-
Gần 50 đại biểu chất vấn đại tướng Tô Lâm
Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 47 đại biểu Quốc hội chất vấn, 11 đại biểu tranh luận. Ngoài ra còn có Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung cùng tham gia trả lời, giải trình và làm rõ những vấn đề liên quan.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào các nội dung an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an và trách nhiệm chung của các bộ, ngành liên quan. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng Bộ trưởng đã có một lần trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Với tinh thần trách nhiệm cao cùng kinh nghiệm trong công tác điều hành, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, nhận trách nhiệm với những hạn chế, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thiết thực", Chủ tịch Quốc hội đánh giá. Dù ghi nhận ngành công an thời gian qua đạt nhiều kết quả, Chủ tịch Quốc hội cho rằng thực tế xã hội vẫn chưa thực sự bình yên, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, của sự gia tăng hoạt động tội phạm.
“Thành tích của lực lượng công an rất lớn nhưng vẫn còn đó những lo lắng trong xã hội, vẫn xảy ra nhiều vụ án lớn thương tâm, Quốc hội và nhân dân cực lực lên án”, Chủ tịch Quốc hội nói về đề nghị Bộ Công an có giải pháp. -
Xin ý kiến để hoàn thiện dự luật chứ không phải thông qua
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói thêm việc Quốc hội xin ý kiến đại biểu về các vấn đề khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đúng quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, việc hôm qua Quốc hội xin ý kiến là để tiếp tục hoàn thiện chứ không phải thông qua luật, nhưng rất tiếc dư luận hiểu lầm rằng Quốc hội chưa muốn chế tài, chưa muốn xử lý người sử dụng rượu bia tham gia giao thông.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại theo quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định nghiêm cấm uống rượu bia tham gia giao thông. Điều đó khẳng định không phải không quy định việc này trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì không có chế tài để xử lý. Quá trình xây dựng luật có nhiều ý kiến khác nhau nên Quốc hội xin ý kiến để nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua. "Phải giải thích rõ cho nhân dân để mọi người hiểu đúng bản chất sự việc, tránh gây hiểu lầm", Chủ tịch Quốc hội nói. -
Sẽ tăng mức phạt với tài xế say xỉn
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết bản thân ông, Chính phủ, các thành viên của Quốc hội đã nhận thức được vi phạm này nguy hiểm thế nào đối với toàn xã hội.
“Say rượu lái xe đã gây ra cái chết rất đau thương, gây ra gánh nặng, nỗi đau cho gia đình, người thân và cho chính bản thân họ. Chỉ vì cuộc vui, chút quá chén mà gây ra hậu quả đó cho xã hội thì hết sức là đau lòng”, Phó thủ tướng phát biểu. Về mặt pháp luật, ông cho biết Chính phủ, Quốc hội có nhiều công cụ để điều chỉnh vấn đề này. “Luật Giao thông đường bộ có quy định, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ thì có Nghị định 46. Tới đây, Nghị định 46 sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với những hành vi vi phạm giao thông, vi phạm nồng độ cồn”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời trước Quốc hội.
-
Kỳ thi cần có sự giám sát của toàn xã hội
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về những giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm vụ việc gian lận điểm thi, không để tình trạng này tái diễn, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết các cơ quan, ban, ngành nhà trường cần phối hợp để củng cố xây dựng nền tảng đạo đức xã hội ngay từ trong nhà trường cho các em.
Thứ hai, Phó thủ tướng nhấn mạnh cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý Nhà nước nhất là các đơn vị trong ngành giáo dục. Cuối cùng, ông nhấn mạnh Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải củng cố siết chặt các quy định, quy chế trong thi cử, tránh những sự việc đáng tiếc như vừa rồi xảy ra. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh các kỳ thi quan trọng như THPT quốc gia cần phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan, có sự phối hợp của các bộ, ngành và đặc biệt là có sự giám sát của toàn xã hội. -
Mãi lộ trong CSGT, chế tài xử lý rất nghiêm khắc
Về nội dung liên quan hoạt động mãi lộ của CSGT, đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh mọi trường hợp vi phạm của CSGT phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, xử lý cán bộ vi phạm và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy. Ông cho biết hiện nay chế tài xử lý lực lượng rất nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự, tước quân tịch, đưa ra khỏi lực lượng CAND. Bộ cũng chỉ đạo nhiều biện pháp ngăn chặn như tăng cường giáo dục tư tưởng, tăng cường công nghệ để CSGT ít tiếp xúc với người vi phạm, đồng thời ban hành các quy định chặt chẽ về chức năng nhiệm vụ, quy trình công tác, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh vi phạm.
