Trong tài liệu phục vụ Hội nghị toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Chính phủ dự kiến tổ chức ngày 17/2, Bộ Xây dựng cho biết thị trường dù đã có những chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần được tập trung tháo gỡ.
Hàng loạt khó khăn
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nghiêng về phân khúc trung và cao cấp, thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp. Riêng cơ cấu sản phẩm bình dân giảm dần từ mức 20% năm 2019 xuống dưới 5% trong năm qua. Trong khi đó, lượng giao dịch trong các quý không ổn định, giảm mạnh trong nửa cuối năm.
Bộ Xây dựng cho biết nguồn cung nhà ở ngày càng khan hiếm với cơ cấu chưa phù hợp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Liên quan đến nguồn vốn của doanh nghiệp, cơ quan này trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến 31/12/2022 là gần 800.000 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu riêng lẻ đến 25/12/2022 đạt trên 400.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn FDI vào bất động sản trong năm qua cũng tăng 1,85 tỷ USD, tức hơn 70% so với năm 2021, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng các doanh nghiệp đang rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Trong khi đó, lãi suất, tỷ giá ngoại tệ lẫn giá cả nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Doanh nghiệp cũng không bán được sản phẩm. Thực trạng này khiến nhiều đơn vị phải thu hẹp quy mô, tinh giản bộ máy cũng như hoãn đầu tư, thi công một số dự án.
"Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề và ảnh hưởng đến an sinh xã hội", báo cáo nêu rõ.
Cũng theo Bộ Xây dựng, qua làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, Tổ công tác của Thủ tướng đã ghi nhận rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai gặp khó khăn, vướng mắc hoặc phải dừng triển khai. Những nguyên nhân điển hình liên quan đến thể chế, quy định pháp luật; nguồn vốn; tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương và sự lan truyền các thông tin tiêu cực.
Những giải pháp hướng đến phát triển thị trường lành mạnh, bền vững
Trong bối cảnh này, Bộ Xây dựng kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán...
Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, Nghị định quy định trình tự, thủ tục triển khai các dự án và trình Chính phủ xem xét thông qua các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Bộ Xây dựng kiến nghị sớm hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đặc biệt, Bộ đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục giao đất, phát triển quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư, quyền lợi của chủ đầu tư, xác định giá bán, giá cho thuê, cũng như đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
"Đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây)", Bộ Xây dựng nêu.
Về nguồn vốn, cơ quan này kiến nghị hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường. Đặc biệt, nới trần tín dụng phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng và có biện pháp giảm lãi suất cho vay.
Bộ Xây dựng đồng thời đề xuất tạo điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn (bao gồm phát hành trái phiếu) trên thị trường chứng khoán.
Mặt khác, ở từng địa phương, Bộ kiến nghị nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ nhằm khắc phục tâm lý sợ sai. Bên cạnh đó, khẩn trương lập danh mục các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để tập trung tháo gỡ khó khăn.
Song song đó, Bộ Xây dựng kiến nghị kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống, nhất là các thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng cường xử lý nghiêm hành vi đưa thông tin không chính xác này.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.