Vượt khỏi khuôn khổ các cuộc thăm viếng xã giao hay làm việc thông thường, cuộc gặp này được chờ đợi vì câu chuyện mở rộng đầu tư của Coca-Cola đang được quan tâm, trong bối cảnh Coca-Cola Việt Nam từng được nêu tên trong "nghi vấn chuyển giá".
Năm ngoái, khi trả lời trên truyền hình về tình trạng một số doanh nghiệp FDI đang bị cơ quan thuế nghi ngờ chuyển giá, điển hình là Coca-Cola và Adidas, Bộ trưởng Vinh đã có phát biểu khá thẳng thắn là "số ít doanh nghiệp này đang làm xấu đi hình ảnh của 14.500 doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam”. "Việt Nam không chấp nhận việc Coca-Cola hay Adidas đầu tư thu lợi ở Việt Nam mà không mất một đồng tiền thuế nào", ông Vinh nói.
"Nghi vấn chuyển giá" dành cho Coca-Cola Việt Nam, cho đến nay vẫn là một nghi vấn, khi các bên liên quan chưa đưa ra một kết luận chính thức nào. |
Sau đó, trong chuyến thăm Mỹ, ông Vinh đã có cuộc làm việc với đại diện Coca-Cola và tại đó ông một mặt “hoan nghênh việc Coca-Cola tiếp tục việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng thêm 300 triệu USD trong vòng 3 năm tới”. Mặt khác, ông đề nghị “công ty nên thường xuyên cung cấp thông tin và minh bạch các hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả dự án tại Việt Nam và giữ đúng tiến độ cam kết đầu tư”.
"Nghi vấn chuyển giá" dành cho Coca-Cola Việt Nam, cho đến nay vẫn là một nghi vấn, khi các bên liên quan chưa đưa ra một kết luận chính thức nào. Đại diện Coca-Cola tại Việt Nam một mực lên tiếng khẳng định tập đoàn không chuyển giá để trốn thuế, cũng như cho biết dù chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng trong khoảng thời gian từ 2008 đến tháng 5/2013, Coca-Cola tại Việt Nam đã đóng hơn 33 triệu USD các loại thuế khác nhau.
Trong cuộc gặp báo chí vào tháng 6/2013, ông Clyde C. Tuggle, Phó chủ tịch thứ nhất, Giám đốc bộ phận quan hệ công chúng và truyền thông của Coca-Cola khẳng định rằng: "Công ty không thực hiện việc chuyển giá”. Còn ông Irial Finan, người sẽ gặp Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tuần này, cho rằng “với nhãn quan của người làm kinh doanh và muốn phát triển lâu dài, tôi không tưởng tượng được vì sao lại phải làm những điều sai trái như vậy”.
Ông Irial Finan nói, Coca-Cola đã phải mất 127 năm để được công nhân là nhãn điều hàng đầu thế giới với giá trị thương hiệu được định giá là khoảng 80 tỷ USD. “Tại sao phải đổ hết tất cả công sức bao nhiêu năm chỉ vì một thời gian ngắn làm những điều sai trái nhằm thu lợi bất chính. Mọi thứ sẽ bị phá huỷ khi chúng tôi kinh doanh không nghiêm túc và tuân thủ pháp luật”, ông nêu vấn đề.
Thậm chí, quan chức này còn nhấn mạnh rằng Coca-Cola Việt Nam sẽ "sẵn sàng được thanh tra thuế nếu Chính phủ muốn. Khi làm việc với cơ quan thuế Việt Nam, họ cũng công nhận là chúng tôi đã tuân thủ minh bạch các quy tắc tài chính”.