Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương: Áp dụng phương pháp '3 tại chỗ' ở phía Nam có bất cập

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng "3 tại chỗ" vẫn là một phương thức sản xuất tốt, nhưng có những bất cập khi được áp dụng ở các tỉnh phía Nam.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11/8, Bộ Tài chính nhận được câu hỏi về thời gian mở lại hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) sau khi đã dừng vì dịch Covid-19. Các Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được câu hỏi về phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, phương án giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, HoSE đang triển khai nhiều biện pháp để sớm quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, lãnh đạo HoSE có báo cáo rằng tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp. Trong đó, ngay trong Sở giao dịch chứng khoán cũng phát hiện ca bệnh.

“Do đó, việc triển khai hoạt động trở lại đang chậm lại. Chúng tôi sẽ cố gắng để HoSE sớm giao dịch trở lại. Hy vọng là trong tháng 8 này”, ông Chi nói.

hop bao chinh phu thuong ky thang 7 anh 1

Sau khi phát hiện một số ca dương tính Covid-19, sáng 9/8, HoSE tạm dừng mọi hoạt động tiếp khách và làm việc trực tiếp. Ảnh minh họa: HH.

Sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế

Trả lời báo chí về gói hỗ trợ thuế mà Bộ Tài chính đang xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ đang lấy ý kiến để hoàn thiện đề cương dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong quý III và quý IV thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế. Tiền thuê đất cũng dự kiến giảm 30%.

Ngoài ra, dự thảo đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh các dịch vụ như vận tải, lưu trú ăn uống, du lịch, giải trí…

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. “Chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sớm nhất”, ông Chi nói.

Đã kiến nghị sửa phương thức "3 tại chỗ"

Cũng tại buổi họp báo, Zing đặt câu hỏi với Bộ Công Thương về việc thay đổi phương thức sản xuất "3 tại chỗ".

"Hiện tại nhiều doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị sửa đổi phương thức sản xuất '3 tại chỗ' để khả thi hơn và dễ áp dụng hơn. Xin hỏi Chính phủ có giải pháp nào để thay đổi và tháo gỡ phương án '3 tại chỗ', sớm giúp doanh nghiệp trở lại hoạt động?", câu hỏi nêu.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói rằng đây vẫn là một phương thức sản xuất tốt. Tuy nhiên, ông chỉ ra một số khó khăn trong việc áp dụng phương thức này tại các tỉnh phía Nam.

Thứ nhất, ông cho rằng phương án này được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng ở các tỉnh phía Nam có những bất cập, vì phương thức này chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Đặc điểm khu công nghiệp phía Bắc ít người hơn, còn ở phía Nam đông hơn... Nếu áp dụng sản xuất lâu dài còn ảnh hưởng đến tâm lý công nhân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

“Đặc điểm khu công nghiệp phía Bắc ít người hơn, còn ở phía Nam đông hơn. Còn ở miền Nam người lao động còn rất nhiều tỉnh khác nhau. Nếu áp dụng sản xuất lâu dài còn ảnh hưởng đến tâm lý công nhân”, ông Hải nói.

Ông cũng cho biết tại TP.HCM và 19 tỉnh phía Nam, chuỗi cung ứng, logistics, vận tải bị đứt gãy sớm do dịch nên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra, chi phí thực hiện phương thức sản xuất này khá cao.

Từ đó, ông Hải cho biết Bộ Công Thương đã gửi đề xuất sang Bộ Y tế để bàn cách tháo gỡ phương thức sản xuất này. Trong đó có nhấn mạnh đến việc đưa ra điều kiện sản xuất để doanh nghiệp dễ thực hiện hơn.

“Chúng tôi cũng có đề xuất kiến nghị sửa đổi về điều kiện sản xuất, trong điều kiện có việc nếu phát hiện F0 thì phải thực hiện thế nào, quy định ra sao”, ông Hải chia sẻ.

Sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương

Tại buổi họp báo, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được câu hỏi về chính sách lãi suất, tiền tệ trong bối cảnh hiện nay, để chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trả lời về chính sách tiền tệ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết các ngân hàng thương mại đã vào cuộc tích cực để hạ lãi suất cho vay. Toàn hệ thống, mức giảm đã đạt 1,2-1,5% so với lãi suất trước đó. Bảy tháng đầu năm, lãi suất giảm thêm 0,5% nữa.

Trước tình hình khó khăn tại miền Nam, việc giảm lãi suất là rất quan trọng là thiết thực. Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất, bằng cách tiết giảm chi phí và chia sẻ lợi nhuận.

Hiện tại 16 ngân hàng thương mại quy mô lớn nhất đã đồng thuận tiếp tục giảm cho các đối tượng. Các ngân hàng cam kết lãi suất giảm thêm tương đương số tiền 20.300 tỷ đồng.

hop bao chinh phu thuong ky thang 7 anh 2

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: Thắng Hiếu.

"Đây không phải là gói mà là các ngân hàng thương mại công bố giảm, tùy theo quy mô và điều kiện của mỗi nhà băng", ông Tú nói.

Bốn ngân hàng có vốn Nhà nước cũng đã thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đồng thuận và giảm thêm mỗi ngân hàng giảm tương đương tiền 1.000 tỷ đồng tại những tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16, đặc biệt là Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Các ngân hàng cũng cam kết giảm phí dịch vụ ngân hàng.

"Chúng tôi cho rằng điều này rất thiết thực. Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát cam kết giảm của các ngân hàng", ông Tú chia sẻ.

Bộ Công Thương gửi kiến nghị tháo gỡ sản xuất '3 tại chỗ'

Bộ Công Thương dẫn kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cho rằng cần bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ "3 tại chỗ", trong đó có điều kiện để lao động được về nhà.

Doanh nghiệp phía Nam lo mất đơn hàng khi dừng hoạt động kéo dài

Nhiều doanh nghiệp lớn thuộc các ngành xuất khẩu chủ lực đang phải cố gắng duy trì sản xuất với "3 tại chỗ". Số khác tạm dừng sản xuất, nguy cơ mất các đơn hàng.

Thuận Hiếu

Bạn có thể quan tâm