Nhiều người từ bỏ các trận đấu World Cup quá muộn. Ảnh: chronobiology. |
Đã hơn một tuần qua, kể từ sau ngày khai mạc của World Cup 2022, cứ tới sát 23h - khung thời gian phát sóng trận đấu thứ 3 mỗi tối thuộc vòng bảng, Hoàng Tùng Lâm (25 tuổi, trú tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) lại đắn đo với chiếc điều khiển TV trên tay.
“Tôi cứ phải tự hỏi trận này liệu có hay không, đội tuyển thi đấu hôm đó là quốc gia nào rồi mới quyết định xem. Dù rất muốn, nếu xem, tôi sẽ phải chấp nhận thức tới 1h và khá mệt khi thức dậy đi làm sáng hôm sau”, Lâm tâm sự.
Đánh đổi khi “sống cùng” World Cup
Theo quy định về thời gian làm việc của công ty, Lâm thường phải có mặt trước 8h để check-in bằng gương mặt. Thời gian di chuyển từ nhà tới công ty của Lâm tại quận Cầu Giấy, với mật độ giao thông của Hà Nội, có thể lên tới khoảng 30 phút.
Điều này đồng nghĩa Lâm phải thức dậy từ khoảng 6h-6h30 để chuẩn bị mọi thứ trước khi đi làm. Nếu quyết định xem trận đấu lúc 23h, Lâm sẽ chỉ có khoảng 5 giờ để ngủ.
Vốn thích bóng đá, Lâm coi World Cup là một sự kiện đặc biệt và thường xuyên theo dõi diễn biến giải đấu dù công việc bận rộn. Ảnh: NVCC. |
“Tôi bắt đầu nhận ra vấn đề khi từng có một sáng trong tuần trước, tôi không thể tỉnh táo làm việc và đành phải chợp mắt vài phút giữa văn phòng. Dù vậy, cảm giác vẫn rất mệt mỏi khi tỉnh dậy”, Lâm nói.
Lần tiếp theo, nam thanh niên này cố gắng giữ bản thân tỉnh táo làm việc bằng cà phê. Tuy nhiên, vấn đề vẫn không cải thiện. Cà phê thậm chí còn khiến Lâm nôn nao song song với tình trạng uể oải sẵn có.
Hai ngày làm việc thiếu hiệu quả cùng cảm giác mệt mỏi kéo dài khiến Lâm cân nhắc nhiều hơn với các trận đấu muộn. Đặc biệt với những trận đấu thứ 4 trong ngày lúc 2h đêm, anh tuyệt nhiên từ bỏ hoàn toàn.
“Trận đấu tôi tiếc nuối nhất tính đến thời điểm này là trận giữa Đức và Tây Ban Nha. Dù biết trước rằng trận đấu sẽ diễn ra rất hấp dẫn, tôi cũng chỉ có thể xem highlight vào sáng hôm sau. Khi xem lại, tôi càng tiếc hơn. Dù sao cũng không có cách nào khác”, Lâm chia sẻ.
Cũng như Lâm, anh Nguyễn Thanh Ngọc (32 tuổi, ngụ Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận mình là một người hâm mộ nhiệt thành của bóng dá. Với anh, World Cup là dịp rất đặc biệt để theo dõi bóng đá cùng bạn bè, tạm tránh những áp lực từ công việc, gia đình.
“Ở vòng bảng, một ngày có tới 4 trận đấu bóng đá diễn ra với 4 khung giờ khác nhau khiến tôi rất hào hứng. Với các trận đấu lúc 17h hay 20h, tôi thường cùng bạn bè hoặc đồng nghiệp ăn uống tại các quán có màn hình lớn để theo dõi. Trở về nhà, tôi lại có thể tiếp tục xem trận đấu lúc 23h sau khi tắm rửa”, anh Ngọc chia sẻ lịch trình của mình trong mùa World Cup.
Tuy nhiên, người đàn ông này cũng tỏ ra nuối tiếc khi phải bỏ lỡ hầu hết trận đấu diễn ra vào khung 2h đêm do vấn đề sức khỏe.
