Ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thị sát dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14). Sau khi nghe Ban Quản lý dự án báo cáo tình hình thi công trên toàn tuyến, trong đó có gói thầu đầu tư theo hình thức BOT của Công ty CP BOT Quang Đức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư này.
Trước đó, ngày 1/5, 2/3 nhà thầu xây lắp dự án này đã ngừng thi công vì cho rằng nhà đầu tư thanh toán khối lượng thi công rất chậm, lòng vòng, tạm giữ tiền của nhà thầu không hợp lý. Công ty CP BOT Quang Đức đã có báo cáo giải trình với Bộ Giao thông.
Theo đó, công ty này cho rằng các khoản tạm giữ giữa nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp gồm 5% giá trị thầu chờ quyết toán, 5% giá trị hợp đồng để bảo hành công trình, 10% giá trị phần nền đường và các hạng mục khác cho đến khi thảm nhựa mặt đường.
Bộ trưởng Đinh La Thăng (bìa trái) thị sát dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 20% nói trên, trước khi nhận thầu, các nhà thầu xây lắp còn phải cam kết “lại quả” cho Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (công ty mẹ của Công ty CP BOT Quang Đức) 30% giá trị thầu.
Cụ thể, trong thư đề xuất nhận thầu của Công ty TNHH XD-TM Gia Huy (xây lắp gói số 9 và 10 của dự án này) ghi rõ: “Chiết giảm 30% giá trị của gói thầu theo hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt. Theo đó, chúng tôi chỉ nhận giá trị thanh toán thực tế bằng 70% giá trị ký kết trong hợp đồng nhận thầu”.
Chính vì vậy, sau khi được nghiệm thu, thanh toán, Công ty XD-TM Gia Huy đã phải “lại quả” hơn 579 triệu đồng cho một lãnh đạo Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức. Mặc dù các khoản “lại quả”, tạm giữ rất cao nhưng nhà đầu tư lại không thanh toán kịp thời khối lượng hoàn thành cho nhà thầu, khiến các nhà thầu không còn khả năng để tiếp tục thi công.
Thi công như rùa bò
Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn từ Km 1738+148 đến Km 1763+610 dài khoảng 25 km nằm trên địa phận tỉnh Đắk Lắk, do liên danh Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty CP Đông Hưng Gia Lai và Công ty CP Sê San 4A đầu tư theo hình thức BOT.
Sau khi nhận thầu, các nhà đầu tư đã thành lập Công ty CP BOT Quang Đức đứng ra làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ tháng 9/2013, dự kiến hoàn thành tháng 10/2014 nhưng đến nay mới thi công được 8,4% so với hợp đồng, chỉ đạt 30,5% so với tiến độ được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.