Tại phiên chất vấn chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có những chia sẻ về thị trường bất động sản, cũng như việc phát triển nhà ở xã hội. Ông cho rằng Bộ đang kiên trì thực hiện các giải pháp để tăng nguồn cung, phát triển bền vững thị trường.
Giải pháp tăng nguồn cung bất động sản
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) về thị trường bất động sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng qua qua diễn biến tình hình thị trường trong 9 tháng đầu năm 2022 thì Bộ Xây dựng có đánh giá và dự báo thị trường bất động sản thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn và nguồn cung sẽ tiếp tục bị hạn chế.
Ông nhấn mạnh cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp, trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội, nhà công nhân còn rất lớn, thị trường còn khó khăn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng. |
Các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện thì cần tạo điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển dự án bất động sản, góp phần tăng nguồn cung.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng đề ra như là các giải pháp liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thị trường hay giải pháp về kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện thì cần tạo điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển dự án bất động sản, góp phần tăng nguồn cung.
Ông cũng lưu ý đặc biệt ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Tăng ưu đãi để hấp dẫn chủ đầu tư
Về việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cũng thừa nhận chưa đáp ứng kỳ vọng. Đến nay, cả nước mới có 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội, trong khi yêu cầu là 12,5 triệu m2. Quỹ đất cho nhà ở xã hội cũng chỉ đáp ứng được 36,34%.
Việc chưa đảm bảo nguồn cung dẫn tới giá nhà ở xã hội vẫn ở mức cao, dù mục tiêu là hướng tới người lao động thu nhập thấp. Giá bình quân của nhà ở xã hội hiện trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu đồng/m2.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nguyên nhân của việc giá nhà ở xã hội vẫn cao là chưa đảm bảo được nguồn cung, đồng thời quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời phỏng vấn. Ảnh: Vũ Khánh. |
Đồng thời, quá trình, thủ tục tổ chức thực hiện phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đủ, từ đó khiến giá nhà còn cao so với thu nhập của đối tượng.
“Cần sửa đổi các nội dung như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán nhà ở xã hội; xác định giá nhà ở xã hội trước khi giao dịch; những ưu đãi cho chủ đầu tư dự án; quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành diện tích tối thiểu 20% để cho thuê”, Bộ trưởng nêu.Quá trình, thủ tục tổ chức thực hiện phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đủ, từ đó khiến giá nhà còn cao so với thu nhập của đối tượng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị
Ngoài ra, việc bố trí nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã ra Nghị định số 100 vào năm 2015, rồi sửa thành Nghị định số 49 năm 2021, trong đó có giao Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được chỉ định thực hiện cho vay nhà ở xã hội.
Đáp ứng 73% nhu cầu vào năm 2030
Thời gian tới, theo Bộ trưởng, giải pháp được nêu ra là điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Cho đến nay, dưới sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, Bộ trưởng khẳng định đề án này có thể đảm bảo tính khả thi. Ông Nghị cũng đưa ra lộ trình 2 giai đoạn để hoàn thành đề án.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tùy theo nhu cầu nhà ở của các địa phương, Bộ Xây dựng xác định mục tiêu 570.000 căn nhà. Giai đoạn 2025-2030, hoàn thành 845.000 căn hộ, đáp ứng khoảng 73% nhu cầu.
“Giải pháp thực hiện đề án này từ hoàn thiện chính sách pháp luật để tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đến triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn trong thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nguồn vốn cho nhà ở xã hội; đảm bảo nghiên cứu chính sách sẽ xác định được quỹ đất, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu…”, ông Nghị nói.
Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định chính sách của Ngân hàng Nhà nước hướng đến ưu tiên cấp tín dụng các khoản cho vay nhà ở phân khúc thấp.
"Với những giải pháp đồng bộ và việc thực hiện quyết liệt, phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành, địa phương, sự hưởng ứng của doanh nghiệp, chúng ta sẽ thực hiện thành công dự án 1 triệu nhà ở xã hội", Bộ trưởng Xây dựng khẳng định.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.