Ngay trong ngày đầu chất vấn (30/10), Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận được các câu hỏi về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa từ các đại biểu Quốc hội.
Chiều 30/10, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng đề nghị cho biết những giải pháp trong thời gian tới để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Đại biểu cũng yêu cầu Bộ trưởng cho biết giải pháp nhằm đảm bảo phát triển kinh tế gắn với du lịch nhưng phải đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.
Sáng 31/10, trả lời câu hỏi của đại biểu Cần Thị Mẫn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng các di sản văn hóa đang thu hút rất nhiều du khách cũng như đóng góp vào ngân sách. Với 8 di sản văn hóa vật thể, năm 2017 cả nước đã đón 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế. Thu hơn 2.500 tỷ đồng.
“Tại di sản vịnh Hạ Long chúng ta thu 1.100 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Số thu ở cố đô Huế là 320 tỷ, ngân sách đầu tư chỉ 47 tỷ; ở Hội An thu 219 tỷ, ngân sách chỉ đầu tư 17 tỷ. Đó mới chỉ là riêng tiền bán vé, khách du lịch đến lưu trú, đi lại, tham quan, ăn uống… Số tiền thu được gấp rất nhiều lần”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Ngọc Duy. |
Thu nhiều, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng công tác đầu tư cho di sản vẫn còn rất ít. Ông nhấn mạnh nếu chúng ta quan tâm đầu tư, coi việc đầu tư tu bổ di sản như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì sẽ thu hồi ngân sách rất nhanh, không bị thua lỗ.
“Không có dự án nào có lãi như thế này khi đầu tư vào di sản. Không có lỗ. Chúng ta chỉ đầu tư 50 tỷ đồng mà thu tới hơn 1.000 tỷ. Lĩnh vực bảo tồn di sản cần được quan tâm, bởi chúng ta vừa có thể bảo tồn được, vừa có nguồn thu rất lớn với ngân sách”, ông chia sẻ trước Quốc hội.
Ngay sau phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề này. Bà cho rằng những di tích khi được thu cần lấy một phần tiền để bảo tồn, trùng tu. Những di tích có nguồn thu rất lớn cần xem xét cơ chế này.
Năm 2017, cố đô Huế đã thu được 320 tỷ đồng từ tiền bán vé, trong khi Nhà nước chỉ đầu tư 47 tỷ đồng. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải. |
Cũng trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Thiện thừa nhận vẫn còn một số di tích làm không theo được cho cấp phép. Ông cho biết Bộ VHTTDL đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tu bổ di tích, giữ gìn tối đa yếu tố văn hóa, lịch sử, giá trị của di tích. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm, yêu cầu trả lại giá trị nguyên gốc của di tích.