Anh nói: “Tôi từng được bác sĩ chẩn đoán viêm đại tràng mạn tính. Một trong những yêu cầu là phải ngủ đủ giấc, đúng giờ. Thực tế là hiện nay, khi có tuổi, tôi cũng thường thấy mệt nhiều hơn sau mỗi lần phải thức đêm, khác so với thời điểm cách đây khoảng 5-7 năm, tôi thậm chí có thể đi làm, chơi thể thao như thường dù chỉ ngủ khoảng 2-3 giờ/ngày”.
Giá trị của đồng hồ sinh học
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cho rằng việc cân nhắc khi thức quá khuya để xem bóng đá là điều nên làm, dù biết rằng World Cup chỉ tổ chức một lần mỗi 4 năm.
Vị chuyên gia giải thích: “Việc thức quá khuya và dậy muộn có thể làm sai lệch đồng hồ sinh học của cơ thể. Về lâu dài, tình trạng này này sẽ dẫn đến Hội chứng Rối loạn Giấc ngủ bị trì hoãn (DSPS - Delayed Sleep Phase Syndrome)”.
Cụ thể, hội chứng này gây gián đoạn nhịp sinh học, ức chế khả năng hoạt động đúng đắn, hiệu quả của một người trong cuộc sống hàng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng. Ảnh: NVCC. |
BS Hoàng cho hay biểu hiện của tình trạng rối loạn này là người bệnh khó thức dậy để chuẩn bị cho các thói quen hàng ngày như đi học hoặc đi làm.
Các chuyên gia ước tính ngày nay có khoảng 60-70% thanh thiếu niên mắc chứng DSPS. Hội chứng DSPS ngày càng phổ biến trong văn hóa hiện đại và có nguy cơ trở thành một hội chứng lâm sàng nghiêm trọng.
Mặt khác, một số người dù thức muộn vẫn phải dậy sớm như trường hợp của Lâm cũng mang tới nguy cơ về vấn đề thiếu ngủ.
BS Hoàng cho rằng tình trạng thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, hệ thần kinh không được nghỉ ngơi, hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể suy giảm, từ đó giảm hiệu quả làm việc.
“Trên thực tế, khá nhiều người mất ngủ xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, suy giảm trí nhớ…”, vị chuyên gia thông tin.
BS Hoàng cũng cảnh báo tình trạng mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến stress, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này ở những người đã có vấn đề trước đó.
Thức quá khuya trong kỳ World Cup có thể ảnh hưởng tới thể trạng trong ngày. Ảnh minh họa: tim_gouw. |
Cùng quan điểm, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho hay 80% dân số trưởng thành cần ngủ khoảng 7-9 tiếng mỗi ngày. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết để cơ thể hồi phục và duy trì sức khỏe.
“Tuy nhiên, các trận đấu World Cup diễn ra vào đêm muộn có thể rút ngắn thời gian ngủ của chúng ta khoảng 2 giờ, thậm chí 4 giờ nếu xem 2 trận liên tiếp. Chưa kể trường hợp chúng ta không thể ngủ được dễ dàng ở thời điểm đó và trằn trọc cho đến sáng”, vị chuyên gia nói.
Theo TS Sơn, nhịp sinh học của cơ thể như một chiếc đồng hồ sinh học, điều chỉnh mọi hoạt động, quá trình liên quan việc sản sinh hormone. Điều này có nghĩa nhịp sinh học được tuân thủ, hoạt động của hormone sẽ hiệu quả hơn, giúp cơ thể tỉnh táo, khỏe mạnh.
Việc ngủ không đúng giờ sinh học sẽ vô tình phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể, từ đó làm cho các hoạt động nội tiết bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng đồng hồ sinh học bị rối loạn kéo dài chính là nguyên nhân khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, thường xuyên mệt mỏi, giảm sức đề kháng…
Trong khi đó, TS Sơn khuyến cáo việc thức khuya ngủ muộn xem bóng đá nhưng vẫn phải dậy sớm đi làm sẽ khiến chúng ta bị thiếu ngủ. Sau vài ngày hoặc một tuần, cơ thể có thể quen với lịch trình này nhưng các chức năng thông thường dễ bị suy giảm.
Một số nguy cơ có thể nhắc tới bao gồm tăng nguy cơ gặp tai nạn, giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ, tăng huyết áp, giảm nhu cầu tình dục, tâm trạng thay đổi, lão hóa, tăng cân, thay đổi chức năng miễn dịch…