Ngày 19/3, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư Pháp sẽ có cuộc họp với cơ quan liên quan về nội dung trong Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam.
Cuộc họp được tổ chức sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy thông tư này có một số nội dung cần phải được xem xét thêm về tính hợp pháp. Trong những nội dung được xem xét có việc cách liệt kê chưa bao quát hết thức ăn chăn nuôi truyền thống và lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, đánh giá tác động khi soạn thảo văn bản pháp luật
Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT không liệt kê cà rốt là thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành. Ảnh: Phạm Trường. |
Thông tư 02 do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ký ban hành tháng 2/2019, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, trong danh mục quy định 13 sản phẩm có nguồn gốc thực vật, các loại thức ăn được chỉ tên cụ thể như: cỏ khô, cỏ tươi, vỏ rơm, vỏ trấu… Trong các loại củ, những loại được phép sử dụng bao gồm: khoai lang, khoai tây, khoai môn…
Điều này đồng nghĩa với việc những sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống như bèo tây, cà rốt, rau lang, rau muống hoặc các loại củ quả (trừ khoai, sắn) sẽ không được phép lưu hành.
Nhiều ý kiến cho rằng thông tư chưa đầy đủ và không rõ ràng gây khó cho ngành chăn nuôi. Nếu quy định này được giữ nguyên, người nuôi lợn sẽ không được sử dụng bèo tây, còn người nuôi thỏ sẽ phải bỏ thói quen cho ăn cà rốt.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết những quy định đã có trong Thông tư 26. Danh mục thức ăn chăn nuôi cũng được cập nhật trực tiếp theo quy định đã có, Cục chăn nuôi không tự ý đề xuất danh mục này.
"Tuy nhiên, thông tư vẫn đang được bổ sung và hoàn thiện để đưa thêm những loại thức ăn khác vào trong danh sách", ông Dương khẳng định.