Bolivia kiện lên LHQ vụ Tổng thống bị 'bắt cóc'
Bolivia cáo buộc Mỹ cố gắng “bắt cóc” Tổng thống Evo Morales đồng thời nộp đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc, cáo buộc một số nước phạm luật khi đóng cửa không phận đối với chuyên cơ chở Tổng thống vì nghi ngờ chở cựu điệp viên CIA Edward Snowden đến Mỹ Latin.
Giới chức Bolivia cho hay, vụ chặn máy bay qua Pháp và Bồ Đào Nha, trước khi hạ cánh ở Vienna, Áo, là một hành động gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế. "Chúng tôi đã đệ một đơn kiện lên Liên Hiệp Quốc và trong vài giờ tới và chúng tôi sẽ đệ một đơn khác lên Ủy ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc", Phó tổng thống Alvaro Garcia khẳng định. Ông Garcia cáo buộc các nước có liên quan trong vụ việc đã vi phạm quyền quốc tế, khiến tính mạng của Tổng thống Morales bị đe dọa.
Trước đó, ông Morales đang bay từ Nga về nước thì chuyên cơ của ông buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống Vienna, Áo, do bị nghi ngờ chở Snowden, người đang bị Mỹ truy nã.
Theo Phó thủ tướng Áo Michael Spindelegger, trước nghi ngờ này, ông Morales kiên quyết phủ nhận để Snowden lên máy bay và tự nguyện cho kiểm tra an ninh. “Dựa trên lời mời này của Bolivia, một đồng nghiệp đã lên máy bay nhìn mọi thứ và xác nhận không có người nào khác ở đó”, ông Spindelegger cho hay.
Tổng thống Morales bước vào máy bay sau khi nó bị buộc hạ cánh xuống Vienna. |
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Bolivia Ruben Saavedra nói rằng, máy bay của ông Morales không bị kiểm tra vì tổng thống từ chối việc nhập cảnh của chính quyền Áo. Chuyên cơ chở tổng thống sau đó rời Vienna, hạ cánh xuống quần đảo Canary của Tây Ban Nha để tiếp nhiên liệu và tiếp tục hành trình đến Bolivia.
Đại sứ Bolivia ở Liên Hiệp Quốc, Sacha Llorenti Soliz, vừa bày tỏ sự phẫn nộ về vụ chặn máy bay. “Không có lý do gì mà một máy bay ngoại giao chở tổng thống lại bị buộc chuyển hướng và hạ cánh xuống một quốc gia khác”, ông Soliz giận dữ và chỉ đích danh Mỹ là người đứng sau vụ dừng máy bay.
Trước đó, một số nguồn tin an ninh của Mỹ và châu Âu cho hay, chính quyền ông Obama từng răn đe các quốc gia nước ngoài rằng, việc cho phép Snowden hạ cánh xuống lãnh thổ của họ có thể làm phương hại nghiêm trọng mối quan hệ với Mỹ.
Cựu điệp viên CIA được cho là vẫn mắc kẹt ở khu vực quá cảnh tại sân bay Nga, trong khi giới chức Mỹ đang cố gắng tóm cổ anh ta kể từ sau vụ tiết lộ về chương trình giám sát thông tin của CIA tháng trước. Hiện Nhà Trắng từ chối bình luận về lời buộc tội của chính quyền Bolivia.
Theo Reuters, sự cố vừa rồi là diễn biến mới nhất làm nóng thêm cuộc tranh cãi về sự cân bằng giữa quyền riêng tư và an ninh quốc gia. Việc tiết lộ chương trình giám sát của Mỹ nhằm vào một số nước châu Âu cũng làm căng thẳng mối quân hệ xuyên Đại Tây Dương.
Giới chức Pháp hôm qua cho hay, các cuộc đàm phán tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ bị tạm hoãn trong 2 tuần, do căng thẳng liên quan đến trường hợp của Snowden và có thông tin cho rằng Washington đang theo dõi 28 nước trong Liên minh châu Âu.
Bình An
Theo Infonet