-
Không hạn chế quyền của luật sư
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lân Hiếu về tội phạm kinh tế, Bộ trưởng Công an nhận định đây là vấn đề đáng lo ngại. 5 tháng đầu năm 2019, công an phát hiện hơn 8.000 vụ án liên quan tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng phát hiện 121 vụ. Nhưng đáng nói các vụ án này thường liên quan đến ngân hàng, tài chính, đất đai, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Tội phạm buôn bán hàng lậu, hàng giả cũng gây thiệt hại nhiều cho kinh tế Nhà nước. Tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài có chiều hướng gia tăng. Về câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về quyền bào chữa của luật sư cho bị can, bị cáo và ngăn chặn mãi lộ của CSGT, Bộ trưởng Công an khẳng định quan điểm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra, tôn trọng việc để luật sư tham gia bảo vệ cho bị can, bị cáo. “Bộ Công an không có bất kỳ chỉ đạo nào hạn chế quyền của luật sư trong các vụ việc”, ông Lâm khẳng định. Về tranh luận của đại biểu Nguyễn Chiến, ông Lâm khẳng định quyền hoạt động của luật sư được Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật luật sư đã ban hành, đó là điều không phải bàn nữa, tránh sự trùng lặp của các quy định. Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quang Dũng phản ánh quy định thông thoáng về vận chuyển ma túy, ông Lâm cho biết sẽ phối hợp với các lực lượng ngăn chặn, nhưng không vì thế mà thắt chặt quy định của hải quan, ảnh hưởng sự phát triển của đất nước. Về câu hỏi của đại biểu Triệu Thanh Dung về giải pháp phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên và công tác cai nghiện, ông Lâm cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp, với Đoàn Thanh niên ký kết Nghị quyết liên tịch và triển khai đến cấp cơ sở, bước đầu đã có kết quả tích cực. -
Mức phạt 200.000 đồng không răn đe được tội phạm ấu dâm
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quốc Khánh về việc xử phạt hành vi xâm hại phụ nữ và trẻ em còn quá nhẹ, ông Lâm nói việc này có nhiều giải pháp cùng sự tham gia của nhiều ngành, cần sự đấu tranh, lên án mạnh mẽ của toàn xã hội.
Bộ trưởng Công an thừa nhận mức xử phạt 200.000 đồng cho hành vi xâm hại là không đủ sức răn đe. Tới đây Bộ sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 167 và sẽ có mức phạt phù hợp cho hành vi này. -
Kiên quyết xử lý sai phạm nội bộ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Sỹ Diến về việc công an cấu kết, điều hành băng nhóm xã hội đen, Bộ trưởng Tô Lâm nói quan điểm chung của Bộ Công an là rất kiên quyết xử lý sai phạm trong nội bộ, không có vùng cấm, không bao che bất kỳ trường hợp nào. Trên thực tế, Bộ đã xử lý nhiều cán bộ, kể cả cấp cao có liên quan. Đối với thông tin cán bộ công an liên quan điều hành băng nhóm tội phạm, nếu có, Bộ trưởng Công an khẳng định sẽ can thiệp. Bộ Công an đã có rất nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát, luân chuyển địa bàn, lắng nghe ý kiến nhân dân để phòng ngừa hoạt động này. "Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ làm việc trực tiếp với đại biểu để nắm thêm thông tin về vấn đề đang diễn ra ở đâu đó, đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định”, ông Lâm cam kết.
Liên quan tỷ lệ phần trăm người nghiện ở hai độ tuổi, ông Lâm cho biết đây là kết quả điều tra, khảo sát và thống kê trên thực tế. Ông cũng nói sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để có đánh giá sâu hơn và sẽ có văn bản gửi đại biểu trao đổi về việc này. Về câu hỏi của đại biểu Đặng Thuần Phong về tăng nguồn lực cho phòng, chống ma túy, Bộ trưởng Công an cho biết đã có báo cáo đề xuất với Chính phủ những đề án này nhưng do điều kiện kinh tế của đất nước, nhiều cái chưa thể đáp ứng được. “Chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá, tham mưu Chính phủ đề án tổng thể tăng cường nguồn lực cho đấu tranh phòng chống ma túy”, tướng Tô Lâm khẳng định. Về câu hỏi của đại biểu Minh (Quảng Trị), Bộ trưởng Công an nói đã đưa ra nhiều giải pháp và đây cũng chính là cam kết trong phòng, chống loại tội phạm này. Ông tin cùng với sự tham gia của các cấp, các ngành thì chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu về phòng, chống ma túy. -
Bộ trưởng Tô Lâm trong phiên làm việc buổi chiều có 10 phút trả lời, sau đó Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có 7 phút để báo cáo vấn đề 2 đại biểu hỏi.
Bộ trưởng Tô Lâm: 'CSGT nhận mãi lộ sẽ bị xử phạt rất nghiêm khắc'
Chiều 4/6, Bộ trưởng Tô Lâm tiếp tục đăng đàn trả lời các câu hỏi và tranh luận của đại biểu. Cùng trả lời là Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.