tiếp cận PCCC, dễ trở thành “mồi” cho “bà hỏa”.
Người dân nên... tự cứu mình
Giải đáp thắc mắc của cử tri, đại diện lãnh đạo quận 11 cho biết trước kia, trên địa bàn quận có 9 chung cư xây trước năm 1970 nhưng nay còn 3. Chính quyền địa phương sẽ tổ chức cải tạo lại đường dây điện, vận động bà con di dời bãi đậu xe trong chung cư cũ sang các chung cư mới cạnh đó. Về cây xăng Lan Anh, sắp tới UBND quận 11 sẽ xem xét đưa vào danh sách di dời để bảo đảm an toàn.
Nói về việc có nhiều con hẻm nhỏ khiến công tác chữa cháy trên địa bàn quận 4 gặp khó khăn, một lãnh đạo UBND quận 4 cho biết trên địa bàn có đến 176 trụ bơm nước chữa cháy. Riêng những con hẻm dài hơn 100 m sẽ bố trí 4-5 trụ gần nhất. “Hằng năm, mỗi phường tiếp nhận 30-40 triệu đồng để hỗ trợ công tác chữa cháy tại chỗ” - vị này nói.
Đại tá Trần Thanh Châu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, toàn TP xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm chết 24 người, bị thương 39 người, thiệt hại tài sản gần 400 tỷ đồng.
“Số vụ cháy, số người chết và bị thương, mức thiệt hại về tài sản đang có xu hướng tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu do người dân bất cẩn, chủ quan như quên tắt các thiết bị đun nấu, sử dụng thiết bị điện kém chất lượng...” - ông Châu nhấn mạnh.
Ông Châu cho rằng một trong những biện pháp quan trọng nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ là tới đây, PCCC TP HCM kết hợp với Tổng công ty Điện lực TP tiếp tục cải tạo đường dây điện ở khu dân cư. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra các cơ sở xen cài khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao để xử lý vi phạm, đề nghị di dời. Ông Châu còn nhấn mạnh biện pháp ngăn chặn cháy nổ hiệu quả nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người dân. Người dân nên tự cứu mình bằng cách quan tâm cấp thiết đến sự cố cháy nổ.
Nhiều trụ bơm nước bị hư, mất cắp
Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, Cảnh sát PCCC TP HCM kiến nghị lắp đặt mới và sửa chữa các trụ bơm nước hư hỏng. Theo đơn vị này, trong tổng số 6.221 trụ bơm nước hiện hữu, có rất nhiều trụ đã bị kẻ gian lấy cắp mắt xích, gây hỏng.
Đặc biệt, địa bàn quận Tân Phú có đến 92 trụ bơm không sử dụng được. Nghe báo cáo, đại diện Công ty Cấp nước Sài Gòn cho rằng vẫn chưa nắm được số lượng trụ bơm hỏng cụ thể. “Chúng tôi đã xây dựng nhiều trụ bơm ngầm ở các quận trung tâm TP, sắp tới sẽ cử người rà soát, khắc phục” - đại diện đơn vị này nói.