Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Thăng: Thấy tàu gặp nạn mà không cứu sẽ bị xử lý

Như vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, hiện cơ quan chức năng đang quy trách nhiệm hai tàu lưu thông, biết tai nạn nhưng không cứu.

Theo tờ trình về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa trình Thương vụ Quốc hội chiều 12/8, lý do cần sửa đổi vì một số quy định của luật ban hành vào năm 2004 chưa phù hợp với tình hình thực tế như quy định về nồng độ cồn, đăng ký, đăng kiểm, quy định về bằng và hạng bằng của thuyền viên...
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đang quy trách nhiệm hai tàu trong vụ chìm ca nô ở Cần Giờ.

Bộ Giao thông vận tải, đơn vị xây dựng dự thảo cho biết, hiện cả nước có hơn 80.577km sông, kênh, rạch, tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000km. Vì vậy, khi có tai nạn xảy ra ở ngoài phạm vi luồng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc.

Luật sửa đổi bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm khi làm việc trên phương tiện mà máu có nồng độ cồn hoặc khí thở vượt quá quy định theo hướng giảm chỉ số nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở.

Đặc biệt Điều 24 dự thảo quy định về “Điều kiện hoạt động của phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm”, trong đó bổ sung quy định “Chính phủ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện” để bảo đảm an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Quy định này đã nhận được sự quan tâm của của đại biểu trong Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu chất vấn ban soạn thảo: Nếu sửa đổi điều 24 thì sẽ có bao nhiêu phương tiện bị loại bởi quy định này.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc điều chỉnh luật cần hướng đến đảm bảo cho sự an toàn. “Quê tôi có 9 đò ngang. Khi đi xuống đò ngang thì cả người đi và người chở đều vi phạm. Nếu có lốc xoáy sẽ rất nguy hiểm, chìm đò ngay”, ông Giàu cho biết.

Chỉ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết, nếu theo quy định về các hành vi bị cấm thì có rất nhiều vi phạm. Mặc dù luật quy định rõ nhưng thực tế lại chẳng làm gì. Tàu chỉ mất lái là ủi một loạt nhà đổ hết.

“Nếu luật mới thông qua thì có khắc phục được những tồn tại này không? Giống như đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, xuống ca nô thì phải mặc áo phao. Nhưng tôi ngồi vào ca nô có ai hỏi mặc áo đâu? Tàu chỉ chở được hơn chục người mà lại chở tới vài chục người, làm gì mà nó không chìm. Tôi chưa yên tâm, nếu cứ thế này thì tiếp tục xảy ra tai nạn nữa”, ông Ksor Phước nói.

Giải đáp nhiều băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, theo thống kê hiện có khoảng 300.000 phương tiện nhỏ vi phạm quy định điều 24 sửa đổi. Số phương tiện này sẽ giao cho địa phương quản lý cụ thể.

Điểm đáng lưu ý trong luật lần này là bổ sung quy định về “Cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa”, “Cứu hộ giao thông đường thủy nội địa”, và “Nguyên tắc cứu hộ” để có cơ sở thực hiện, giải quyết vụ việc. Theo Bộ trưởng Thăng, liên quan đến vụ chìm ca nô ở Cần Giờ mới đây, cơ quan chức năng đang quy trách nhiệm hai tàu lưu không, biết tai nạn nhưng không cứu.

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm