Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có báo cáo gửi Chính phủ về phương án tăng giá điện theo Nghị quyết số 30/NQ-CP; xây dựng, ban hành và kiểm tra thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán lẻ điện.
Báo cáo này tập trung nêu cơ sở pháp lý của việc tăng giá điện; quá trình xây dựng, ban hành bảng giá bán lẻ điện; giá bán lẻ điện theo bậc thang; thực tế sử dụng điện; kiến nghị đề xuất với Thủ tướng…
Nếu tính đủ chi phí, giá điện sẽ tăng 9,26%
Bộ Công Thương liệt kê các chi phí đầu vào tăng làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỷ đồng. Do đó, giá điện bình quân 2019 được điều chỉnh thêm 8,36%, giá bán lẻ bình quân là 1.864,44 đồng/kWh.
Bộ Công Thương cho biết tăng giá điện năm 2019 vẫn chưa tính đủ các chi phí. Ảnh: Thanh Hiếu. |
Theo Bộ Công Thương, phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy (khoảng 3.300 tỷ đồng) vào năm 2019.
Bộ này nhấn mạnh nếu bổ sung thêm chi phí, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng. Khi đó giá bán lẻ điện bình quân 2019 là khoảng 1.879,9 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá là 9,26%.
Bộ Công Thương còn cho rằng giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam chỉ bằng 66% giá của 8 nước Đông Nam Á khác. Cụ thể, Bộ Công Thương nói giá bán điện Việt Nam chỉ bằng 37% của Campuchia và 78% của Lào, ngoài ra giá bán lẻ hiện nay chỉ bằng 58% bình quân của thế giới.
Sẽ xem xét lại bậc giá điện
Lý giải về việc hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng, Bộ Công Thương chỉ ra 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Thứ hai do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%. Thứ ba, kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3.
Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng sử đụng điện trên cả nước; đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Nói về giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, Bộ Công Thương giải thích điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém.
Khi huy động các nhà máy điện phát điện, nguyên tắc ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát trước, nhà máy đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu dùng điện của khách hàng.
Vì thế, nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc, hay các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia… đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.
Bộ này cho biết trong năm 2018, số hộ dùng điện ở mức 100 số trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm 35% số hộ dùng điện sinh hoạt. Do vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 từ 0-50 số điện và bậc 2 từ 51-100 số điện được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với giá bán lẻ điện bình quân. Điều này nhằm hỗ trợ cho các hộ thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại giá cao hơn.
Bộ Công Thương cho rằng đời sống người dân đã cải thiện, nên việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá bán lẻ điện bậc thang mới cho các hộ gia đình là cần thiết.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, trong khi vẫn phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội”, báo cáo nêu.
Kiến nghị xử lý cá nhân xuyên tạc về giá điện
Trong phần đề xuất kiến nghị, Bộ Công Thương nói thực tế kiểm tra cho thấy, số lượng các khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc trên các phương tiện thông tin không nhiều và đều đã được giải đáp đầy đủ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Minh Quân. |
Vì vậy Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý "những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội".
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ giao Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính của EVN, thông tin đầy đủ đến các cơ quan báo chí về các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiền của EVN theo đúng quy định.
“Cần khẩn trương tái cơ cấu EVN theo Quyết định số 168/QĐ-TTg, đặc biệt là việc chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả chức năng vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện) thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN…”, Bộ Công Thương đề xuất.