Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng 29/12, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết năm 2020, ngành xây dựng tăng trưởng 6,6%, cao nhất trong các ngành kinh tế.
Tỷ lệ đô thị hóa vượt mục tiêu, trong 5 năm có 7 đô thị mới, hiện nay cả nước có 862 đô thị và phân bố đồng đều trên cả nước, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bất động sản còn những hạn chế về chất lượng phát triển đô thị, quy hoạch, trật tự đô thị và bản sắc chưa rõ trong kiến trúc đô thị và nông thôn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“6 năm qua không có bong bóng bất động sản”
Mặt khác, 6 năm qua, hầu như không có bong bóng bất động sản, dù đã thu hút 17 tỷ USD vốn FDI. Việt Nam đã có nhiều khu đô thị, khách sạn, resort mang tầm quốc tế và hơn nhiều nước trong khu vực.
Công tác sản xuất vật liệu xây dựng cũng phát triển mạnh, nhiều công trình tỷ lệ nội địa hoá đã đạt đến 90-100%, nhiều vật liệu cạnh tranh ngang ngửa với thế giới. “Hiện ngành xây dựng hoàn toàn có đủ năng lực để tự thiết kế và thi công mọi công trình, mọi quy mô đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế về chất lượng phát triển đô thị, quy hoạch, trật tự đô thị và bản sắc chưa rõ trong kiến trúc đô thị và nông thôn.
Về nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng nhắc tới các vấn đề về quy hoạch đô thị, vốn đầu tư cho hạ tầng và hạ tầng cần hướng tới kết nối vùng; triển khai Luật Kiến trúc; dành đủ quỹ đất cho nhà ở xã hội; hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Đối với các đề xuất đề nghị phê duyệt quy hoạch đô thị và tháo gỡ vướng mắc pháp luật để triển khai các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ có văn bản gửi từng địa phương.
Sắp hoàn thành 8 dự án lớn kéo dài nhiều năm
Phát biểu tham luận, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2020, Thủ tướng đã chủ trì rất nhiều cuộc họp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của xây dựng cơ bản.
Kết quả, giải ngân xây dựng cơ bản tốt nhất nhiệm kỳ, nếu không muốn nói là tốt nhất trong 10 năm qua, đạt tỷ lệ 90%, khoảng 600.000 tỷ đồng. Riêng Bộ GTVT đã giải ngân 36.000 tỷ trong tổng số 40.000 tỷ đồng và phấn đấu giải ngân 100%.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh VGP. |
Bộ trưởng nhắc tới nhiều dự án chuẩn bị hoàn thành trong thời gian tới, tuyến đường Vàm Cống - Rạch Sỏi, hầm Hải Vân 2, các dự án đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cầu Cửa Hội, sửa chữa cầu Thăng Long.
Bộ cũng đã hoàn thành 35 trạm thu phí tự động không dừng, nâng lên 100 trạm và còn 17 trạm đang phấn đấu hoàn thành; phấn đấu nhanh nhất có thể hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông; vận hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đây là 8 dự án phấn đấu nhiều năm và nay đã cơ bản hoàn thành.
Đồng thời, Bộ GTVT chuẩn bị khởi công nhiều dự án, trước hết là gói thầu xây lắp đầu tiên của sân bay Long Thành vào đầu năm mới; dự án Quốc lộ 19 nối Kon Tum - Bình Định, dự án tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lai Châu - Lào Cai. Tổng cộng, có 8 dự án chuẩn bị khởi công để công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 tốt hơn.
Bộ trưởng cũng nhắc tới hàng loạt dự án được thúc đẩy thời gian tới, trong đó có 4 dự án tại Đông Nam Bộ và 5 dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng hàng không, tập trung vào sân bay Điện Biên, Chu Lai, Côn Đảo.