Trong cuộc phỏng vấn riêng với Zing.vn, Bộ trưởng McClay nói nếu mỗi nước đều muốn thay đổi một chút trong hiệp định thì có thể bỏ lỡ cơ hội để có một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao.
- Tôi nhìn tuyên bố chung của các bộ trưởng TPP hôm qua thì thấy khá chung chung, không nhắc gì đến chuyện bao giờ TPP sẽ có hiệu lực,...
- Thực ra nó rất cụ thể, cho thấy sự thống nhất của cả 11 bên và mong muốn đi tiếp để có thể hưởng lợi khi TPP đi vào hiệu lực. Trước khi cuộc gặp diễn ra, chúng tôi nói rất rõ là không nên trông chờ một quyết định lớn nào.
Các quan chức sẽ có một loạt các cuộc họp trong thời gian tới để bàn thảo. Cuộc họp đầu tiên ở Nhật vào tháng 7 sẽ tính toán chi tiết làm thế nào để đưa hiệp định của 12 nước ban đầu xuống còn hiệp định 11 nước. Ngoài ra còn các vấn đề mà các nước quan tâm.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay vẫn tin TPP có thể đi vào hiệu lực vào cuối năm nay. Ảnh: Lê Hiếu. |
Các bộ trưởng cần đưa ra các quyết định khi họ có đầy đủ thông tin. Lịch trình cũng rất rõ ràng là chúng tôi muốn việc đó được tiến hành trong vài tháng tới để các bộ trưởng có thể trình đề xuất lên các nhà lãnh đạo vào tháng 11 này.
Đủ hấp dẫn để Mỹ trở lại
- Thủ tướng New Zealand Bill English phát biểu tại Tokyo nói ông muốn TPP có hiệu lực vào cuối năm nay và quan điểm này được Thủ tướng Abe ủng hộ. Sau cuộc gặp hôm qua, ông nghĩ lịch trình vậy có hiện thực?
- Tôi tin có thể đạt được. Đó là lý do tôi mong muốn chúng ta tập trung giải quyết các chương trình nghị sự càng sớm càng tốt. Hiệp định TPP ban đầu có thời hạn thực hiện là 2 năm, nên nó sẽ rơi vào tháng 3/2018. Hai thủ tướng Nhật, New Zealand đều nói lịch trình hiện tại của TPP nên được duy trì.
Điều đó sẽ khó nếu chúng ta bắt đầu đàm phán hiệp định này từ đầu. Nhưng chúng ta không phải vậy, chúng ta đã có một thoả thuận TPP chất lượng rất cao. Đó là một loạt các thoả thuận chung được đồng ý từ các nước Bắc Mỹ cho tới châu Á và Thái Bình Dương. Các nước và các doanh nghiệp đều có lợi khi có các luật lệ rõ ràng và được tuân thủ.
Các quan chức chúng tôi sẽ phải làm việc rất tích cực trong những tháng tới để có thể kịp thời hạn đã được ký của hiệp định.
- Các ông sẽ mở lại hiệp định thế nào khi quá khó để có được sự cân bằng và sự đánh đổi mà các nước đã phải đưa ra, đặc biệt là với các nước như Việt Nam hay Malaysia vốn có lợi ích lớn nhất từ thị trường Mỹ?
- Đó là việc các quan chức thương mại sẽ bàn thảo. Rõ ràng mỗi nước sẽ phải nhìn xem giá trị kinh tế của mình trong TPP 11 là thế nào. Lợi ích chiến lược chung của chúng ta là một loạt quy định rất cao về thương mại tự do.
Một trong những điểm lớn của TPP là việc mở cho các nước khác tham gia nếu họ đáp ứng các yêu cầu cao của hiệp định. Chúng tôi cũng nói trong tuyên bố chung là sẽ cố gắng để những nước ký ban đầu có thể gia nhập lại một cách dễ dàng.
Chúng tôi yêu cầu các quan chức làm sao để hiệp định đủ hấp dẫn để Mỹ sẽ quay trở lại vào tương lai. Đồng thời là để ngỏ cho các nước khác tham gia. Đã có một số nước APEC ngỏ ý là họ quan tâm tham gia vào TPP 11 – thông điệp của chúng tôi với họ là sẽ trao đổi sau khi thống nhất được hiệp định mới hoàn tất.
Chúng tôi sẽ cố gắng để dàn xếp những phương án khác nhau và đưa ra đề xuất trước cuộc gặp các lãnh đạo vào tháng 11.
Theo ông Todd McClay, nếu nước nào cũng muốn điều chỉnh một chút thì việc thống nhất hiệp định cuối cùng sẽ rất mất thời gian. Ảnh: Lê Hiếu. |
Không bàn thảo đàm phán lại
- Các bộ trưởng đã xác định đâu là các vấn đề chính nếu mở lại hiệp định để đàm phán?
- Chúng tôi không bàn thảo chuyện đàm phán lại. Chúng tôi hiện chỉ nói về những thay đổi cần được tiến hành. Trước hết là điều khoản để hiệp định có hiệu lực. Trước kia có Mỹ và giờ không có nên cần thay đổi.
Ngoài ra, còn vài nước có nhạy cảm với một số điểm hơn so với các nước khác (ở một số điều khoản). Tôi cũng hiểu phía Việt Nam phải cân nhắc đâu là cơ hội và lợi thế của họ. Tuần trước tôi có gặp Thủ tướng và bộ trưởng của các bạn nên tôi rất hiểu ý nghĩa của hiệp định đối với Việt Nam cũng như những thay đổi mà các bạn muốn khi Mỹ không còn.
11 nước sẽ cố tìm giải pháp chứ không phải đàm phán lại hiệp định. Nếu mỗi nước đều muốn thay đổi điều gì đó thì tất cả đều muốn thay đổi và lúc đó thì chúng ta mất cơ hội cho một hiệp định chất lượng cao mà có lợi cho toàn bộ người dân và các nền kinh tế.
- Các nước TPP muốn để ngỏ cánh cửa cho Mỹ trở lại, nhưng hôm qua Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer về căn bản là nói “Không”. Ông nghĩ sao?
- Điều đó cũng không ngạc nhiên gì. Họ nói họ không muốn vào TPP lúc này và tôi tôn trọng điều đó. Nhưng cũng nên nhớ Đại sứ Lighthizer hôm qua cũng nói là Mỹ không rút khỏi khu vực mà họ coi là quan trọng cho xuất nhập khẩu của mình. Họ muốn tìm cách kết nối để thúc đẩy thương mại.
Nhiệm vụ của các nước còn lại giờ là làm sao đưa TPP vào hiệu lực để có lợi cho nền kinh tế của chúng ta. Nước Mỹ sẽ phải quyết định là việc được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản, Việt Nam hay New Zealand có quan trọng với các nhà xuất khẩu của họ hay không.
Các bạn cũng nên nhớ là khi Việt Nam vào TPP thì họ sẽ có lợi thế hơn ở 10 quốc gia còn lại.
New Zealand và Nhật Bản hiện là hai nước mạnh mẽ nhất trong thúc đẩy TPP 11 sớm đi vào hiệu lực. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Quốc gia nào vẫn còn chần chừ trong việc thúc đẩy TPP?
- Nếu nhìn vào tuyên bố chung hôm qua, thì tất cả các nước đều thống nhất ủng hộ tiếp tục thúc đẩy TPP. Sẽ có một số việc rất chi tiết phải thực hiện – nó không đơn giản là Mỹ rút khỏi hiệp định mà có những việc phức tạp hơn (phải giải quyết).
Tôi rất hài lòng rằng tất cả 11 quốc gia đã cam kết tiếp tục thúc đẩy TPP và đều nhận thấy những lơi ích của tự do thương mại. TPP là hiệp định có tiêu chuẩn cao, sẽ mang tới những kết quả tích cực trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
- Có một số nước muốn tham gia RCEP thay vì TPP?
Tôi chưa thấy có quốc gia nào trong 11 nước TPP bày tỏ ý định vậy. Khi mọi thứ không rõ ràng thì ai cũng cố hiểu xem các tuyên bố là thế nào.
Khi Mỹ rút khỏi TPP, một số nước nghĩ không có Mỹ thì hiệp định sẽ không còn giá trị. Nhật Bản là một trong những nước đánh giá rất rõ ràng – họ đã phê chuẩn hiệp định. New Zealand cũng vậy
Nhìn vào thương mại thế giới ngày nay, không có quốc gia nào nói rằng: Tôi đang đàm phán hiệp định này, khi nào xong tôi mới đàm phán hiệp định khác. Chúng ta đều đàm phán rất nhiều hiệp định cùng một lúc, một số trong đó có những điểm tương đồng.
Việt Nam và New Zealand đang đàm phán cùng lúc 3 hiệp định, đó là Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), TPP, RCEP.
- Vậy ông vẫn nghĩ lộ trình hiện nay của TPP có khả năng thực hiện được?
Đúng vậy, và chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để đạt được điều đó. Đã từ lâu, các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu nói rằng họ muốn có một thỏa thuận như TPP đi vào hiệu lực. Vì vậy mà chúng ta cần phải làm việc ngay từ bây giờ chứ không thể chờ đợi thêm. Tiến trình đàm phán đã kéo dài hơn 8 năm, chúng ta đã chờ 1 năm rưỡi để nó đi vào hiệu lực. Các chính phủ rất cần nỗ lực để đảm bảo những lợi ích của TPP đến với công dân của họ nhanh nhất có thể.
Bây giờ việc cần làm là đi vào những công việc chi tiết, cụ thể để đảm bảo đưa ra được các phương án trình lên cho các nhà lãnh đạo (tại thượng đỉnh APEC).
- Xin chân thành cám ơn ông.