Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế chưa có kế hoạch rút lực lượng khỏi TP.HCM

"Chúng tôi chưa có kế hoạch rút quân khỏi TP.HCM nên người dân yên tâm, lực lượng y tế đã vào, đã làm thì sẽ làm hết trách nhiệm", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Chiều 9/9, TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP và lần đầu tiên có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Hôm nay là ngày thứ 18 TP.HCM thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11, Công điện 1099 của Thủ tướng.

Khó khăn của y bác sĩ

Vấn đề đầu tiên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề cập là tình trạng khó khăn của nhân viên y tế tuyến đầu và sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Ông cho biết tình hình dịch tại TP.HCM rất phức tạp, khó lường.

TP.HCM đã huy động gần 20.000 cán bộ, nhân viên y tế trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh thì lực lượng y tế từ Trung ương, địa phương và tư nhân đã tham gia vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM hơn 100 ngày qua.

Ông Sơn khẳng định ngay từ những ngày đầu hỗ trợ, lực lượng tuyến đầu đã được quan tâm, bố trí chỗ ăn, ngủ, đảm bảo các yêu cầu về sinh hoạt.

Hiện, lực lượng hỗ trợ TP.HCM thời gian qua gần 6.700 người. Các lực lượng này tham gia vào bệnh viện tầng 3, tầng 2, lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vaccine. Đây là sự huy động có lẽ lớn nhất từ trước tới giờ của ngành y tế.

Những "chiến sĩ áo trắng" khi thực hiện công việc ngoài sự phân công cũng mong muốn, tự nguyện hỗ trợ người dân TP.HCM chung tay vượt qua đại dịch.

"Các đồng nghiệp của tôi chấp nhận điều kiện hơi khó khăn, việc không hợp về phong vị vùng miền, đôi chút khó khăn trong ăn ở. Nhưng đây không phải trở ngại lớn với các đồng nghiệp của tôi", ông nói.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Thu Hằng.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết một số trường hợp đơn lẻ gặp khó khăn thì Bộ cũng có bộ phận đi kiểm tra cùng TP.HCM để xem lại điều kiện khó khăn, vấn đề nào cần theo dõi, xử lý. Bộ thường xuyên trao đổi với Ban Chỉ đạo của TP.HCM thông qua văn bản không chính thức.

Ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định luôn khuyến khích để đồng nghiệp làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong quá trình làm việc luôn có trao đổi hai chiều giữa trưởng nhóm và các nhân viên. Bất kỳ ý kiến nào cũng được ghi nhận, xử lý trách nhiệm, nghiêm túc.

"Tuy nhiên, trong quá trình làm việc có hơn 7.000 người nên đâu đó không thể giải quyết hết mong mỏi của đồng nghiệp. Chúng tôi khẳng định với cơ quan thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, với TP.HCM, và các đơn vị hỗ trợ luôn chung mục đích. Cố gắng hài hòa quyền lợi của anh em để vượt qua đại dịch", ông nói.

Ông khẳng định các lực lượng đang hỗ trợ TP.HCM tiếp tục và từ nay đến sau 15/9, Bộ không có ý định rút bất kỳ lực lượng nào khỏi TP.HCM. Nếu có đơn vị yêu cầu chuyển đổi thì Bộ yêu cầu rút bao nhiêu phải chuyển vào bấy nhiêu và có thời gian "gối đầu" để làm quen.

"Chúng tôi chưa có kế hoạch rút quân khỏi TP.HCM nên người dân yên tâm lực lượng y tế đã vào, đã làm thì sẽ làm hết trách nhiệm", ông nói.

Có trường hợp bác sĩ tự ý bỏ việc

Vấn đề tiếp theo được ông Sơn thông tin tại họp báo là về Công văn 7330 ngày 4/9 của Bộ Y tế quy định kỷ luật y bác sĩ nếu “tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề”.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thời gian qua, một số đơn vị y tế trên cả nước có hiện tượng từ chối bệnh nhân dẫn đến tình trạng người bệnh gặp tổn thất về sinh mạng cũng như gia đình.

Đứng trước tình hình dịch phức tạp, khó lường, các trường hợp diễn biến nặng, tử vong nhiều nên thời gian đầu, do sức ép về tâm lý có một số trường hợp chịu không nổi, tự ý bỏ việc. Ông Sơn cho hay công văn của Bộ Y tế không nhấn mạnh việc kỷ luật y bác sĩ.

“Trên trận chiến, có những chiến sĩ bình thường, có người dũng cảm, nhưng cũng có người quay đầu. Công văn này chỉ mong muốn đội ngũ y tế cùng chung sức, sớm đạt thắng lợi”, ông nói.

