Nhận trách nhiệm
Trả lời chất vấn liên quan đến việc trả món nợ về văn bản pháp luật và hướng dẫn thi hành luật liên quan đến công chứng, chứng thực quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đến nay các đơn vị liên quan đã trả nợ đủ.
Bộ Tư pháp được giao ban hành 3 văn bản bao gồm 2 nghị định, 1 thông tư quy định chi tiết luật công chứng, đồng thời bổ sung thông tư liên quan cho phù hợp luật.
Ngành tư pháp đã phối hợp Bộ Tài chính ban hành 1 thông tư liên tịch. Riêng Bộ Tài chính cũng có 1 thông tư riêng hướng dẫn.
Về Luật Đất đai, 14 văn bản bao gồm 6 nghị định Chính phủ, 8 thông tư của Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã ban hành đủ. “Việc ban hành cơ bản kịp thời, có hiệu lực cùng ngày có hiệu lực của luật”, Bộ trưởng Cường nêu.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Thắng Nguyễn. |
Với luật công chứng, ông Cường thừa nhận có sự chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn và “xin lỗi Quốc hội”. Văn bản chậm nhất được ban hành 7 tháng sau kế hoạch và văn bản sớm nhất cũng chậm 4 tháng.
"Bộ Tư pháp xin nhận khuyết điểm về vấn đề đó", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, không có việc thiếu đồng bộ, không sát thực tiễn hay quy định thêm về công chứng, chứng thực hay quy định thêm về chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chính phủ và các bộ rất quan tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đơn cử, thay vì bản sao có chứng thực, chỉ cần bản chụp, xuất trình bản chính đối chiếu, hoặc cung cấp bản chính để công chứng viên sao chụp. Công chứng viên được trao thêm quyền, tạo điều kiện sử dụng một cửa, thuận lợi cho nhau. Việc ủy quyền công chứng được thực hiện, kể cả với người dân ở các địa phương khác, thậm chí ở nước ngoài.
Người dân không buộc phải có mặt ở văn phòng công chứng như đại biểu nêu, trưởng ngành tư pháp khẳng định.
Chia sẻ với người dân phải vay nóng vì phiền hà công chứng
Liên quan đến việc chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, hai bộ đang hướng dẫn thực hiện quy định mới.
Ông cũng chỉ đạo sở tư pháp, các văn phòng công chứng, chứng thực tăng cường tuyên truyền, giải thích để người dân, tổ chức hiểu sự khác nhau giữa công chứng và chứng thực, giúp người dân tự quyết định dịch vụ gì phù hợp với nhu cầu và điều kiện.
Bộ trưởng Tư pháp cũng thừa nhận có việc thực hiện không đồng bộ giữa các cơ quan, địa phương liên quan đến công chứng, chứng thực về quyền sử dụng đất cho dân. Để tháo gỡ, Bộ trưởng Tư pháp ký công văn mới.
Tuy nhiên, vị Tư lệnh ngành này thừa nhận, việc thực hiện công chứng, chứng thực về quyền sử dụng đất chậm. Việc chậm trễ là do phối kết hợp giữa các bộ ngành. Ông mong các bộ ngành chia sẻ để khắc phục thời gian tới.
Ngoài ra, việc công chứng, chứng thực vẫn phức tạp, gây phiền hà cho dân, nhất là các gia đình nông thôn.
“Tôi xin chia sẻ với các gia đình vì phiền hà mà phải vay nóng lãi suất cao”, Bộ trưởng nói trước Quốc hội.
Tuy nhiên, việc này không phải do luật công chứng, mà do luật nội dung, nhất là luật dân sự và luật đất đai.
Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo luật dân sự sửa đổi, theo hướng không quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự mà thông qua người đại diện của hộ.
Nếu thông qua được, đây sẽ là giải pháp căn cơ để giảm thiểu thủ tục hành chính, không còn cảnh cả gia đình phải cùng có mặt hoặc có giấy ủy quyền khi không có mặt để công chứng, chứng thực.