Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng TT&TT: Mở không gian để doanh nghiệp công nghệ phát triển

Nhấn mạnh việc phải tạo lập 5-8 doanh nghiệp đầu đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý trách nhiệm của Bộ, bằng việc mở không gian, thị trường.

“Đổi mới cách tổng kết”, đó là yêu cầu mà Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho năm 2019. Trình bày thành tựu trực quan với triển lãm công nghệ Việt, báo cáo kết quả bằng video… Bộ Thông tin &Truyền thông cũng dành trọn một ngày để lắng nghe các lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp phát biểu.

“Chúng tôi muốn gửi thông điệp: từ nay trở đi, bộ muốn bàn vấn đề gì đều đưa các thành phần liên quan tham gia. Từ 2018, chúng ta làm nghị định, thông tư đều trên trên tinh thần ấy”, ông nói.

Ngay tại hội nghị, ông nêu câu hỏi một vị cục trưởng: dự thảo văn bản đã được gửi đến tay các giám đốc sở chưa. Ông giải thích: Các sở mới là người dùng. Việc tham vấn trong quá trình soạn thảo là một chuyện nhưng hoàn thiện dự thảo, cần gửi cho các địa phương. Từ vai trò chuyên gia, họ chuyển qua vai trò người dùng, mới thấy có vấn đề thực hay không.

Bo truong Nguyen Manh Hung anh 1
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.

"Nhận lấy trách nhiệm về mình"

Sau những tham luận của các doanh nghiệp, địa phương, đại diện các cục, vụ của Bộ lần lượt được mời lên giải đáp các vấn đề thắc mắc.

“Các vụ trưởng, cục trưởng có hứa không? Hứa phải đi kèm thời gian, có mục tiêu cụ thể”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu câu hỏi.

Nhiều lãnh đạo cục, vụ được Bộ trưởng lần lượt mời đứng lên, cam kết thời hạn để “ra được sản phẩm” là các văn bản pháp lý, khung chính sách, bao gồm đề án về chuyển đổi số quốc gia, về thanh toán số, việc cấp phép tần số.

“Các nội dung thống nhất sẽ được đưa vào văn bản và gửi đến các lãnh đạo sở. Đó là cơ sở để các sở, lãnh đạo sở có thể truy và thúc đẩy”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nói.

Chúng ta không thể chấp nhận việc một đơn vị nước ngoài vào Việt Nam không đóng thuế, không tuân thủ pháp luật mà vẫn rộng cửa chào đón.

Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

“Việc khó, việc mới, người giữ vị trí cao nhất phải lo làm trước... Không có người nhận trách nhiệm, mục tiêu sẽ không bao giờ đến. Chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nhắc lại lời hứa về việc cấp phép tần số 4G, Bộ trưởng đặt câu hỏi bao giờ sẽ xong. Phó cục trưởng phụ trách Cục Tần số vô tuyến điện, ông Lê Văn Tuấn, cam kết ngay trong tháng 1 ít nhất sẽ có một doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm 5G. Việc cấp phép 4G cũng sẽ hoàn thành trong tháng 3, để trước quý II đấu giá, theo đúng nghị quyết 02 của Chính phủ.

Với Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ trưởng yêu cầu đề án về chuyển đổi số phải ký được trong tháng 12 năm nay. Muốn được như vậy, ngày 15/4 bản dự thảo phải xong, để xin ý kiến các bên.

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp mở rộng thị trường, Bộ trưởng nhấn mạnh chính Bộ mới là người quyết định việc các doanh nghiệp có lớn được không.

“Các doanh nghiệp viễn thông của mình đã khai thác tới ngưỡng, chững lại, mà vẫn còn rất nhỏ. Phải mở không gian mới thì họ mới lớn được. Đó là trách nhiệm của ngành”, ông nói.

Liên quan tới việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử giá trị nhỏ, Bộ trưởng kỳ vọng tháng 6, thậm chí tháng 5 có thể bắt đầu triển khai.

Nhấn mạnh yêu cầu "nhanh" trong hành động, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: “Ngành thông tin & truyền thông mỗi ngày tạo ra 300 triệu USD. Một cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, mức thấp cũng giúp tăng được 10%. Điều này đồng nghĩa chậm đi 2 ngày để ra văn bản thì ngành này mất đi 1.000 tỷ đồng. Nhìn vào con số đó, chúng ta phải thấy sốt ruột mà làm nhanh lên”.

Bo truong Nguyen Manh Hung anh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chăm chú xem bản đồ người dùng Zalo theo thời gian thực. Ảnh: Quỳnh Trang.

Ông chia sẻ góc nhìn của CEO Bkav, rằng Việt Nam cần phải có 5-8 doanh nghiệp đầu đàn trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông. “Phải làm việc với họ ít nhất mỗi quý một lần, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho họ, hỗ trợ họ phát triển”, ông nói.

Chia sẻ khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hứa sẽ xúc tiến có ngân hàng chuyên về công nghệ - công nghiệp như mô hình tại Hàn Quốc.

“Lĩnh vực công nghệ thông tin có đặc thù không giống các lĩnh vực khác. Chúng ta không có nhiều tài sản để thế chấp. Bộ phải đóng vai tư vấn cho các ngân hàng, về tính khả thi của các dự án, dù ngân hàng vẫn là người quyết”, ông nói.

“Cá nhân tôi sẽ vận động, thuyết phục, tìm từng ngân hàng để hỏi. Và tôi tin sẽ ra được, không chỉ một mà một vài ngân hàng hỗ trợ cho các công ty công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Ông cũng lưu ý việc hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ khung pháp lý để doanh nghiệp Việt phát triển. “Hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài đâu có dễ, chúng ta không thể chấp nhận việc một đơn vị nước ngoài vào Việt Nam không đóng thuế, không tuân thủ pháp luật mà vẫn rộng cửa chào đón”, Bộ trưởng nêu sau khi dẫn trường hợp Facebook.

Nghĩ lớn rồi mới làm lớn được

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhắn nhủ các cán bộ trong ngành “phải dám nghĩ lớn rồi mới làm lớn được. Lãnh đạo phải dẫn dắt trước hết bằng việc tưởng tượng ra một tương lai lớn”.

Chúng ta phải nghĩ khác đi, lớn hơn, cao hơn, để làm khác, để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, để góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường.

Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Vì thế, ông nhắc các cán bộ “lao động là chính, thay vì bám vào tờ giấy. Việc mình làm quyết định mình là ai”.

Nguồn lực của ngành không chỉ đến từ vài nghìn cán bộ ở Bộ mà ở toàn bộ 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành, ở tất cả các sở. Ông nhắc các giám đốc sở, lãnh đạo cục, vụ “phải xắn tay vào làm”.

“Ngành của chúng ta gồm 6 lĩnh vực: Báo chí, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin, công nghiệp ICT, thông tin tuyên truyền. Thông tin tuyên truyền giúp tạo đồng thuận xã hội và công nghệ là chìa khóa để phát triển, do đó Bộ nắm trong tay 2 công cụ quyết định sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải nghĩ khác đi, lớn hơn, cao hơn, để làm khác, để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, để góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông nói thêm, trước đây Bộ thường đo mỗi năm ra được bao nhiêu nghị định, thông tư, còn bây giờ, phải làm khác đi. Hiệu quả làm việc của bộ không phải là bao nhiêu giấy viết ra, mà phải làm cho ngành phát triển.

“Viết ra nhiều giấy, mà ngành không phát triển thì không có ý nghĩa. Nói cách khác, phải đo ra kết quả cuối cùng. Sự hiệu quả trong công việc của Bộ phải đo lường bằng sự phát triển của ngành, của các doanh nghiệp trong ngành”, ông nói.

'Ở đâu có người Việt, ở đó có Zalo'

Chăm chú xem bản đồ người dùng Zalo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng nền tảng này thể hiện tư duy khác biệt và hiện thực hóa khát vọng của các kỹ sư công nghệ Việt Nam.


Phương Loan

Bạn có thể quan tâm