Ngày 4/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận xảy ra vừa qua. Trong đó, vụ việc người đàn ông sàm sỡ, tấn công cô gái trong thang máy bị xử phạt hành chính 200.000 đồng được các đại biểu gợi lại.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề cập đến loại tội phạm xâm hại trẻ em, phụ nữ gia tăng, điển hình như vụ sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng.
“Mức phạt này có đủ sức răn đe không? Nếu không, Bộ trưởng làm gì để hạn chế tình trạng này”, đại diện cử tri thủ đô bức xúc.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận mức xử phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ là quá nhẹ. Ảnh: Minh Quân. |
Trả lời câu hỏi của nữ đại biểu, tướng Lâm cho biết Bộ Công an vẫn đang tích cực nghiên cứu, đề nghị với Chính phủ sửa đổi luật, nghị định, đảm bảo xử lý những vụ việc tương tự được nghiêm minh, đủ sức răn đe.
"Việc phòng ngừa, ngăn chặn xâm phạm thân thể nói chung, xâm hại tình dục nói riêng có nhiều giải pháp, xuất phát từ nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị tham gia, cũng như sự đấu tranh, lên án mạnh mẽ của toàn xã hội", người đứng đầu Bộ Công an trả lời.
Đầu tháng 4, Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, trú tại Long Biên, Hà Nội) có hành vi dùng vũ lực, sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chung cử ở quận Thanh Xuân khiến dư luận phẫn nộ.
Công an quận Thanh Xuân đã ra quyết định xử phạt người này với mức phạt 200.000 đồng về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”. Mức phạt này áp dụng theo điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ.
Sau đó, Ủy ban Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an giải trình ý kiến của cử tri liên quan đến tính chính xác của việc áp dụng điểm Nghị định 167 để xử lý hành vi trên và hướng đề xuất sửa đổi thời gian tới.
Theo thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, vụ việc nêu trên có dấu hiệu của dâm ô. Nhưng nạn nhân đã 20 tuổi và theo Bộ luật Hình sự 2015 thì chỉ có tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Chính điều này đã gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.
Ông cho biết đã chỉ đạo nghiên cứu rất kỹ quy định trong Bộ luật Hình sự, Nghị định 167, kể cả Bộ luật Lao động, nhưng soi chiếu thì hành vi không cấu thành tội phạm hình sự.
Vào cuối tháng 3, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Công an rà soát, khẩn trương đề xuất sửa đổi các quy định của Nghị định 167, các quy định hiện tại chưa đủ nghiêm khắc, thiếu thực tế.