Việc kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính không phải vấn đề đặt nặng của công văn nêu trên. Ông Sơn mong người dân thấu hiểu để vượt qua giai đoạn này.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 2

Các bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai vận hành. Ảnh: Chí Hùng.

GS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết chính sách chăm lo tuyến đầu chống dịch đã và đang được thực hiện xuyên suốt. Theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, có 2 nghị quyết được ban hành liên quan đến phụ cấp hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu.

Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 37, về một số chế độ đặc thù, các đối tượng được hưởng tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày. Thời điểm đó, TP.HCM cũng có Nghị quyết 02 về việc nâng mức tiền ăn của lực lượng tham gia chống dịch lên 120.000 đồng/người/ngày.

Đối với Nghị quyết 16 về chi phí cách ly y tế và một số chế độ đặc thù, nghị quyết cũng quy định các đối tượng được hưởng tiền ăn 80.000 đồng/ngày. Theo đó, thành phố tiếp tục ban hành Nghị quyết 09, mở rộng thêm một số đối tượng được nhận hỗ trợ, đồng thời nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 120.000 đồng/người/ngày.

Về chế độ lưu trú, chế độ dành cho lực lượng y tế, y bác sĩ nhằm tránh trường hợp lây nhiễm cho người nhà của lực lượng này. Chế độ này đã được áp dụng dựa vào chi phí thực tế phát sinh và các định mức tại các quận và TP Thủ Đức không quá 450.000 đồng/người/ngày, cấp huyện không quá 350.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, với những cơ sở y tế công lập, bệnh viện chuyển đổi công năng, thành phố bảo đảm các chế độ hưởng lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm, trên tinh thần không giảm.

5/60 bệnh viện phản ánh về suất ăn

Nói về vấn đề chất lượng thực phẩm cho y bác sĩ, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết đơn vị luôn có kế hoạch kiểm tra, can thiệp kịp thời để giải quyết nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, một số nhà cung cấp đuối sức sau nhiều đợt dịch và cảm thấy không đủ khả năng cung cấp suất ăn cho khu cách ly, bệnh viện dã chiến nên xin rút. Do đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã báo cáo với Sở Công Thương về các đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp để thay thế.

"Các doanh nghiệp cung ứng suất ăn hiện gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nửa số doanh nghiệp này đã đóng cửa vì không chịu được kinh phí theo yêu cầu 3 tại chỗ", bà Lan nói và cho rằng phải ghi nhận nỗ lực của các đơn vị.

Bà Lan cho biết nhân viên y tế và người bệnh đều trông mong vào chất lượng các bữa ăn. Sau 4 đợt dịch, TP.HCM vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm trong bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Đây là nỗ lực rất lớn và cần được ghi nhận.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 3

Một số đơn vị phản ánh về chất lượng và khẩu vị của bữa ăn dành cho nhân viên y tế. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo báo cáo mới nhất, khi khảo sát 60 bệnh viện thì có 5 đơn vị không hài lòng với bữa ăn, tập trung vào khẩu vị chưa vừa miệng, thức ăn bị nguội, khó ăn… Không có phản ánh thức ăn bị thiu hay mất an toàn.

"Thật ra, chúng tôi không thể kiểm tra suất ăn khi nhân viên y tế đang sử dụng. Nhưng lúc kiểm tra tại nguồn, lực lượng thanh tra kịp thời góp ý với nhà cung ứng khi thấy có yếu tố nguy cơ", bà Lan nói.

Với vấn đề đã đặt ra, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đang tiến hành một số biện pháp chấn chỉnh. Thứ nhất, những vấn đề thuộc khẩu vị, bữa ăn nguội lạnh… thì đề nghị các công ty bàn bạc với bệnh viện để phối hợp, thống nhất. Ví dụ, Bệnh viện thu dung số 1 và 11, đoàn Quảng Nam và đoàn miền Bắc có góp ý về khẩu vị thì sẽ phải tăng cường món miền Bắc và miền Trung.

Về việc thức ăn đến với nhân viên y tế bị nguội thì cần phải bàn bạc lại khung giờ. Ví dụ, suất ăn giao 11h nhưng bác sĩ 14h mới ăn nên đồ ăn nguội. Do đó, các bệnh viện cần có khu riêng để thức ăn, trang bị thêm lò vi sóng để bác sĩ hâm nóng lại thức ăn.

