Tuyển Trung Quốc khởi đầu vòng loại World Cup 2018 theo cách tệ hại. Họ gục ngã 2-3 trên sân Hàn Quốc. Trận thua này như cái tát vào tham vọng dùng tiền biến Trung Quốc thành cường quốc bóng đá của chính phủ. Vậy mà người Trung Quốc còn chưa tỉnh mộng, họ lạc lối trong sự ảo tưởng.
Từ quê nhà, truyền thông Trung Quốc dửng dưng trước thất bại. Không có bài viết nào chỉ trích màn trình diễn của thầy trò Gao Hongbo. Nhiều diễn đàn bóng đá còn cho rằng Trung Quốc xứng đáng được ca tụng. “Tuyển Trung Quốc đã thua, song, chúng ta nhìn thấy một đội tuyển không biết đầu hàng”.
“Không bao giờ đầu hàng, không bao giờ chấp nhận thất bại là một phần của tuyển Trung Quốc", Phó chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc, Yu Hongchen nói.
Người Trung Quốc luôn nghĩ rằng đội tuyển của họ mạnh hơn những đối thủ khác. |
Những câu chữ đó sặc mùi ảo tưởng. Thất bại vẫn là thất bại. Tinh thần của Trung Quốc vô nghĩa khi sau 90 phút họ trắng tay rời Hàn Quốc và tiếp tục cảm giác sống trong sợ hãi mỗi khi đụng độ đối thủ này. Đã 31 cuộc chạm trán giữa hai đội diễn ra và Trung Quốc mới thắng vỏn vẹn 1 lần. Theo South China Morning Post, dáng dấp tuyển Anh đang phảng phất trong hình hài Trung Quốc.
Lúc 18h35 ngày 6/9, Trung Quốc tiếp Iran trên sân nhà ở loạt trận thứ hai của vòng loại cuối World Cup 2018, khu vực châu Á. Iran đang có 3 điểm nhờ thắng Qatar vòng trước.
Cả hai quốc gia đều tự hào với lịch sử tạo ra môn thể thao vua. Dữ kiện từ FIFA cho thấy, bóng đá bắt nguồn từ Trung Quốc. Người Anh không chấp nhận điều này. Chính họ mới sản sinh ra môn bóng đá và phát triển nó. Khi những tranh cãi còn chưa có hồi kết, khán giả chỉ nhìn thấy những thất bại tủi hổ.
Trên AP, cây bút John Duerden phân tích chương trình phát triển của bóng đá Trung Quốc trong năm 2016 vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan. Con số 400 triệu USD được các CLB tại giải Vô địch Quốc gia Trung Quốc đầu tư cho những bản hợp đồng ngoại chẳng thể biến đội tuyển Trung Quốc thành thế lực mới trong làng túc cầu.
Trung Quốc (áo vàng) chưa có được đẳng cấp như các nước mạnh hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản... |
Còn tuyển Anh, họ mắc kẹt trong cái bẫy kim tiền của bóng đá hiện đại. Giải Premier League vẫn xứng danh sân chơi hấp dẫn nhất hành tinh, là thiên đường kêu gọi mọi ngôi sao khắp thế giới tụ họp. Nhưng với tuyển Anh, họ là nỗi thất vọng đáng xấu hổ. Vòng chung kết Euro 2016, "Tam sư" gục ngã trước Iceland tí hon ngay vòng 1/16.
Nhưng mặc cho những sự thật không thể chối cãi đó, người hâm mộ vẫn luôn nghĩ rằng đội tuyển quốc gia của họ ở một đẳng cấp khác. Người Anh tới Euro 2016 với niềm tin đây là thời của họ, trong khi một biên tập viên thể thao Trung Quốc giải thích nguyên nhân khiến đội tuyển quốc gia luôn chơi tệ vì tư tưởng, trình độ của họ luôn giỏi hơn đối thủ.
Gần đây, những đồng USD được giới chủ Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào thị trường chuyển nhượng đã thay đổi bộ mặt giải Vô địch Quốc gia nước này. Cũng giống như người Anh, họ chi 1,17 tỷ bảng vào các hoạt động mua sắm cầu thủ. Điều này mang đến chất lượng cho hai giải đấu.
Tiền bạc chưa thể giúp bóng đá Trung Quốc "hóa rồng". |
Thế nhưng tiền bạc của Trung Quốc chỉ dụ được những ngoại binh tới châu Á để kiếm một khoản kếch xù, chứ không giúp giải đấu phát triển. Nhiều cầu thủ xem Trung Quốc như nơi quá cảnh để kiếm đầy thu nhập rồi ra đi. Đơn cử như tiền đạo Asamoah Gyan, chỉ đá cho Shanghai SIPG 1 mùa và giờ trở lại Al Ahli. Trước đó có Didier Drogba và Nicolas Anelka.
Sự xuất hiện của ngoại binh khiến nội binh mất suất, từ đó khiến trình độ cầu thủ vẫn giậm chân tại chỗ. Những ngôi sao nước ngoài như dàn lính đánh thuê. Họ tới Trung Quốc, đá cho hết giờ và nhận lương. Không có bất kỳ di sản nào để lại.
Từ thực tế đó, cái trình của đội tuyển Trung Quốc còn lâu mới “hóa rồng”. Và họ chỉ mãi là “hổ giấy”.