Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết: “Ngay trong sáng 28/1 sau khi báo đăng bài “Làm rõ chuyện mua bán huy chương” diễn ra ở bộ môn taekwondo TP HCM tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và Tổng cục TDTT đã thống nhất gửi công văn yêu cầu địa phương báo cáo sự việc.
Phải đến khi nhận được báo cáo từ Sở VH-TT TP HCM, chúng tôi mới biết sự việc cụ thể như thế nào. Theo điều lệ đại hội, chỉ những VĐV có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định mới được thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc. Các VĐV được chuyển nhượng từ địa phương này sang địa phương khác phải thực hiện theo đúng quy định tại điều lệ”.
Phước Đại (trái) chụp hình cùng đồng đội Châu Tuyết Vân khi cả hai giành HCB và HCV tại Giải VĐTG 2014 - Ảnh: Facebook Châu Tuyết Vân |
Liên quan việc chuyển nhượng VĐV, ông Thắng cho rằng đây là nhu cầu thực tế của nền thể thao theo cơ chế thị trường vì thể thao cũng là một nghề lao động, không thể cấm việc chuyển nhượng VĐV. Dù vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của Đại hội TDTT toàn quốc là đánh giá quá trình đầu tư, phát triển của các địa phương với thể thao trong chu kỳ bốn năm. Vì thế để hạn chế số lượng VĐV đăng ký tham dự tại Đại hội TDTT toàn quốc lần sau, ngành thể thao đang nghiên cứu hạn chế số lượng môn thi đấu và đưa ra tiêu chuẩn thành tích đối với mỗi VĐV. Chỉ những VĐV đạt thành tích nhất định mới được tham dự Đại hội TDTT toàn quốc và biến đại hội này trở thành dạng Olympic thu nhỏ của VN.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ về chuyện bộ môn taekwondo đã mượn VĐV của TP HCM về thi đấu và lấy thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014, lãnh đạo sở VH-TT&DL hai tỉnh Cà Mau và Bình Phước đều cho biết họ không có chủ trương làm chuyện này.
Ông Tạ Hoàng Hiện - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau phụ trách mảng thể thao - nói: “Tôi không biết chuyện mượn VĐV này do ở dưới trung tâm thể thao làm. Chúng tôi không có chủ trương mượn VĐV về thi đấu để lấy thành tích, tôi chỉ nghe nói trung tâm có gửi VĐV lên TP HCM tập huấn. Còn nếu có chuyện TP HCM cho mượn thì có nghĩa là VĐV đã hết hợp đồng hoặc thanh lý hợp đồng rồi nên tôi nghĩ có thi đấu cho Cà Mau là hợp lệ”.
Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Phước Võ Quốc Thắng cho biết VĐV Nguyễn Quốc Minh là người Bình Phước nên đâu thể có chuyện mượn VĐV của TP HCM. Ông nói: “Giờ tôi mới nghe Nguyễn Quốc Minh đang lãnh lương của TP HCM. Tôi sẽ kiểm tra lại vấn đề này. Chủ trương của chúng tôi là không mượn VĐV thi đấu để lấy thành tích”.
Ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Cà Mau đã giành HCV quyền đồng đội nam do công của ba VĐV Phạm Chí Khanh, Tống Nguyên Bảo và Nguyễn Trương Phước Đại. Còn Bình Phước giành HCV quyền cá nhân nam do công của Nguyễn Quốc Minh. Điều đáng nói là cả bốn VĐV này đều đang hưởng mọi chế độ tập luyện của TP HCM như tiền ăn, tiền công tập luyện, tiền hỗ trợ tài năng, tiền đẳng cấp, tiền trang thiết bị tập luyện.
Cụ thể, trong quyết định cho HLV, VĐV môn taekwondo vào các tuyến năng khiếu thành phố năm 2014 do phó giám đốc Sở VH-TT TP HCM Mai Bá Hùng ký hôm 20/2/2014, Phạm Chí Khanh (sinh năm 1985, VĐV của quận 10) từ tuyến dự bị tập trung được chuyển lên năng khiếu tập trung. Tống Nguyên Bảo và Nguyễn Trương Phước Đại (cùng sinh năm 1994 và VĐV của quận 10) nằm ở tuyến dự bị tập trung. Còn Nguyễn Quốc Minh (sinh năm 1982) từ VĐV tuyến dự bị tập trung chuyển sang làm HLV tuyến năng khiếu trọng điểm.
Không biết những người có liên quan “phù phép” như thế nào để phù hợp với điều lệ thi đấu, những VĐV trên đã khoác áo hai đơn vị Cà Mau và Bình Phước thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Thậm chí bộ ba Phạm Chí Khanh, Tống Nguyên Bảo và Nguyễn Trương Phước Đại còn khoác áo Cà Mau giành HCV quyền đồng đội ở Giải vô địch taekwondo toàn quốc 2013 tại Bình Thuận.