Chiều 19/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, đã có chuyến công tác tại TP.HCM và làm việc với lãnh đạo của thành phố về vấn đề vaccine.
Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết tổng số vaccine tích lũy được phân về phía nam sau 12 đợt là 2 triệu liều. Số vaccine do Viện Pasteur quản lý.
Tiêm vaccine đợt 5 từ 21/7
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết để chuẩn bị cho đợt tiêm vaccine thứ 5, TP.HCM đã được phân bổ hơn 930.000 liều vaccine. Trong đó, 235.000 liều Moderna; gần 55.000 liều Pfizer; 19.000 liều Sinopharm. Số còn lại là AstraZeneca.
Các bệnh viện sẽ tập trung tiêm cho 2 đối tượng là người già trên 65 tuổi và người có bệnh nền, cụ thể là bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì (có chỉ số BMI lớn hơn 30).
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thu Hằng. |
Thành phố đang sử dụng hệ thống phần mềm quốc gia để tạo cơ sở dữ liệu của người tiêm vaccine, hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký. Tuy nhiên, trong số này, thành phố ưu tiên cho người già, bệnh mạn tính, người nguy cơ cao như người nghèo, người giao thương, giao dịch nhiều như làm công tác vận chuyển, giao hàng...
Việc tiêm được tổ chức đồng loạt tại các quận, huyện, TP với 2 điểm tiêm trên 312 phường, xã. Như vậy là 624 điểm tiêm và 20 bệnh viện. Thành phố cũng tổ chức hơn 100 xe cấp cứu để xử lý các sự cố.
Trước mắt, ông Đức cho biết thành phố sẽ vận hành 615 điểm tiêm do một số điểm nằm trong khu vực phong tỏa. Ngay sau khi giải tỏa, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm cho người dân để đảm bảo an toàn.
Các quận, huyện, TP sẽ vừa theo dõi, vừa rút kinh nghiệm để triển khai đồng loạt ở các địa điểm. Trong chiều 20/7, vaccine và danh sách đối tượng tiêm đã được chuyển đến các địa phương để triển khai.
Ông Đức cho biết thành phố sẽ có giai đoạn vận hành thử nghiệm trong 2 ngày, sau đó sẽ tăng tốc từ từ cả hệ thống với mục tiêm tiêm hết 930.000 liều vaccine trong 2 tuần.
Phó chủ tịch cho biết thành phố sẽ tiêm với tốc độ vừa phải vì thành phố đang tổ chức giãn cách theo Chỉ thị 16, tránh tuyệt đối tụ tập đông người.
Ưu tiên tối đa cho TP.HCM
Về khó khăn, ông Đức cho hay các đối tượng trên 65 tuổi chưa được liệt kê đầy đủ danh sách. Theo thống kê, thành phố có khoảng 650.000 người thuộc nhóm này và dự kiến tiêm trong đợt 5, đợt 6, phấn đấu hoàn thiện trong thời gian sớm nhất có thể.
Lãnh đạo TP.HCM chia sẻ hiện thành phố đang bị động trong việc lên kế hoạch tiêm do chưa nắm bắt được số lượng và loại vaccine mà Bộ Y tế sẽ phân bổ. Ông đề xuất Bộ thông tin ban đầu về số vaccine có thể phân cho thành phố cuối tháng 7, đầu tháng 8 để thành phố có thể tổ chức tiêm liên tục.
Trong 1-2 ngày tới, TP.HCM sẽ tập trung tiêm 100.000 liều vaccine AstraZeneca đang lưu trữ trong kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và phối hợp với Viện Pasteur để thực hiện theo lộ trình.
Hiện, mục tiêu mỗi điểm tiêm sẽ tiêm cho 120 người/ngày để đảm bảo "không quá vội vàng", gây tập trung đông người trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16. Sau đó, thành phố sẽ điều chỉnh tăng lên theo khuyến cáo của Bộ Y tế là tối đa 200 người/ngày/điểm tiêm.
Tại buổi họp, Bộ Y tế và TP.HCM thống nhất quan điểm "không tiêm theo vùng mà tiêm theo đối tượng".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc với TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định TP.HCM đang là nơi chống dịch căng thẳng nhất. Đây cũng là đầu cầu kinh tế nên ông đề nghị Bộ Y tế cố gắng tính toán để ưu tiên phân bổ vaccine cho TP.HCM.
Bộ Y tế thông tin đến hết tháng 8, đầu tháng 9, Bộ Y tế sẽ cố gắng phân bổ khoảng 5 triệu liều vaccine cho thành phố để có thể tiêm cho 50% đối tượng tiêm. Bộ cũng đề nghị không phân biệt các loại vaccine.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ mỗi ngày thực hiện Chỉ thị 16 tại thành phố là "một ngày đau đớn" nên thành phố đang rất khẩn trương. Về vấn đề tiêm vaccine, dù nguồn vaccine đến từ từ nhưng ông khẳng định thành phố cũng sẽ tiến hành khẩn trương, không phân biệt loại vaccine nào.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị trong đợt tiêm này, ngoài tuyến đầu chống dịch, thành phố sẽ tiêm vaccine cho người thân của các y bác sĩ để lực lượng này yên tâm chiến đấu. Bên cạnh đó, nhóm người có nguy cơ cao, dễ tử vong cũng cần ưu tiên tiêm trước. Đại diện Bộ Y tế và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất với đề nghị này của Bí thư TP.HCM.
TP.HCM đang chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng vaccine đợt 5. Ảnh: Chí Hùng. |
Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
Sau 10 ngày áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Ngày 18/7, TP.HCM ghi nhận kỷ lục mới với 4.692 ca nhiễm trong ngày. Từ 27/4 đến tối 20/7, TP.HCM ghi nhận 37.787 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.