Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Mục tiêu giúp địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương căn cứ hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, dựa trên tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị kinh doanh, sản xuất xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Ngành y tế đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo ban quản lý khu công nghiệp, UBND cấp huyện hoặc các cơ quan liên quan thống nhất kế hoạch, phương án phòng, chống dịch của các đơn vị trên địa bàn. Bộ Y tế nhấn mạnh đến mục tiêu đảm bảo vừa an toàn phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.
"Các địa phương cần giám sát việc chống dịch tại đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tránh tình trạng chồng chéo, không để nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh", Bộ Y tế đề nghị.
Về vấn đề vận chuyển hàng hóa, Bộ Y tế cho rằng đã có hướng dẫn cụ thể (Công văn 5753 ngày 19/7 và Công văn 5886 ngày 22/7). Do đó, các địa phương làm đúng hướng dẫn, đảm bảo không xảy ra tình trạng gây ùn tắc và tạo điều kiện cho đơn vị vận chuyển hàng hóa.
Về vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế cũng cho biết đã có hướng dẫn từ ngày 5/6, do đó các địa phương cần chỉ đạo sở y tế làm đúng hướng dẫn.
Cụ thể, cần xét nghiệm sàng lọc hàng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc Covid-19. Ngoài ra, cần xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc Covid-19.
Trước đó, Bộ Công Thương đã gửi tới Bộ Y tế và các bên liên quan văn bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch.
Trong đó có nhiều kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn trong triển khai "3 tại chỗ" - nghĩa là ăn, ngủ và làm việc tại chỗ. Theo nhận định, sau thời gian triển khai "3 tại chỗ" đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng, chi phí thực hiện, quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, đồng bộ...
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có hướng dẫn để thay đổi cách thức sản xuất, vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh.