Xuất hiện tại cuộc họp báo Chính phủ chiều muộn 29/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới trách nhiệm của ngành y cũng như cá nhân người đứng đầu Bộ Y tế khi để dịch sởi gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua.
- Trong cuộc họp khẩn về dịch sởi tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn yêu cầu rút kinh nghiệm và nhìn nhận trách nhiệm để xảy ra hậu quả đáng tiếc về người. Khi đã tạm qua giai đoạn đỉnh của dịch sởi, Bộ trưởng và ngành y tế có thể cho biết đã rút kinh nghiệm gì về dịch cũng như những khiếm khuyết cho đối phó lần sau?
- Đợt dịch sởi có mấy đặc điểm có thể rút kinh nghiệm. Thứ nhất, hầu hết trường hợp mắc sởi xảy ra trên trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ. Tỷ lệ trẻ tiêm thấp so với trước, có nguyên nhân khách và chủ quan. Thứ hai, có số trẻ tử vong tương đối cao, tập trung vào viện nhi đầu ngành. Trong số tử vong 50% sống ở Hà Nội…
Dù việc can thiệp về tuyên truyền, chỉ đạo của Bộ và Chính phủ đã tiến hành từ tháng 7/2013 xung quanh chiến dịch tiêm phòng nhưng để xảy ra hậu quả như vừa qua thì bài thứ nhất chúng tôi rút kinh nghiệm và xin nhận khuyết điểm đấy là hạn chế về công tác truyền thông, tuy quyết liệt nhưng chưa hiệu quả. Vì nếu hiệu quả thì người dân tiêm phòng tỷ lệ cao hơn và dịch đã không xảy ra.
Về số ca tử vong cao xảy ra ở Viện nhi trung ương (tới 97%), là cơ sở khám chữa bệnh đầu ngành, thì khách quan là do những ca nặng nhất cả nước đều tập trung về đây. Ngành y tế đã có phân tuyến nhưng người dân tập trung ở Viện nhi rất đông. Một khi đến thì họ không chịu về, tuyến dưới muốn giữ lại cũng không được.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong cao còn do yếu tố khách quan về thời tiết lạnh, ẩm ở miền Bắc cộng với sự quá tải bệnh viện gây nhiễm trùng chéo.
Qua sự việc lần này, ngành y tế xin cảm ơn báo chí đã làm cho sởi hạ hỏa ở Viện nhi. Nhờ truyền thông nên người dân không đến viện nhi nữa mà đến viện tuyến dưới để Viện nhi tập trung chữa bệnh nhân nặng, không còn nằm ghép. Người dân đưa trẻ đi tiêm đông.
Bài học lớn nhất với Bộ lần này là công tác truyền thông, truyền thông để thay đổi hành vi. Chúng tôi vì thế cũng vừa lập vụ Vụ truyền thông. Truyền thông phải đi trước, mới đến dự phòng, chữa trị.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Nhiều chuyên gia, bác sĩ đã đặt vấn đề quy trách nhiệm của Viện nhi trung ương trong việc để lây chéo. Bộ trưởng nghĩ sao?
- Giai đoạn này chúng tôi đang tập trung toàn lực để ứng phó tốt với dịch, cứu chữa trẻ em. Các y, bác sĩ làm ngày đêm, dành hết tâm trí, năng lực chuyên môn cứu chữa bệnh nhân nên việc đó chúng tôi sẽ làm sau.
- Khi đến thăm bệnh viện, gặp gỡ bệnh nhi và nhìn những phụ huynh đau đớn trước cái chết của con mình thì Bộ trưởng có cảm nhận như thế nào?
- Là mẹ của những đứa con tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới tất cả các bà mẹ chịu mất mát.
Cá nhân tôi rất yêu trẻ con. Mỗi lần tới bệnh viện thì tôi chỉ muốn đến khoa nhi, khoa sản để bồng các cháu nhỏ.
- Nhìn ở góc độ trách nhiệm cá nhân, đã bao giờ bà nghĩ tới việc từ chức khi dịch sởi hoành hành?
- Về trách nhiệm thì tôi nghĩ rằng dù nguyên nhân khách - chủ quan, trực tiếp - gián tiếp hay phân cấp - quản lý nhưng đụng đến lĩnh vực sức khỏe thì người đầu ngành đều có ít nhiều liên quan. Và đặc biệt đối với trẻ em thì đó là nỗi đau lòng, day dứt. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm về công tác truyền thông, giảm tải, bài học chống lây nhiễm chéo...
Còn với câu hỏi trên thì thú thực đến thời điểm này tôi không nghĩ đến từ chức ngay. Tại sao tôi không thể từ chức lúc này được, bởi vì toàn ngành chúng tôi còn phải tập trung giành giật sự sống cho các cháu. Mỗi một ngày chúng tôi chỉ mong không có cháu nào ra đi.
Lúc này, chúng tôi, từ thứ trưởng tới cục vụ trưởng làm việc không kể ngày đêm, không kể ngày lễ. Ngày mai là 30/4, chúng tôi vẫn đi kiểm tra tiếp, làm sao tiêm chủng đạt tỷ lệ 95%; yêu cầu các cơ sở y tế tuân thủ nguyên tắc giảm tử vong cho các cháu…
Hiện còn 20 cháu nằm máy thở. Tôi nói với các bác sĩ, bằng mọi cách hãy cứu sống lẫy các cháu, hãy chăm sóc các cháu cả về ăn uống, thuốc men hay vỗ về.