Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ về tầm nhìn và mục tiêu phát triển trong năm 2020 và xa hơn đến năm 2030. Năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đóng vai trò là Tổ trưởng Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - xã hội, Đại hội Đảng XIII.
Văn kiện trình Đại hội Đảng trọng tâm là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 và chiến lược 10 năm giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phải làm sao khơi dậy được khát vọng dân tộc
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng. Thế và lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều, từ quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế đến tính độc lập và tự chủ ngày càng được nâng cao và cải thiện.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn những rủi ro. Trong khi đó, các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực... để sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp và xa so với yêu cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đặc biệt, ông nhấn mạnh nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu về kinh tế vẫn là thách thức lớn. Cùng với đó, già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia gặp nhiều khó khăn, thách thức; sự chống phá của thế lực thù địch, phản động diễn biến phức tạp; bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Bên cạnh xu thế chủ đạo hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển thì vẫn tồn tại sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn theo hướng ngày càng gay gắt, phức tạp trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu hướng bao trùm trên thế giới.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng dù điều kiện, thế và lực của đất nước cho phép đất nước có những tư duy mạnh dạn hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng bối cảnh quốc tế mới đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới.
Ông nhấn mạnh đây chính là những điểm đáng chú ý trong chiến lược 10 năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 mà tiểu ban kinh tế - xã hội đang chú ý xây dựng. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chính là Tổ trưởng Tổ biên tập của Tiểu ban văn kiện này.
“Phải làm sao để khơi dậy được khát vọng dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”, ông nói.
Các mục tiêu không có khả năng hoàn thành, phải chủ động báo cáo
Nói về năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành tổng kết việc thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và đề ra giải pháp cho giai đoạn 2021-2025.
Cơ quan này sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế để kịp thời tận dụng những cơ hội, tạo tiền đề chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước phát triển lên nấc thang mới.
“Năm 2020, các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương”, ông chia sẻ.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động ban hành các giải pháp, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đối với các mục tiêu không có khả năng hoàn thành, phải chủ động báo cáo và đề xuất với Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời.
Năm 2020, các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đối với các nhóm nhiệm vụ có vai trò quan trọng đối với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhóm nhiệm vụ có tiến độ triển khai chậm hoặc cần có giải pháp thúc đẩy.
Các nhóm nhiệm vụ được ông nêu ra là: Xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021-2030, hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển thị trường với các yếu tố sản xuất, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và các ngành, phát triển kinh tế vùng và đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước…
Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030
Nói về mục tiêu dài hạn đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trước hết, đất nước cần lấy phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế, đổi mới tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả bởi đó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng coi trọng việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế…
Về mục tiêu phát triển, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh Việt Nam cần có thể chế quản lý hiện đại, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ, phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển, sức mạnh toàn dân tộc.
“Có thể đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân khoảng 7% mỗi năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 8.000 USD/người”, ông nói.