Ông Nelson Teich đã chỉ trích một sắc lệnh của Tổng thống Jair Bolsonaro cho phép phòng gym và cơ sở làm đẹp mở cửa trở lại tại Brazil. Song ông không đưa ra lý do từ chức trong cuộc họp báo cuối cùng trên cương vị bộ trưởng Y tế hôm 15/5.
Với sự ra đi của ông Teich, Brazil đã trải qua hai đời bộ trưởng y tế từ giữa tháng 4, trong bối cảnh đất nước Nam Mỹ xếp thứ sáu thế giới về cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong trong đại dịch Covid-19.
Ông Bolsonaro, vị tổng thống theo đường lối cực hữu có biệt danh "Trump xứ nhiệt đới", đã gọi bệnh do virus mới gây ra là "cảm xoàng", đồng thời lên án sự hoảng loạn về dịch bệnh và phản đối các biện pháp phong tỏa, theo AFP.
Ông Nelson Teich, trái, và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong lễ nhậm chức bộ trưởng Y tế hôm 17/4. Ảnh: Getty. |
Ông Teich, bác sĩ ung thư 62 tuổi, trở thành bộ trưởng Y tế hôm 17/4, một ngày sau khi ông Bolsonaro cách chức người tiền nhiệm của ông Teich, Luiz Henrique Mandetta.
Ông Mandetta, một người được yêu thích rộng rãi, cũng từng xung đột với ông Bolsonaro vì vị tổng thống chỉ trích mạnh mẽ biện pháp yêu cầu người dân ở nhà mà vị cựu bộ trưởng y tế đề xuất thực hiện để ngăn chặn virus lây lan.
Trong cuộc họp báo hôm 15/5, ông Teich cảm ơn ông Bolsonaro và nói "không dễ dàng để lãnh đạo một bộ thế này trong thời điểm khó khăn như vậy", và rằng "cuộc đời đầy rẫy những quyết định và tôi quyết định ra đi".
Dù ông Teich không nói lý do từ chức, dường như sự bất đồng với tổng thống về một số khía cạnh trong việc ứng phó với dịch bệnh đã khiến ông nói lời chia tay.
Theo BBC, ông Teich đã đối đầu với ông Bolsonaro về kế hoạch khôi phục nền kinh tế. Tuần trước, ông cho hay ông không được hỏi ý kiến trước về chỉ thị của tổng thống mở đường để các phòng gym, cơ sở làm đẹp và tiệm cắt tóc hoạt động trở lại tại Brazil.
Song bất đồng về cách ứng dụng thuốc sốt rét chloroquine được cho là mồi lửa cuối cùng, theo truyền thông địa phương.
Ông Teich không đồng ý với mong muốn của tổng thống về việc sử dụng chloroquine như một phương pháp điều trị Covid-19 trên diện rộng. Loại thuốc này đã thu hút được sự chú ý rộng rãi dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không có bằng chứng rõ ràng nào về tác dụng của nó.
Tin tức về việc ông Teich từ chức đã dân đến các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Bolsonaro ở nhiều thành phố. Cư dân mang chảo và bình ra gõ ở cửa sổ, đồng thời hô to "Biến đi, Bolsonaro!".
Brazil mới đây đã vượt qua những điểm nóng như Đức và Pháp về số ca nhiễm virus, với tổng số hơn 218.000 ca và kỷ lục 15.035 ca được ghi nhận trong 24 giờ hôm 15/5. Số người chết cũng tăng lên đến 14.817, chỉ xếp sau Mỹ, Anh, Italy, Pháp và Tây Ban Nha.