Sáng nay 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về tình hình kinh - tế xã hội, kế hoạch phát triển năm 2019; báo cáo 3 năm về việc tái cơ cấu nền kinh tế; thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội 3 năm 2016-2020…
Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, đã dành nhiều thời gian nêu ra những khó khăn mà ngành giao thông vận tải đang vướng mắc. Theo ông Thể, hiện tại một điểm nghẽn lớn khiến ông luôn băn khoăn đó là hạ tầng kinh tế kỹ thuật, trong đó có hạ tầng về giao thông.
Thiếu tiền làm hạ tầng
“Chúng ta không có điện thì không thể phát triển sản xuất, không có giao thông thì không thể vận chuyển được hàng hóa, xuất nhập khẩu. Không có các hạ tầng khác như đô thị, cụm dân cư, cụm công nghiệp thì rõ ràng khó mà phát triển”, ông nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vị bộ trưởng cho rằng trong nhiệm kỳ này Chính phủ đã tập trung cao độ phát triển hạ tầng giao thông nhưng vẫn tiến triển rất chậm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân là do nguồn vốn từ ngân sách, ODA có hạn. Ngoài ra, chúng ta đã đến trần nợ công nên việc huy động vốn từ nước ngoài cũng ngày càng khó khăn, cũng không thể phát hành trái phiếu. Việt Nam cũng là nước có mức thu nhập trung bình, lãi suất vay cũng cao hơn. Do đó ông Thể nói điểm nghẽn đầu tiên đó chính là nguồn vốn.
Chi phí thường xuyên hạn chế, đầu tư phát triển từ ngân sách không thể đủ. Ông Thể khẳng định chỉ dựa vào vốn vay, vốn ngân sách Nhà nước thì khó có thể phát triển được hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông.
Thủ tục quá rườm rà
Điểm nghẽn thứ hai được vị bộ trưởng nêu ra chính là thủ tục rườm rà. Theo đó, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ông Thể cho rằng tiến độ đảm bảo “đúng quy trình”, nhưng thủ tục rất rườm rà, rất dày và rất chậm so với kỳ vọng.
Ông phân tích, khi được Quốc hội đồng ý, Bộ phải chờ nghị quyết của Quốc hội ban hành sau 1 tháng rồi chuyển qua Chính phủ. Chính phủ mới cụ thể hóa nghị quyết bằng các chỉ đạo văn bản chính thức để bộ triển khai. Khi đó chúng tôi mới lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu lập dự án, mới chọn được tư vấn nghiên cứu lập dự án.
Tư vấn phải mất 3-4 tháng để nghiên cứu, báo cáo bộ nhiều lần mới hoàn chỉnh được dự án. Có dự án mới báo cáo Chính phủ để phê duyệt. Phê duyệt xong rồi thì bắt đầu quay lại tổ chức đấu thầu lập thiết kế, bản vẽ thi công, lập dự toán… Sau đó mới khảo sát thiết kế, phê duyệt. Sau khi phê duyệt xong mới tổ chức đấu thầu quốc tế, lập hồ sơ mời thầu, lại mất vài tháng.
“Thủ tục đầu tư hết sức kéo dài. Cái này không chỉ với giao thông mà một số vấn đề khác, Quốc hội cho phép Chính phủ xây dựng nghị định triển khai, nhưng xin thưa mỗi công đoạn tốn rất nhiều thời gian, qua nhiều bộ phận, nhiều ngành”, ông nói.
Ông Thể cũng dẫn ra ví dụ tư nhân làm sân bay Vân Đồn chỉ mất 1,5-2 năm. Còn Nhà nước trong thời gian đó mới chỉ làm xong dự án thôi, còn phải đấu thầu thiết kế.
Ông cũng lấy ví dụ về việc thu hồi đất ở dự án sân bay Long Thành phải thông qua một hội đồng đánh giá gồm 25 vị. Quy trình rất phức tạp.
“Tôi thấy cứ thế này thì rất là khó. Bản thân Bộ GTVT có tiền rồi nhưng không làm sao ra tiền được. Phải đúng quy trình. Làm sai thì không được. Khi làm sai thanh toán, kiểm toán họ lại nói mình làm không đúng. Quy định cái 60 ngày, cái 30 ngày thì phải đúng trình tự đó mà làm. Do đó hết sức sốt ruột”, ông gay gắt nói.
Bộ trưởng GTVT đề xuất cần giảm nhẹ thủ tục khi làm các công trình giao thông. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông đề xuất để quy trình thủ tục ngắn lại, khi ban hành, Quốc hội hay Chính phủ ghi rõ mong muốn từng việc cụ thể hoàn thành trong bao nhiêu ngày có thể khởi công, thì gom lại và ấn định thời gian cụ thể.
“Cũng không nên qua quá nhiều khâu trung gian. Chỉ cần Bộ GTVT là đầu mối và qua thêm 1-2 bộ khác mà thôi. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm hết trước Đảng và Nhà nước, ai làm sai người ấy chịu trách nhiệm”, ông chia sẻ.
Cuối cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng chậm về hạ tầng sẽ làm ảnh hưởng đến các năm tiếp theo. Ông cho biết cảm thấy sức lo lắng.
“Hiện nay chúng ta đang thấy tốt vì đã chuẩn bị 3-4 năm về trước. Còn chuẩn bị hôm nay thì cho những ngày sau. Đề nghị các đại biểu hết sức nghiên cứu khi thông qua Luật đầu tư công. Cái gì cần bỏ thì nên bỏ. Còn lại quy trách nhiệm cụ thể đến các bộ ngành”, ông nói.
Đồng tình với điều này, đại biểu Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban bí thư, đoàn Yên Bái) cho rằng đầu tư công đang quá chậm chạp, dự kiến 2-3 năm tới sẽ có ít công trình khánh thành. Ông cho biết một số dự án mà Quốc hội đã thông qua như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành cần sớm triển khai, tránh việc “có tiền mà không lấy được”.
“Cơ sở hạ tầng tốt giúp cho phát triển kinh tế ghê lắm. Điển hình như mới đây cầu Bạch Đằng khánh thành rút ngắn khoảng cách Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh. Hai tỉnh này tới đây sẽ là cơ hội. Trước đây vùng Quảng Yên đất làm gì có giá, có công trình đất Quảng Yên tự nhiên lên cao”, ông chia sẻ.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) thì nhấn mạnh cần tăng quan tâm phát triển cảng biển, đường sắt, khu công nghiệp, đường cao tốc theo hình thức PPP. Ông cũng lưu ý cần phải có cơ chế để các ngân hàng tạo thuận lợi thu xếp nguồn vốn cho các dự án giao thông.