Bên cạnh đó, trường hợp nhân viên y tế không may thành F0 và phải ăn suất của bệnh nhân. Theo quy định, có sự chênh lệch giữa suất ăn của nhân viên y tế (120.000 đồng/ngày) và bệnh nhân (80.000 đồng/ngày). Bà Lan cho rằng cần có điều chỉnh để tiếp tục áp dụng suất ăn của nhân viên y tế cho trường hợp nhân viên không may thành bệnh nhân.

Bà Lan chia sẻ doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như chi phí vận chuyển, xét nghiệm, nguyên liệu. Cách đơn giản nhất là đề nghị tăng chất lượng suất ăn cho nhân viên y tế và bệnh nhân. TP đã đồng ý chủ trương và hy vọng sẽ sớm khắc phục trong thời gian ngắn nhất để tình hình sớm được cải thiện.

Lượng dự trữ nguyên liệu làm đồ khô còn rất lớn

Thông tin về tình trạng nguồn cung mì gói, miến khô, đồ hộp, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết thời gian qua, hệ thống phân phối chủ yếu tập trung hàng hóa, thực phẩm tươi sống nên tới khi nguồn cung thực phẩm tươi sống tương đối ổn thì thực phẩm chế biến có vấn đề.

Lý do là nhà cung cấp, kho trung chuyển, nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc thực hiện "3 tại chỗ" kéo dài, dẫn đến công suất giảm. Ngoài ra, kho của lực lượng cung ứng không thuộc thành phần được cấp giấy đi đường nên gặp khó khăn.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 4

Sở Công Thương TP.HCM cho biết lượng dự trữ nguyên liệu để làm đồ khô hiện nay còn rất lớn. Ảnh: C.H.

Qua làm việc với Hội Lương thực, Thực phẩm và đơn vị cung ứng, Sở Công Thương thấy rằng việc sản xuất mì gói, miến khô… chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu là bột mì. Lượng dự trữ hiện nay còn rất lớn. Sản phẩm ở các kho trung chuyển của các đơn vị còn rất nhiều.

Sở Công Thương đang rà soát lại hệ thống phân phối để hỗ trợ nhà cung cấp hệ thống này có thêm giấy đi đường, hoạt động ở kho nhằm cung ứng kịp thời hàng hóa.

Ông Phương cho biết thêm dây chuyền sản xuất xúc xích, đồ hộp của Vissan đã hoạt động trở lại. Sở Công Thương đang cố gắng cùng Vissan giải quyết khó khăn, nâng công suất lên 100% để tăng nguồn cung.

Sở cũng đang làm việc với Hội Lương thực, Thực phẩm để cố gắng sản xuất ổn định các mặt hàng này nhằm có nguồn cung lâu dài.

TP.HCM đã tiêm hơn 7 triệu liều vaccine

Tính đến 18h ngày 8/9, TP.HCM có 273.674 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện, TP.HCM điều trị 40.304 bệnh nhân, trong đó 2.727 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.793 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 8/9, TP.HCM có 3.116 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 140.324 ca, 203 trường hợp tử vong trong ngày. Tổng số ca tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 11.409.

Từ 18h ngày 7/9 đến 18h ngày 8/9, TP.HCM đã lấy 437.683 mẫu xét nghiệm, trong đó có 7.018 mẫu PCR đơn, 10.886 mẫu PCR gộp; và 329.542 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến ngày 8/9 là 7.071.865. Trong đó, số mũi 1 là 6.246.613, mũi 2 là 825.252. Số người được tiêm trên 65 tuổi, có bệnh nền là 775.140 người.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 5

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dự họp báo định kỳ tại TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

TP.HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội các mức độ. Từ ngày 23/8, TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó".

Ngày 7/9, TP.HCM ban hành văn bản cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.

Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động chỉ trong phạm vi quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày.

TP.HCM cần cơ chế đặc thù để phục hồi sau giãn cách

“Phục hồi kinh tế TP.HCM sẽ tạo tác động kéo cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển, tăng đóng góp cho ngân sách quốc gia”, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nhận định.

Thai phụ, người già có bệnh nền cần khám kỹ khi tiêm Vero Cell

Lãnh đạo HCDC cho biết vaccine Vero Cell có thể tiêm cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên, riêng thai phụ, người già có bệnh nền cần lưu ý theo dõi trong quá trình tiêm ngừa.

Bí thư TP.HCM: Chiến đấu để sớm 'giải tán' Bệnh viện Hồi sức Covid-19

Thăm Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức), ông Nguyễn Văn Nên đánh giá việc kéo giảm tỷ lệ tử vong gần 50% là nỗ lực rất lớn, rất đáng trân trọng.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm