Theo đó, dự thảo quy định điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với tập luyện gồm: Sàn tập diện tích từ 60 m2 trở lên; mặt sàn bằng phẳng, không trơn trượt và được trải thảm hoặc đệm mềm; ánh sáng tối thiểu là 150 Lux. Hệ thống âm thanh loa đài đảm bảo chất lượng, cường độ âm thanh trong khoảng từ 90 dBA đến 120 dBA. Chiều cao tối thiểu từ sàn đến trần nhà là 3 m, đảm bảo không gian thoáng mát.
"Đảm bảo các quy định về thời gian hoạt động, an ninh trật tự, vệ sinh, môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ theo quy định. Phải có phòng tắm, phòng vệ sinh, tủ đựng quần áo, tủ thuốc sơ cấp cứu phục vụ cho người đến tập luyện và có lối thoát hiểm", dự thảo quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bắt buộc các cơ sở thể dục thẩm mỹ phải có sổ theo dõi người tham gia tập luyện, ghi đầy đủ họ tên, năm sinh, địa chỉ, thời gian theo học và lưu đơn xin học của từng người.
Bảng nội quy bao gồm những nội dung chủ yếu sau: Đối tượng được phép tham gia tập luyện, trang phục khi tập luyện, giờ luyện tập, biện pháp đảm bảo an toàn khi tập luyện và các quy định khác. Trang bị các dụng cụ bổ trợ phục vụ người tập: Máy chạy bộ, tạ, bục, gậy (nếu có) được khuyến khích sử dụng.
"Mật độ tập luyện thể dục thẩm mỹ từ 2m2 trở lên/ một người tập. Mỗi nhân viên chuyên môn hướng dẫn tập luyện không quá 30 người trong một buổi tập", dự thảo thông tư nêu.
Đối với thi đấu, ngoài những điều kiện yêu cầu trên, nhà thi đấu phải có khu vực vệ sinh, phòng thay trang phục. Có lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự, vệ sinh và lực lượng y tế trực cấp cứu tại khu vực thi đấu. Danh sách đăng ký tham gia thi đấu của từng đơn vị, trong đó ảnh, ghi đầy đủ họ tên, năm sinh và giấy chứng nhận sức khỏe của từng thành viên.
Tổng cục Thể dục thể thao hoặc Liên đoàn Thể dục Việt Nam cấp quốc gia tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn thể dục thẩm mỹ. Nội dung, chương trình và thời gian tập huấn chuyên môn do Tổng cục Thể dục thể thao hoặc Liên đoàn Thể dục Việt Nam quyết định.